Tuesday, January 29, 2013

Bạch mã phi mã

Nghệ thuậtÂm nhạcTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
8.6.2005
Lê Anh Dũng
Ngựa trắng không phải là ngựa trắng
 
Phamduy.com là bản tường trình đầy đủ nhất từ xưa tới nay về cuộc đời và sự nghiệp Phạm Duy. Ở đó, Phạm Duy tập hợp tất cả những gì liên quan tới ông: ca khúc, sưu khảo về dân ca, về trống, những bài phỏng vấn, nhận định về ông, 4 tập hồi ký… Các ca khúc được xếp theo nhiều cách khác nhau để dễ tìm kiếm: hoặc theo thể loại như tình ca, dân ca, bé ca, đạo ca, Hàn Mặc Tử ca, tục ca (?), thiền ca, nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc lời Việt, trường caMẹ Việt Nam, trường ca Con đường cái quan…; hoặc theo thời gian v.v… Ta có thể nghe giọng hát của ông, một ca sĩ dở chưa từng thấy, nghe nhiều bài hát của ông qua đủ giọng ca, cả những bài được thâu thanh vào năm 1952 của Thái Thanh, Thái Hằng vợ yêu của ông nay đã khuất. Khoảng 1000 tác phẩm của ông được đưa lên website này. Ở phamduy.com ta thấy được sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, thấy được lòng yêu mến, trân trọng và hãnh diện về những tác phẩm của mình, dở cũng như hay. Website này do chính Phạm Duy xây dựng và bảo trì, sẽ không ai có thẩm quyền hơn ông để làm chuyện này. Qua hồi ký, ông kể lại cuộc đời mình từ ấu thơ tới giai đoạn tha hương sau 1975, lồng chung với lịch sử âm nhạc Việt Nam cận đại từ lúc phôi thai. Hồi ký của ông có vô số quan sát thông minh, nhạy bén của một nghệ sĩ lớn, chứng nhân một giai đoạn biến động nhất của lịch sử Việt Nam. Hồi ký này tỏ rõ ngoài việc là một nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, ông cũng là một nhà văn lớn, văn chương giản dị, tự nhiên. Hồi ký 1, 2 ,3 đã được ấn hành, chỉ có hồi ký 4 chưa in nhưng có trên mạng, mạng mất thì hồi ký 4 cũng mất. [1]

Cách đây trên 2 năm, trong một buổi gặp gỡ thân tình chỉ có vài người, ông sung sướng khoe với chúng tôi là khi về Việt Nam, ông được nguời ái mộ sưu tập, thâu tặng lại ông cả trăm bài hát của chính ông, rồi ông cười kiểu Phạm Duy "đâu có cấm tôi được, đâu có xóa tôi đi được". Gần đây biết ông sức khoẻ yếu kém, mổ tim, tiểu ra máu… rồi sắp về Việt Nam ở luôn, tôi có hơi bâng khuâng nhưng cũng mừng. Chỗ ở của một ông già 86 tuổi phải là quê hương, nơi mà vừa bước ra ngõ đã nghe tiếng Việt lao xao khắp chốn. Để mọi người có một chỗ đứng, một tiếng nói trên quê hương, dù người đó có khác mình như chim với cá, là bổn phận và trách nhiệm của mọi chính quyền Việt Nam hiểu biết trong thế kỷ 21. Việc hòa nhập tiệm tiến, hòa ái giữa trong và ngoài là chuyện rất đáng mừng.

Gần đây khi vào phamduy.com, chúng tôi chỉ còn thấy


Website này 
đã ngưng hoạt động 

Good Bye!!!


Cảm giác đầu tiên là như bị tát vào mặt. Chúng ta đều biết việc duy trì một website hoạt động là chuyện rất dễ dàng, không tốn kém. Nếu Phạm Duy về Việt Nam nên không trực tiếp bảo trì được trang nhà của mình, thì có thiếu gì người ái mộ ông sung sướng gánh vác. Có gì rất bất thường trong việc đóng trang nhà theo kiểu này. Tôi nói với bố tôi "ông Phạm Duy vì về Việt Nam nên chấm dứt website của ông rồi". Phạm Duy đã tự xóa sạch bản thân một cách ngoài tưởng tượng. Tôi thấy chán ông quá sức.

