Phú quý sinh lễ nghĩa
Lời chào cao hơn mâm cỗ
Của cho không bằng cách đem cho
(Tục ngữ Việt Nam )
Rời Việt nam đã lâu, tưởng như thời gian có thể xóa nhòa, làm vơi đi những ký ức cũ ở quê nhà, vì dù sao hiện tại đã gắn với quê hương mới, nhưng không ký ức thật là kỳ diệu vẫn hiện về rõ mồn một, đặc biệt sự khác biệt văn hóa giữa hai môi trường sống đã tạo ra những thay đổi dần dần về cách nghĩ và cách hành xử giữa một anh chàng An nam mít và một gã Úc thòi lòi “hai trong một”. Một thứ hồi ức vẩn vơ về một nền văn hóa “quà biếu” tôi vốn thừa hưởng từ Việt nam và một lối hành xử hiện thời ở một xã hội mới nơi minh đang hội nhập, ...
Trong cuộc đời bạn, bạn có nhớ lần đầu tiên biết nhận quà và cho quà? Nếu tôi không nhầm thì có lẽ năm sáu tuổi gì đó, khi bắt đầu biết nhớ, được nhận những tờ tiền mừng tuổi của người lớn cho, mới cứng "cạo râu" được (năm hào, hai hào tiền VNDCCH trước đổi tiền 1984 - cái thời đồng tiền to nhất có mệnh giá chỉ 10 đồng), có lẽ những món quà mừng tuổi hồi ấy (thường được trẻ con ngần ngừ tiếc rẻ đem ra bà hàng xén mua bi ve bi đất hoặc mua kẹo kéo, ô mai khế linh tinh) có giá trị không kém những gói quà cồng kềnh đắt tiền và hi-tech thời nay của trẻ em như PS 3 Blue Ray, X-box, Wii,...vv . Những kỷ niệm này làm ta nhớ đến sự ngây thơ, trong sáng của quà biếu (gift),...đó là những món quà đầu tiên mà bạn nhận với niềm vui thích khá mãnh liêt, đây là nét văn hóa quà biếu đẹp đẽ trong sáng nhất trong các gia đình mà tôi từng được biết.
Thời thơ ấu trong trẻo cứ dần trôi, những ngày sơ tán về quê nghèo để bố mẹ yên tâm công tác, mối ân tình nhà quê - tỉnh thành sao mà đẹp thế, quê nội tôi ven sông Hồng vùng đất bãi phù sa bên bồi bên lở, ngày chiến tranh máy bay của Mỹ đánh phá ở các khu công nghiệp và quân sự thủ đô, chúng tôi sơ tán về quê, ở nhà ông bác, ăn uống kham khổ chủ yếu cơm chan tương, rau muống rau lang, và ngô khoai sắn, đặc biệt ngô non đem rang chảo gang ngọt lừ hay khoai lang lùi bếp tro ăn buổi tối đèn dầu và nghe người lớn kể chyện ma, liệu sơn hào hải vị đặc sản ngày nay có đem lại cảm giác ngon miệng như thế không? tôi ngờ rằng không, tôi vẫn nhớ bác gái tôi, răng đen mắt toét, nhưng thật là chất phác: bác thường có mỗi một câu chuyện kể đi kể lại với một cái chất giọng (accent) rất quê mùa: “Bố mày ngày tản cư về đây ... chà chà ... thuê người gánh mấy gánh ... toàn là sách...mẹ cha nó sao mà nhiều sách thế không biết...” chiều chiều dẫn anh em tôi và các con bác ra sông Hồng tắm mát. Mỗi lần bố mẹ tôi về thăm anh em tôi thường là tháng một lần, tôi thấy quà biếu cho các bác chỉ đơn giản là gói mì chính, chai nuớc mắm loại một, hoặc chai rượu cam rượu quýt của nhà máy Rượu Hà nội là hai bác cảm kích lắm, nhưng khi trở về, các bác nhất định tiễn tay bố mẹ tôi bằng mấy nải chuối to, vài cân khoai, ngô non, để bố mẹ “thồ” về Hà nội ăn cho vui,...(gà qué thì cả quê lẫn tỉnh đều ... hiếm, chỉ gặp những dịp giỗ kỵ mà thôi), cho đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra cảnh các bác tiễn bố mẹ ra đến đầu thôn, xe đạp lỉnh kỉnh sản vật địa phương lúa ngô khoai sắn bí bầu,... những ngày thơ ấu thật đẹp, nằm vắt vẻo nóc xe bò chở rơm rạ, thân cây ngô, đi tắm sông Hồng, trèo cây bắt ve, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn,...vv và vv, dẫu khổ nhưng văn hóa quà biếu thời kỳ này đượm màu tình cảm gắn bó với quê hương.