Ngày đầu Phạm Duy về tới Việt Nam, có rất nhiều báo ra tận phi trường làm phóng sự, phỏng vấn ông. Ngay ngày đầu, trên những báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Viễn Xứ trên mạng, đã thấy ông tuyên bố: quên hết thời gian vừa qua, 30 năm qua là đêm tối…, rằng ông đã và sẽ xin phép lưu hành một số bài hát của mình, rằng ông muốn về đúng vào ngày 30-4 để mang một ý nghĩa tích cực, nhưng vì sức khỏe kém nên phải về trễ hơn… Duy Quang cũng góp lời rằng đất nước đã hoàn toàn đổi mới. Tại sao lại như vậy? Muốn xin phép thì cứ xin, nhưng nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe đã (trước khi về, sức khoẻ của Phạm Duy rất kém, phải nhập viện). Một ông già 86 tuổi, còn có gì để được, để mất, mà phải sớm cao giọng xin phép trên báo chí ngay từ ngày đầu trở lại, một cách ồn ào cho đồng bào trong và ngoài nước nghe như vậy? Có những điều chối tai khi Phạm Duy trả lời phỏng vấn (báo mạng Nguời Viễn Xứ ngày 21.5.2005), như khi ông gọi người khác là u mê, và "bấy lâu nay mình cứ tưởng bên kia có một lực lượng nhưng chẳng có gì cả, chỉ là một vài người lợi dụng danh từ 'chống Cộng' để làm tiền"... Tự do phát biểu là quyền đáng tôn xưng, nhưng phát biểu, nhận định về nguời khác cần có một sự thận trọng nào đó, nhất là khi có nhận xét tiêu cực. Sự sáng suốt của Phạm Duy sẽ vẹn toàn hơn nếu ông không có những phát biểu loại trên. [2]

Nhà văn Giao Chỉ viết trên Calitoday.com ngày 19-5 như sau, xin trích dài hơi:

"Trong thế giới di tản của dân Việt đã có cả trăm ngàn người về Việt Nam nhiều lần nhưng không ai ồn ào hơn ba nhân vật nổi danh trong ba lãnh vực. Tướng Nguyễn Cao Kỳ, thiền sư Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Duy. Chuyện bên ngoài của ba ông có vẻ giống nhau nhưng bề trong vẫn có nhiều khác biệt. 
Đa số chúng ta, dù với tấm lòng bao dung chấp nhận thì vẫn phải phê phán nhẹ nhàng là ừ về thì về nhưng đâu cần phải ồn ào quá độ như thế. Vị thiền sư siêu thoát đi hòa giải dân tộc cần gì phải đến 4 lọng vàng với phường bát âm dẫn lộ và hàng trăm cao tăng quốc tế theo hầu. Nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa một thời oanh liệt về đóng vai hàng thần lơ láo đâu có ai đòi hỏi mà phải tự động nhất bộ nhất bái.

Nhưng với người nghệ sĩ già Phạm Duy thì vẫn có một cái gì chưa tỏ tường. Cũng trong chỗ riêng tư, ông nói rằng phải chờ đến lúc nhạc sĩ qua đời thì những uẩn khúc mới được giãi bày.

Người nghệ sĩ khác với tướng công và thầy tăng. Nguyễn Du đã viết rằng: "Ba trăm nay sau, thiên hạ ai biết được lòng ta".

Vì vậy, bình luận về quan điểm chính trị và câu chuyện thế tục của Phạm Duy là lãnh vực rất tế nhị, phiền phức và dễ gây tranh luận.


Chúng tôi chỉ xin giới thiệu với quý vị là tác giả ngàn lời ca trước khi từ giã Quận Cam về Sài Gòn đã để lại một tác phẩm gần như cuối cùng là 10 bản Hương Ca. Tất cả đều là thơ phổ nhạc, trong đó có những bài thơ rất nổi tiếng về tình yêu như "Tình sầu" của Huyền Kiêu mà chúng tôi đã thuộc từ năm 1940.

Đặc biệt, có hai bài rất đáng lưu ý là thơ phản kháng của Phùng Quán trong Nhân Văn Giai Phẩm với tựa đề "Lời mẹ dạy." Chỉ với một bài thơ mà nhà thơ trẻ 25 tuổi viết năm 1956 đã phải sống suốt cuộc đời còn lại trong lao tù. "Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét". 

Cho đến năm nay 2005, lần đầu tiên gần 50 năm sau Phạm Duy phổ nhạc "Lời mẹ dạy" để ghi lại câu sau cùng: "Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá".

Đọc lại dòng chữ Good-Bye của ông trên phamduy.com, ta thấy một sự sỗ sàng, nửa xôi, nửa chè, nửa Việt, nửa Mỹ, chữ Good-Bye được chấm dứt bằng ba dấu chấm than (!!!), lời thông báo cụt ngủn, bằng chữ đỏ choét, trơ trụi trên một nền trống lốc. Phạm Duy có thể tạ từ khán giả của ông, đóng cửa trang nhà bằng những hình thức trang nhã hơn, nhưng ông đã lựa hình thức đập vào mắt nhất.

Trước khi về Việt Nam vĩnh viễn, Phạm Duy đã đi về ít nhất là 10 lần, đã chén chú, chén anh với các chức sắc cao cấp, ông đã bắt mạch, nắn gân, cảm nhận, suy đoán. Ông biết Việt Nam đang ở đâu, biết tâm trạng, thực trạng của các chức sắc có lẽ rõ hơn nhiều người trong chúng ta. Ông biết có không ưa ông thì người ta cũng chả làm gì ông, một ông già 86 tuổi, nhưng người ta có nhiều cách để làm gì con, cháu ông. Phạm Duy đã soạn khoảng 1000 ca khúc, sự tinh tế, bén nhạy của ông không cần bàn tới nữa. Viết Minh họa Kiều ắt hẳn ông đã suy gẫm từng câu, từng chữ, từng ý, từng tứ, đặt mình vào tâm cảnh Kiều. Phạm Duy viết hồi ký đầy thông minh, lão làng, không thể nói ông là ngây thơ, dớ dẩn. Thế thì chúng ta có gì để nói về Phạm Duy, với Phạm Duy, khi cảm thấy có điều trục trặc.

Tôi bỗng hoát nhiên đại ngộ, Tây có câu "một sự im lặng điếc tai" (un silence etourdissant). Bằng việc đóng cửa thô bạo trang nhà của mình; bằng việc ngày đầu vừa về tới Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn những báo có tầm lưu hành rộng rãi nhất, nêu lên ngay là sẽ xin phép cho một số bài hát của ông được lưu hành, Phạm Duy đã im lặng điếc tai, xin phép ầm ĩ.

Phạm Duy muốn trở về vào ngày lịch sử 30-4. Phạm Duy hết lời ca tụng Nghị quyết 36:"Chính phủ Việt Nam vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục là Nghị quyết 36. Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận. Thế là đủ rồi.", "Đa số những người thầm lặng bên kia họ rất muốn về, nhưng bằng cách nào? Bằng cách ở đây mình phải cởi mở hơn nữa, thoáng hơn nữa. Nhưng tôi thấy, thế là thoáng rồi đấy!"… Tuyên bố như vậy nhưng Phạm Duy đồng thời cũng tự xóa trắng website của đời mình. Nhà nước Việt Nam, nếu thực tâm có thiện chí khi đưa ra Nghị quyết 36, nên suy gẫm, vì nhiều người Việt ở nước ngoài sẽ suy nghĩ về chuyện này. Những quan sát viên quốc tế chuyên trách Việt Nam rất tinh, nhạy cũng sẽ thấy. Phạm Duy, nguời nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, một biểu tượng ngoạn mục của Nghị quyết 36, của chính sách đại đoàn kết dân tộc, của đất nước đã hoàn toàn đổi mới, mà còn phải xoá trắng đi chứng tích về đời mình khi về quê hương, thì những Việt kiều thường sẽ ra sao? Những trí thức, văn nghệ sĩ ở trong nước ra sao?

Vài ngày trước khi về nước hẳn, trả lời phỏng vấn của báo Chí Linh, Phạm Duy nói: "Tôi khẳng định lại là tôi dùng âm nhạc để 'kiếm cơm', để nuôi sống tôi và gia đình". Mộng bình thường rất đáng hoan nghênh. Đất nước mà từ đời này qua đời nọ, cứ ra ngõ là gặp anh hùng, là một đất nước khốn khổ. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có thơ tả mặt khác của sự có lắm anh hùng là "giấy báo tử rơi đầy mái rạ, tất cả đều buồn, chỉ có cái loa là vui". 