Rồi thì lên cấp ba, khi ta có những ngày mơ mộng, e ấp nghĩ đến một mối quan hệ “lâu dài và thân mật” với một người khác giới,...quà biếu ? Nhút nhát lắm, xấu hổ lắm nên chỉ nói chuyện với đối tác đã tim đập (loạn nhịp) chân run (cầy sấy), thì sức mấy dám nghĩ tới quà biếu,...Không ngờ tôi lại là người “nhận quà” tức là recipient, của người khác giới, có lẽ đối tác biết câu ngạn ngữ “đường đến trái tim của đàn ông là qua ngả ... dạ dầy” chăng? nên tôi hay nhận quà biếu kiểu trái cây đúng mùa như vải thiều, táo thiện phiến (thời trân thức thức sẵn bầy), hoặc khi thì vài quả ô mai,...điều quan trọng hơn, quà biếu như một tín hiệu báo hiệu, một sự thăm dò mơ hồ tế nhị: ... Ngược lại mình nhận quà thì cũng nghĩ đến cho quà, để đánh tín hiệu ... morse ... I like you ! hi hi, thường thì người gửi và người nhận lại không phải là một ... :-) (tức là nhận quà của đối tượng A, nhưng lại nghĩ cách...trao quà đối tượng B)...và trong đời cũng đã trải nghiệm thế nào là ... bị lừa, (bắc thang lên hỏi ông Trời,... tiền đưa cho gái có đòi được không ?), văn hóa quà biếu thời kỳ này tuy có vương vấn chút “tư tình”, nhưng vẫn trong sáng và nên thơ lắm phải không các bạn.
Rồi thời vào Đại học, phải nói đặc điểm của dân trí thức Nga (tầng lớp giáo viên) rất nghiêm túc, không thể nghĩ đến chuyện chạy điểm hay quà cáp gì được, bọn tôi chỉ bắt đầu biết biếu quà những bà già gác cổng khó tính bằng dầu cù là hộp sắt để các bà ấy làm ngơ cho bạn đi qua cổng ký túc xá vào thăm nhau. Rồi dần già các chú VC biết biếu quà (rượu Vodka cho nhân viên gửi hàng biển – gọi là “rót” vodka vào thùng hàng để nó giảm cước phi cho). hay biếu các cô Mậu dịch viên Nga son phấn Thái để nó bán cho ao bay, bàn là, xe đạp, máy khâu, vòng bi ...vv đủ các loại biến tướng của "văn hóa" quà biếu. Một loại hình “quà biếu” nữa là chi tiền mặt cho gác toa tầu hỏa, giá mềm bằng giá vé, mỗi lần ra ga đi Moscow, chẳng bao giờ phải đến trung tâm bán vé mua vé trước, vì tụi Nga hồi ấy cấm sinh viên nước ngoài di chuyển, nên không bán vé nếu không có hộ chiếu Nga, muốn đi phải làm đơn gửi trường chờ duyệt rất phức tạp. hoặc nhờ người Nga mua vé hộ, khi có vé thì có thể may mắn được lên tầu(50/50) vì gác toa thường không kiểm tra hộ chiếu, cho nên cách đi “chui” mười phần tiện lợi, không mua vé, khỏi xếp hàng, ra là đi, chỗ thì lúc nào mà chẳng có, toa tầu dài thế, hai chục toa, cứ cho là cả dây chuyền rất “trong sáng” thì cũng phải có một hai “mắt xích” yếu kém để mà ta tấn công