Dù chỉ muốn làm một nguời bình thường, cuộc đời Phạm Duy cũng là một tác phẩm thật lớn, lớn hơn bài toán cộng giữa Kim Vân Kiều truyện và Chiến tranh và Hòa bình. Phạm Duy tài sắc hơn Kiều, đa tình hơn Kiều, sống lâu hơn Kiều. Ảnh hưởng của Phạm Duy lên xã hội chung quanh cũng hơn Kiều cả ngàn lần, dù ông tự hạ mình rằng viết nhạc chỉ để kiếm cơm. Cuộc đời Phạm Duy trải dài từ cuối thế chiến thứ nhất của đầu thế kỷ 20 qua tận đầu thế kỷ 21. Vào thế kỷ 24 có thể người ta vẫn còn nhắc tới ông. Ông sinh ra khi cờ các đế quốc Anh, Pháp còn phất phới trên khắp mặt địa cầu, khi sừng của Liên Xô chưa mọc, khi Trung Quốc/nước ở giữa còn ngầy ngật trong cơn thức tỉnh ê chề sau khi bị bát quốc giày vò, mới tìm được đôi hia 7 dặm của chủ nghĩa cộng sản. Phạm Duy sống qua Cách mạng tháng Tám, thấy những người Việt yêu nước vừa chiến đấu giành độc lập dân tộc, vừa bắt đầu giết nhau. Phạm Duy sống qua cuộc chiến tranh thảm khốc, dai dẳng nhất thế kỷ 20, trên chiến địa vang đủ thứ tiếng, giương đủ các ngọn cờ Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Tự do hay là chết. Một cuộc chiến tranh có sự tham dự tích cực của Liên Xô, Hoa Kỳ, những đế quốc lớn nhất địa cầu; của Trung Quốc, cựu đế quốc khá thành công khi cố gắng "đại nhảy vọt" về vị trí cũ của mình, với cái giá là chủ nghĩa cộng sản; có sự chầu rìa của Pháp, đế quốc hết thời xuân sắc, vẫn lăng xăng liếc mắt đưa tình, một vai phụ lúc nào cũng cất tiếng rằng có ta đây. Cuộc chiến có sự tham dự trực tiếp cũng như gián tiếp của cả chục quốc gia Đông-Tây, cuộc chiến mà tất cả các vũ khí mới nhất, tốt nhất, hữu hiệu nhất, thông minh nhất đều được sử dụng, trừ vũ khí nguyên tử, cuộc chiến mà chính người Việt Nam sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thiêu đốt cả dân tộc để tiến hành. Chiến tranh nào cũng phải chấm dứt, hòa bình xuất hiện, một hòa bình "đêm nay hòa bình, sao mắt mẹ chưa vui". Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, hàng triệu người đi xuống biển, đi về phía không phải là quê hương. Phạm Duy lại sống qua thứ hòa bình đó. Phạm Duy cũng đã thấy những đế quốc, quốc gia sinh, bệnh, lão, tử trong đời mình; thấy một trật tự cũ sụp đổ, một trật tự mới, bất trắc vì thiếu đối trọng, đang thành hình. Rồi một tối tháng 5, Phạm Duy rời Mỹ quốc/đất nước xinh tươi để trở về cố thổ, rời đất nước mà quyền tự do phát biểu được long trọng xác định trong tu chính án thứ nhất [3] , là quốc hội sẽ không ra điều luật nào đụng chạm tới quyền này, cái quyền mà mọi công dân bản địa cũng như tân công dân đều biết đến và thuộc lòng. Tự do phát biểu, quyền đẹp đẽ nhất con người xác định được cho mình từ khi có mặt trên trái đất.

Rời đất nước của quyền phát biểu được tuyên xưng, đóng cửa website, về nước, Phạm Duy đã viết đời mình thành một tác
phẩm thật đẹp. Con người hiếm khi trải qua nhiều cảnh đời như vậy, trải qua Chiến tranh và Hòa bình như vậy.

Không thể nào xóa sạch hoặc hạn chế sự lưu hành của nhạc Phạm Duy một cách hiệu quả. Nhạc của Phạm Duy hiện được lưu trên vô số website, CD, DVD, sách vở… và có đời sống riêng của nó. Duy trì một bản gốc vẫn tốt hơn là có nhiều dị bản phát triển chỉ vì mất gốc. Chúng ta chưa ý thức đủ tầm quan trọng của vấn đề. Dù có những bài "có vấn đề" nhưHuyền sử ca một nguời mang tên Quốc, nhưng việc Phạm Duy đóng cửa website là một thất lợi cho Nghị quyết 36. Những bài hát như trên thuộc về một giai đoạn lịch sử, và không chính quyền văn minh nào lại để xoá đi những dấu vết của lịch sử. Đối tượng của Nghị quyết 36 là Việt kiều, đa số là những người tị nạn, thuyền nhân, rồi sau đó là ODP, cựu tù nhân HO. Nhưng đối tượng chính yếu không phải là mấy ông già, bà cả mà là thế hệ kế tiếp, con cháu của họ, những nguời có khả năng, có vốn, ít thành kiến và ràng buộc với những gánh nặng cũ của cha, ông. Nhưng ai của thế hệ kế tiếp này sẽ bị hấp dẫn bởi chuyện phải tự khóa mồm mình lại, xóa quá khứ mình đi? Nhà nước Việt Nam cứ xây dựng một đất nước tốt đẹp, một xã hội nhân văn thì rất nhiều vấn đề sẽ tự nó được giải quyết.

Trong thiện chí, tôi xin có 2 đề nghị xây dựng với nhà nước Việt Nam:

1. Hoặc nhà nước xin phép Phạm Duy cho đưa dữ liệu của Phamduy.com vào thư viện quốc gia, để mọi người vẫn có thể tham khảo bình thường. Trong khi "hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng, hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành, từng vùng thịt xương có mẹ, có em" thì mảnh đất nuôi dưỡng Trịnh Công Sơn đã để anh hát lên lời phản chiến. Việt Nam thiếu trầm trọng những khuôn mặt văn hóa, dưới bất cứ thể chế nào văn hóa vẫn là nền tảng để xây dựng sự ổn vững lâu dài cho đất nước. Văn hóa un đúc nên con người, và con người quyết định sự hưng vong của đất nước. Trồng cây gì, thì ăn quả đó. Cả trăm năm mới có một Phạm Duy, một Trịnh Công Sơn, một Nguyễn Du… Dù thích hay ghét Phạm Duy, cũng nên coi sự nghiệp của Phạm Duy là một di sản quốc gia quý báu, trân trọng nó, bảo dưỡng nó. Đề nghị này dựa trên cơ sở đã có sự lưu hành các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn mà nhiều tác giả thuộc hàng ngũ "Việt gian", "phản động", một số nhà văn thuộc Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hoạt, ngay cả danh xưng Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bắt đầu được dùng lại trong nước. Chuyện gì làm sớm được thì nên làm ngay, đừng đợi tới lúc Phạm Duy gặp Nguyễn Du, Nhất Linh, Văn Cao…

2. Hoặc nhà nước tạo điều kiện cho chính Phạm Duy phục hoạt website của mình.

Tôi mong là một ngày rất gần đây, Phạm Duy truyện có một đoạn đơn sơ, kể chuyện chủ nhân của những VoVanKiet.com, VoVanAi.com, NguyenHoa.com, NguyenTruong.com, TranTrungDao.com, HaVanThuy.com [4] ... gặp nhau ở Việt Nam, nguời nào nói lời xác đáng thì vẫn tiếp tục nói lời xác đáng, người nào thông tin (và chú giải) thì vẫn tiếp tục thông tin (và chú giải), người nào muốn bảo lưu ý kiến vẫn có thể bảo lưu ý kiến… không có ai thông báo "Website này đã ngưng hoạt động, Good-bye, Adieu, Vĩnh biệt !!!". Đoạn "hòa mà không đồng" này của Phạm Duy truyện sẽ lại được đăng trên phamduy.com. Tôi cũng mong anh Nguyễn Hòa, nếu thấy đề nghị của tôi phù hợp với đề nghị "hướng tới tương lai" của anh, thì xin anh vận động giúp ở những nơi cần vận động (kể cả với Phạm Duy) cho phamduy.com được sống lại. Chúng ta có thể bắt đầu chuyện hướng tới tương lai bằng những việc làm nhỏ, cụ thể trong hiện tại. Chúng tôi cũng lắng nghe những đề nghị từ anh. Tôi đề nghị talawas mở thêm chuyên đề "Hòa bình nhìn từ nhiều phía", tôi tin rằng chuyên đề này sẽ rất sớm tỏ rõ rằng chúng ta có nhiều ước mơ chung, những công việc có thể làm chung để mang lại hòa bình thực sự trong lòng chúng ta. Chuyên đề này mà vắng khách thì cũng không có gì phải than phiền, nhờ vậy mới biết là chúng ta chưa sẵn sàng lắm cho hòa bình.