chứ, nên cứ thấy các chàng sinh viên nước ngoài đi dọc theo chiếc tầu tốc hành “Mũi tên đỏ” là các cô gác toa “quét mắt” rất nhanh... bốn mắt gặp nhau thế là ... lên tầu, không quên vê tờ 20 rúp thành hình điếu thuốc dê và dúi nhanh vào tay nàng. Hành khách người Nga lại thật thà chả bao giờ dòm ngó để ý ai vào mới ai, lên tầu gác toa (provodchick) sẽ chỉ chỗ cho bạn nằm, nếu toa đã kín hết thì họ sẽ cho bạn nằm trong service coupee, thường có hai giường và bạn hoàn toàn yên tâm, khi đã yên vị trên tầu là yên tâm lôi Vodka ra uống với tây, nhấm nháp cá vobla, ra đầu toa hút thuốc tán dóc, ...có lần gặp may còn (nói chuyện) “mây mưa” với gác toa trẻ kiểu ....”Vacdan dlia dvoik” (Nhà ga dành cho hai người) .... thế mới biết mầm mống của chủ nghĩa cá nhân, hối lộ và trục lợi đã nảy sinh từ cái nôi của Cách Mạng Tháng Muời. Đặc biệt soát vé đường dài chỉ thấy ... bắt toàn thành phần trốn vé của Nga mà thôi, chứ gặp sinh viên ngoại quốc, chào kính cẩn lại còn nói “sì pa sí bơ”,....(chắc đã được ... bao sân bởi các gác toa và “kế hoạch ba” của họ chăng ?), đến đây thì văn hóa quà biếu đã mang mầu sắc hối lộ và đút lót rồi ....hu hu.
Thời gian thấm thoắt trôi,...tốt nghiệp ra trường chờ phân công công tác, lúc ấy cả hai vợ chồng trẻ đều “nhiệt tình hăng hái phục vụ cách mạng”....he he nhưng rất sợ cách mạng phân công ... đi tỉnh xa, nên bồn chồn lo lắng, về phía bà xã tôi, người phụ trách phân công công tác lại là cô Th,...sau khi nghe tả cô Th, nhà ở khu TT VPPHH và cô có ba người con trai... té ngửa ra thằng con út cô chính là bạn học cùng tôi hồi lớp 10, hôm hai vợ chồng lễ mễ xách lễ vật (rất nhỏ mọn) gồm mấy cân mứt sen, mấy cân chè móc câu, (không có rượu tây như sau này đâu) và mấy bánh xà phòng Lux. bao bì đơn giản lắm, cô Th, nhận rất đơn giản, thực ra cô có làm khó dễ gì đâu, chẳng qua hai vợ chồng áy náy, và người lớn mách bảo, phải vậy, phải vậy, .. nên cứ y chang làm theo thôi. Không ngờ: ngượng nhất là đụng mặt thằng bạn, nó quá hiền, và quá tốt, lúc nó tiễn tôi về, tôi còn nhớ dúi vào tay nó bao thuốc lá 3 số nó chối đây đẩy, quay ngoắt chạy biến làm tôi đứng như trời ... trồng. Chao ôi, quà biếu và những thời khắc khó xử trong đời là như thế đó. Về phần tôi, sau khi tốt nghiệp, ông già viết một thư tay, gửi đồng nghiệp (lúc đó giám đốc công ty) viết rất ngắn gọn, tôi còn nhớ đại ý,
“Anh T. kính mến,
Cháu T con trai tôi mới tốt nghiệp đại học, nay cháu có nguyện vọng xin được làm việc tai,... kính mong anh giúp đỡ.