*


Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng: Bài đã viết xong lại mở ra một khả năng mới. Công ty Vitek (Viet Technological Joint Stock Company) đã mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa simcủa Hữu Loan với giá 100 triệu đồng VN (US$ 6,400), theo đó, 50 năm sau ngày nhà thơ Hữu Loan mất, Vitek mới hết hạn độc quyền, hợp đồng được ký khoảng tháng 12.2004. Năm 2003, Nxb Trẻ đã mua bản quyền các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, sau đó Công ty Văn hoá Phương Nam đã lần lượt ký những hợp đồng bản quyền khác nhau với nhà văn Nguyễn Khải, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, nhà văn Nguyễn Văn Xuân... (http://www.laodong.com.vn/pls/bld/folder$.view_item_detail(75154) Có thể có khả năng Phạm Duy sẽ bán bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình cho một công ty nào đó, do đó ngưng website của mình từ trước.
Nếu khả năng trên trở thành hiện thực, quả thật tôi đã quá lo, tôi sẽ nợ một lời tạ lỗi với Phạm Duy, và có lẽ với nhà nước Việt Nam. Theo thiển ý, người quan sát có quyền ưu tư khi sự việc xảy ra theo thứ tự: đóng cửa website, về Việt Nam, trong lúc nhà nước Việt Nam chưa hề có bằng chứng rõ ràng về tự do tư tưởng, phát biểu. Nếu phamduy.com được đóng cửa trễ hơn, sau chuyện bán bản quyền (còn ở thể gỉa định), thì hợp lý hơn. Dẫu vậy, khả năng sang nhượng bản quyền mở ra một số suy nghĩ:
Trong công nghiệp, việc một công ty mua đứt bản quyền một sản phẩm, rồi giữ kỹ trong một góc thật kín, để bảo vệ sản phẩm của mình là chuyện thường xảy ra. Với văn hóa phẩm, chuyện có vẻ lôi thôi hơn, hậu quả cũng trầm trọng hơn. Cứ thử tưởng tượng, nếu có người mua đứt bản quyền Tiếng gọi công dân/sinh viên của Lưu Hữu Phước hay Tiến quân ca của Văn Cao, và độc quyền phát hành, không thích thì không cho lưu hành nữa, thì sao? Làm gì nhau? Sắp vào WTO rồi, không bảo vệ tác quyền coi sao được. Trong trường hợp Phạm Duy, dù việc bán bản quyền là quyền tự do của ông (rất nên, vì Việt Nam ta có thói dùng đồ chùa, mà nhà nghệ sĩ dù lớn tới đâu cũng có những nhu cầu vật chất bình thường), nếu người mua quyền này chỉ lưu hành hạn chế một số tác phẩm của ông, cất đi phần còn lại, công chúng sẽ mất rất nhiều.

Vì phẩm chất âm thanh của những bài hát trên phamduy.com có tác dụng tham khảo hơn là giá trị thương mại, chuyên nghiệp; theo thiển ý, điều lý tưởng vẫn là phục hoạt phamduy.com. Sự biến mất của phamduy.com luôn là một mất mát rất lớn, kính mong Phạm Duy lưu tâm. Có lẽ chỉ có cách là kêu gọi nhà nước Việt Nam mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của Phạm Duy rồi đưa vào thư viện quốc gia (cho công chúng tham khảo toàn bộ, chứ không cất đi, hoặc phổ biến vài bài làm vì) là thượng sách.