Thân kính
ký tên
Tôi mang đến gặp bác ấy, bác ấy là người quân tử, hoàn toàn không thân với bố tôi nhưng là đồng nghiệp rất tốt, (đã mất vì bệnh tim, nghe nói gục ngay trên bục khi đang đọc diễn văn). Phần bố tôi thì cũng kiểu chả muốn hạ mình đến xin xỏ, mà chỉ thư tay nhờ thôi, với tâm lý được thì tốt không được cũng chẳng cần, tìm chỗ khác, không ngờ bác cười phán một câu tôi nhớ đến bây giờ:
“À cháu là con Bố H. phải không? lớn quá nhỉ,... về đi trường hợp của cháu bác sẽ giải quyết, chắc chắn là được, thế nhé”
Tôi lí nhí cảm ơn và chào bác ra về và ... được nhận công tác ... nghe đâu hồi ấy cái giá để xin một xuất ở đó là một tủ lạnh Saratốp 120 lít tương đương hai chỉ vàng – có người nói lại với tôi như vậy. Nhưng đấy chỉ mới là cửa đầu, còn các cửa sau như phòng Tổ chức Cán bộ, phòng t.k. nơi tôi trực tiếp làm việc, may quá, bố tôi đã về hưu, nhưng các cô trưởng phòng vẫn còn nhớ bố và vui vẻ nhận ngay. Thế là dịp Tết ngay sau đó, các cụ đã nhắc hai vợ chồng đến ngay nhà hai cô D và cô Ch. (trưởng các phòng ban liên hệ) để cảm ơn, bọn tôi vâng lời và đi lễ tết các ân nhân, thực lòng tôi rất quý các cô, rất muốn tỏ lòng biết ơn các cô nhưng đem quà đến biếu Tết thì ... sau mà ngượng thế, bà xã cũng kém xã giao cũng chả biết nói gì, ...ngượng chín cả mặt,.... chưa kể sự cố, hôm đến nhà cô trưởng phòng t.c., hỏi thăm vòng vèo tìm đúng nhà, gõ cửa cộc cộc một nhân vật lạ hoắc ra mở cửa, nhân vật này lại là nhân viên của một phòng khác của cơ quan, anh ta hiểu ngay cái sự ... shock của tôi và nói ngay, “Em đến chơi nhà chị D phải không? chị D đã chuyển đến địa chỉ...ABC, em cứ đến hỏi sẽ gặp...” dĩ nhiên anh ta không quên “quét nhanh” ,mắt qua cái làn quà biếu tôi khệ nệ xách trên tay, lỉnh kỉnh mứt sen, trà, rượu và bánh bicquy Tầu hộp sắt lòe loẹt, lại một phen ... muốn chui xuống lỗ nẻ.
Đến nhà cô D, cô đã được phân một căn hộ mới ở tầng 1, có cơi nới khu sân vườn bao quanh nhà, tôi bấm chuông và con gái cô mở cửa mời vào nhà, xe máy (ba bét nhè) để ngoài cửa, trong sân, có tường vây bao bọc cao 1.5 m, chấn song sắt, sau khi hỏi thăm xã giao và gửi quà biếu, nói tránh: “Bố mẹ cháu có ít quà gửi biếu cô chú nhân dịp Tết”... “ Gớm sao bố mẹ vẽ chuyện thế, quà bánh làm gì, lần sau, không phải đến nữa đâu nhé, lần này thì cô xin, cô cảm ơn”... Cô tiễn hai vợ chồng tôi ra cửa, khi ra mở khóa xe, thì một làn quà khác để trên giỏ xe (đáng lý chỉ để chở đầy Hoa Phượng mà thôi...) để đi tiếp chặng đường quà biếu, thì ôi thôi, đã không cánh mà bay, hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác tôi hỏi khẽ vợ, vừa nẫy em có xách cái làn thứ hai vào nhà không, bà xã bảo không, thôi thế là mất rồi, hóa ra khi chúng tôi bấm chuông, chờ mở cửa, hành vi đem quà biếu đi "phân phối" đã không lọt qua con mắt “cảnh giác cao độ” của “quần chúng nhân dân” ... ngồi hàng nước gần đó, thế là khi vào trong nhà hàn huyên (không lẽ xách theo cả hai làn ... sợ bị hiểu nhầm), “quần chúng nhân dân lao động” đã nhẩy phốc qua hàng rào và lặng lẽ rút đi cùng chiến lợi phẩm ... một làn quà tết. Cô D rất tinh đã hiểu ra sự việc ... cố gặng hỏi “mất gì mất gì ?” chúng tôi ú ớ ... "dạ không ạ không ạ", rồi chào cô và rút lui. Lại một lần muốn chui xuống lỗ nẻ vì ngượng. Ô hay, biếu xén, lễ nghĩa, sao mà ngượng, sao mà khổ, không biết ai thế nào chứ tôi thì quả là không có khả năng thiên phú về cái khoản “lễ nghĩa” này,...văn hóa quà biếu yếu tố tình cảm thì ít mà nghĩa vụ thì nhiều, đôi khi rất bẽ bàng vì thiếu chân thật.