© 2005 talawas


[1]Lời diễn tả ở trên về phamduy.com được viết theo trí nhớ, có phần sai và thiếu sót, tiếc là không thể chính xác hơn vì không thể tham khảo trang nhà này nữa.
[2]Ông Nguyễn Cao Kỳ đã có lời than phiền về việc báo Thanh Niên cắt xén, không diễn tả đúng lời ông, nên tôi cũng xin dè dặt về những nhận định của tôi về Phạm Duy, vốn dựa trên bài phỏng vấn trên báo mạng Người Viễn Xứ hôm 21.5.2005. Lời trích Phạm Duy vì bị tách khỏi văn cảnh nên cũng không thể diễn tả hoàn toàn đúng ý của ông.
[3]Amendment I: Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the government for a redress of grievances.
[4]Tôi theo dõi trao đổi giữa Lê Xuân Khoa, Nguyễn Hòa, Nguyên Trường, Trần Trung Đạo, Hà Minh… và gần đây là Hà Văn Thùy. Lần đầu đọc Hà Văn Thùy, tôi bị sốc, dù muốn bình tâm mà cứ bị chọc vào mắt bằng những chữ như "tay sai"… thì thật khó mà bình thản đọc tiếp. Sau khi suy nghĩ về Phạm Duy, tôi đọc lại bài viết của Nguyễn Hòa, Hà Văn Thùy một cách khác. Anh Nguyễn Hòa đã có thể im lặng ngay từ đầu trước bài của giáo sư Lê Xuân Khoa trên talawas gửi tới anh, một chuyện vốn dĩ bình thường từ xưa tới nay, thế nhưng anh đã lựa chọn trả lời. Đây là một hành động tách khỏi đám đông. Với Hà Văn Thùy, tôi cũng khám phá được nhiều điều ý nhị.


Phạm Duy Trả lời bài viết nhan đề Ngựa trắng không phải là ngựa trắng của Lê Anh Dũng đăng trên website Talawas ngày 13.6.2005.


Những ý nghĩ của ông Lê Anh Dũng trong một bài viết nhan đề “Ngựa trắng không phải là ngựa trắng” đăng trên website Talawas đã khiến cho tôi phải có vài lời sau đây…