Nhớ lại hồi trước đó có đọc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Bước đường cùng mới thấy là duới thời thực dân đế quốc, nạn quà biếu nhũng nhiễu đã có rồi, “vào cửa quan không có lối nói bằng nước dãi”, ông quan huyện tuổi Tý, bà vợ muốn thành tuổi Sửu để hương lý nó đúc tượng vàng tặng cho chồng, rồi có cả chuyện ông quan muốn thăng chức đưa cả vợ (mợ nó) đi ... “vi thiềng” quan Tây, hay chuyện các học trò gom nhau lại đi “tết” thầy, thầy không ưng vì đi đông, quà góp chung sẽ không “xôm” bằng học sinh đi lẻ,... văn hóa quà biếu của dân An nam đã có "cội sâu bền rễ" từ thời phong kiến thực dân.
Rồi thì thời gian cứ dần qua, bà xã vì có chuyên môn nên được cấp trên đưa về làm hiệu phó một trường mẫu giáo ở ngay Bờ Hồ,...thế là quận đã xuống gợi ý một số chỉ tiêu “thân quen”, thậm chí còn đặt vấn đề thẳng: kỳ này nhà trẻ trích tiền viện trợ UNICEF để trang bị cho Quận ủy một máy Radio cassette mới,?... thời ấy cách đây gần 30 chục năm, chứ bây giờ thì cả Quận Ủy và Nhà trẻ quận HK đều là những “ngọn cờ đầu” về kinh tài rồi, cái radio cassette thì nghĩa lý chi? ... Hay giám đốc Sở đi gợi ý các phòng ban “uống nước nhớ nguồn” để nhắc nhở trách nhiệm với cấp trên: văn hóa quà biếu đến đây có mùi chia chác bổng lộc. Vợ chồng tôi khó chịu vì những buổi tối phụ huynh mẫu giáo đến nhà biếu vợ tôi gói đường hộp sữa và ngồi "cháo ám" cả tiếng đồng hồ, đúng là ... kính chẳng bõ phiền. Mất toi cả buổi tối hiếm hoi của cả hai vợ chồng trẻ.
Một lần khác để làm hộ chiếu đi nước ngoài, chả biết chạy cửa nào có thằng em họ con bà cô vợ, làm CA, giới thiệu một vị cục phó cục XNC, thế là liên miên đưa vị này đi ăn uống, mà vị này rất “kiệm lời” đi ăn uống rất nhiệt tình, lững thững ngay từ văn phòng cơ quan, gần hồ Thiền quang ra ngồi quán đặc sản, bia Heineken mở bôm bốp, cắm cúi gắp, ăn, nhậu, chả nói chả rằng, bọn tôi và thằng em và sếp của nó nói chuyện dè dặt với nhau, thằng em hồi ấy cấp úy, sếp của nó cũng cấp úy mới là phó phòng, còn xa mới đến tầm vị Cục phó này, nên chúng nó giúp tôi nhưng cũng là gián tiếp tự giúp chúng nó để "vua biết mặt chúa biết tên", lại được ăn nhậu miễn phí. Về phần tôi muốn qua sông thì phải ... lụy đò, nên đóng vai điếu đóm cần mẫn. Một hôm ông anh ra sở XNC HN (cấp thấp hơn) ở Tô Hiến Thành gặp một chú CA trẻ (nhưng rất từng trải) chú ấy phán một câu xanh rờn: Anh cứ về nói với người đứng đơn lo cho em 4 "vé" là có một hộ chiếu. Giá cả hồi ấy thế là cũng lớn lắm 4 vé (400 thời ấy) quý hơn 4 ngàn bây giờ. Sau khi deposit 100 làm tin, đúng 1 tháng sau, anh ta đi xe cúp mang HC đến tận nhà và bọn tôi chung chi phần còn lại. Sau khi xong xuôi anh ấy thòng một câu: “ Nhà anh có nhờ vả cụ S. xuýt nữa thì anh em giẫm chân lên nhau... may mà em với cụ S (cục phó) cũng là chỗ "người nhà" nên không sao” ... hóa ra cái khoản “ngu phí” cho cụ S, cứ đánh chén tỳ tỳ ... thì chả được tác dụng gì. Tôi luận ra là “cụ” muốn kéo dài thời gian chờ đợi để ... nhậu miễn phí. Ngược lại cụ cũng ngại “ra giá” như chú em T. kia. Văn hóa quà biếu ở đây có mùi chạy chọt cửa công quyền. Cái khoản này một nhân tài tôi biết rất rõ, nay đã nằm trong dánh sách những người giầu nhất nước, tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhưng khoản chạy chọt cửa quan này thì ... là đại sư phụ. Từ tay trắng đi lên thành đại phú nhờ ... “ưu thời mẫn thế” và đi lọt các cửa khó nhất.
Đấy chỉ là những mẩu chuyện về “quà biếu” hết sức giản dị, tầm thường chẳng có gì phức tạp mà sao tôi vẫn không quên, kể cả cái lần lên được bà bí thư ĐSQ Úc phỏng vấn, hôm ấy lên văn phòng bà ở phố bà Triệu, cùng ngày cũng thấy kịch sỹ Chí Trung đến chờ phỏng vấn, tôi có đem theo một bó hoa tươi, và một tranh sơn mài nhỏ, bà ... sững người và nhất định không nhận tranh sơn mài, chỉ nhận bó hoa, vẻ mặt rất “khó chịu” khi bị/được quà biếu,...thế nhưng khi phỏng vấn bà ta vẫn tỏ thái độ lịch sự và vô tư và sau đó tôi có visa vẫn đỏ mặt vì món quà ... ế với bà.
Đến thời kinh tế mở cửa (tụi truyền thông phương tây hay gọi là thời kỳ doi moi – “đồi mồi”) tôi cũng bung ra làm ăn với bạn bè, và văn hóa quà biếu đã lên đến trình độ khá cao thủ, đối tác gặp nhau sơ bộ, mời nhậu, thông qua dự toán, phong bì và nhậu, ký kết hợp đồng nhậu và phong bì, tạm ứng thi công: nhậu kèm phong bì, cắt thêm séc: phong bì rồi thì ... nhậu, nghiệm thu công trình: phong bì các cửa và nhậu các cửa, thanh lý hợp đồng: phong bì và nhậu, một chu kỳ lặp đi lặp lại hết nhậu lại phong bì, hết phong bì lại nhậu tiếp, nhưng chưa đến mức sỗ sàng như đặt thành giá cho những phi vụ mua bán ghế sau này. Lần đầu tiên uống Cognag Hennesy nút bấc là như thế,... thời kỳ bia 333, Vạn lực và Johnny Red Label đã là sang trọng. Văn hóa quà biếu thời kỳ này là "lại quả" (kick back) tức là những chiêu thức đầu tiên của hối lộ chia chác công quỹ một cách tinh vi.
Tôi vốn tính nóng nẩy nên nhiều khi làm hỏng việc của mấy anh em, vì khi đi đàm phán công trình, gặp cảnh hoạnh họe của bên A, nhiều khi nóng mặt bỏ về,...làm anh em khác phải đi chữa cháy. Hồi ấy cơ chế còn bó buộc chuyện lãi doanh nghiệp, nên chủ yếu lãi được nhờ khai tăng giá vật tư và dôi nhân công, còn doanh thu và thực chi trên sổ sách phải bằng nhau chứ không được phép thu lời, vì trong dự toán không có mục tiền lời doanh nghiệp, trách nhiệm phí, chi phí điều hành công ty, bên A tức chủ công trình chỉ thanh toán chi phí theo dự toán mẫu của Nhà nước (rất sơ khai)... làm thế thực tế là làm đúng luật nhưng lại sai luật vì tình ngay ý gian, nếu bị thanh tra và bắt khớp hóa đơn chứng từ thì chỉ có nước ... đi tù. Vì thế tôi sợ đi tù và quyết định chấm dứt con đường làm công trình, thứ nhất có vài cái lợi: một là vợ con còn thấy tôi về nhà ăn cơm tối, chứ lúc trước, dúi vào tay vợ một cục tiền bảo đi mua “đỏ” (gold) cất, và chi tiêu xả láng, nhưng tối về thì chân đi quận thừng, lưỡi đã líu vì quá chén, đôi khi cho chó ăn chè, vợ phải dọn và bôi vôi và không ngừng ca thán, bảo anh cứ đi mút chỉ thế này thì hỏng là cái chắc...,...sau đó tôi quyết định giải nghệ, bỏ làm công trình, một thời gian ngắn sau là lên đường đi Úc.
Trở lại câu chuyện đặt chân lên đất Úc,... tôi đi học lái xe, chú dậy lái xe lại “cố vấn” này em, ở đồn Cảnh Sát Giao thông này có thằng “ăn” đấy, muốn “chống trượt” thì chi cho nó 100 đô ... , tôi nhất quyết phản đối, bảo không, trượt thi lại, nhất định không chơi trò khuất tất ấy, quả nhiên tôi thi đỗ dễ dàng, inspector chấm điểm công minh chẳng hành hẹ gì. Văn hóa quà biếu ở đây không có đất sống mặc dù mầm mống thì ... vẫn có.
Đi làm ở Úc, boss lớn, boss nhỏ kệ các boss, uống bia cùng nhau là “mày tao” hết và đã quên cái cảnh ... ôm cành đào đi giật lùi vào nhà sếp, hay lễ mễ mang gói quà rượu đi biếu "ma ra tông" các cửa quan hồi ở VN. Cũng chẳng cần nhớ ngày sinh nhật vợ con ông bà cha mẹ sếp mà đưa phong bì gọi là mừng cho hai cháu, hoặc mừng sinh nhật sếp gái...vv và vv. Ngày lễ tết người nhận quà là nhân viên chứ không phải sếp, liên hoan chia tay, sếp đến bắt tay từng người và phát quà, thường là hai chai vang đỏ hoặc giỏ quà, christmas hamper, đôi khi bốc thăm, có giải thưởng nhẹ nhàng cho nhân viên. Mọi người ăn uống, vui vẻ và chia tay nhau đi nghỉ mát. Đi ăn với sếp thường thì sếp bao nhân viên chứ không có ngược lại,...gặp đối tác nước ngoài, nhiều lắm là chiêu đãi nhau 1 lần và chỉ một, nên nhiều ông VN sang đây công tác khó chịu ra mặt vì Tây không biết o bế đối tác. Văn hóa quà biếu ở đây là vô tư: tức là thích thì cho nhau quà, chỉ mang tính chất quan tâm, còn những món quà có giá trị bị nhìn với con mắt ngờ vực: ... hay nó định lợi dụng gì mình đây?. Kể cả nhân viên môi giới địa ốc, không dễ dầu gì bạn cho họ tiền mặt mà họ chịu nhận, để làm giá mềm có lợi cho bạn.
Về VN chơi, qua sân bay những năm trước bị hoặc hành lên bờ xuống ruộng hoặc gặp những đôi mắt "mang hình viên đạn" của nhân viên cửa khẩu khi phật qua phật lại quyển hộ chiếu tư bản mà không thấy có cái gì ... bay vào ngăn kéo. Nhiều lần chặc lưỡi gài đại 20 hoặc 50 đô, thấy qua lẹ ru, miễn luôn cả soi hành lý, mấy năm gần đây thấy tình hình có cải tiến dễ chịu hơn, ...văn hóa quà biếu của một thời ngăn sông cấm chợ và bắt chẹt hành khách, một thứ “văn hóa” ... thô bỉ.
Nói chung câu chuyện quà biếu chỉ có vậy, thương nhau thì thương ở tấm lòng, quà biếu thì quý thật nhưng cũng phiền lụy thật. Cái phong cách quà biếu Á Âu thì có vẻ như câu nói của Rudyard Kipling vẫn đúng với nó: “Đông là Đông và Tây là Tây, hai vế ấy không bao giờ gặp nhau được...”
Mùa đua ngựa Melbourne Cup 2010
No comments:
Post a Comment