Tôi vô cùng cảm kích trước những lời tốt đẹp của ông Lê Anh Dũng về cái nghề sọan nhạc của tôi. Nhưng tôi đã không vui khi thấy ông ta viết về cái website mang tên “phamduy.com” mà tôi mở ra trong vòng gần 20 năm nay rồi vừa đóng lại cách đây ít tháng. Vì tôi đã không giải thích sự mất đi hay giữ lại của một cái thú riêng của tôi là sưu tập tài liệu cho thiên hạ đọc, nghe hát mà không phải trả một xu teng nào, cho nên tôi đã bị ông Dũng nặng tiếng với tôi.
Đáng lẽ ra, tôi nên cho mọi người biết rằng website này vẫn còn đó, nếu quảng đại quần chúng đã không còn có thể vào website “phamduy.com” nữa thì cái đống tài liệu về âm nhạc và về con người của tôi vẫn còn nằm chình ình trên web, dưới một danh xưng khác. Ai cũng có thể tiếp tục vào website này một cáchdễ dàng nếu được tôi mến tặng một bí danh mới để mở cửa đi vào. Nếu ông Dũng là bạn thân của tôi thì ông đã được tôi tặng password đó và sẽ không có cảm giác bị tát vào mặt khi không còn được coi nó mà không phải trả tiền.
Ông Dũng nói với cụ thân sinh : Phạm Duy vì về Việt Nam nên chấm dứt website của ông rồi. Phạm Duy đã tự xóa sạch bản thân một cách ngoài tưởng tượng. Tôi thấy chán ông quá sức. Như vậy là Ông Dũng, trong một cơn chán chường, đã nói xấu về tôi với cha, trong khi trong thực tế tôi không xóa website của mình nghĩa là không tự xóa sạch bản thân như ông tưởng tượng, không hề có ý định ngăn những người như Giáo Sư Eric Henry ở North Carolina, USA đang viết về TÂN NHẠC VIỆT NAM và muốn hiểu biết tường tận về một trong những người sáng lập và đang còn họat động ráo riết trong ngành nghệ thuật này. Tôi còn tặng Eric những tài liệu không nằm trong website nữa.
Một tiểu tiết : có khá nhiều người Âu, Mỹ vào thăm website của tôi (như Jason Gibbs ở San Francisco, USA, Rylan Holey ở Durham University, England...) cho nên nếu tôi có thêm hai chữ good bye vào chỗ báo tin website ngưng họat động… thì đó không hẳn là chuyện sôi chè như Ông Dũng đã phê bình.
Tiện đây, tôi cũng xin được nói thêm rằng vì đã bán bản quyền toàn bộ tác phẩm cho một công ty ấn hành ở Việt Nam từ nhiều năm trước, do đó tôi bắt buộc phải ngưng mở rộng website này.
Dòng tư tưởng của ông Dũng lan man sang những chuyện khác, xoay quanh một việc mà ông cũng tán thành : người già cần trở về sống nơi quê hương của mình. Nhưng bịa ra chuyện tôi đã chén chú, chén anh với các chức sắc cao cấp để làm gì ? Trách tôi ồn ào qua những bài trả lời phỏng vấn nhưng chính ông Dũng cũng ồn ào ra phết khi ông kéo ông Giao Chỉ hay ông Chí Thiện vào cuộc chơi. Ông Dũng ơi, bây giờ là năm 2005, ở Việt Nam, tìm đâu ra những cái loa báo tử nữa ? Tôi đã yêu ông vì ông yêu nhạc Phạm Duy, nhưng tôi cũng đã chán ông rồi, vì ông thích bơi móc những chuyện đau thương của thế kỷ qua để tự giam mình vào sự thù hận. Và để hạ bệ những người không “chống cộng” như mình.  
Tôi thú thật là có những lúc tôi rất thích ồn ào, vì đối với tôi, những chuyện công khai nói tốt cho một chính quyền có chính sách văn hóa tốt với gia đình tôi, nói không tốt về một số người ở xứ bon chen, đã có đôi lúc đối sử không tốt với tôi, vu cáo tôi, phỉ báng tôi… là những chuyện ân óan giang hồ phải có. Đã là cô Kiều như ông Dũng nói, tôi phải làm một chuyện tầm thường là báo ơn, báo óan mà thôi.

Còn có vài ba điều tôi muốn thảo luận thêm với ông Dũng, nhưng vì tôi hãy còn mệt sau một chuyến đổi đời, xin tạm nghỉ.
Chỉ xin đề cập tới đề nghị xây dựng với nhà nước Việt Nam của ông Dũng là : hoăc đưa dữ liệu của phamduy.com vào thư viện quốc gia để mọi người vẫn có thể tham khảo bình thường… hay tạo điều kiện cho chính Phạm Duy phục hoạt website của mình. Ối giời ơi, nếu được zậy thì zui quá.
Phạm Duy

Monday, January 28, 2013

Fwd: Thơ Huyền Chi


Thuyền Viễn Xứ

Lên khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bóng tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần giạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi tiếng hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang
...
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường lại đi

Circa 1952


Sunday, January 27, 2013

Tình Ca - Phạm Duy




Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn khôn nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên...


2

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi.

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau



3

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa...

Thuyền viễn xứ




Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Bến Đà Giang, thuyền qua xứ người


Thuyền ơi viễn xứ xa xôi
Một lần qua giạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngân về

Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng, mái tóc sương mong con bạc lòng

Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người

Mịt mù sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường...
















Bên cầu biên giới


Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa

Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ

"Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ


Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời ...

Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Da - nube
Những đêm sáng sao

Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới !
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Ôi dòng tóc êm đềm!
Ôi bể mắt đắm chìm!
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa
Chỉ là mơ qua



Tình Hoài Hương


Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho độ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng lau trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng vòm tre nón
Làn khói ấm hương thôn

Ai về về có nhớ nhớ cô mình chăng
Tôi về về tôi nhớ hàm răng răng cô mình cười
Ai về về mua lấy lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời thật ngây thơ

Quê hương ơi bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

Quê hương ơi tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay em tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc màu

Tình hoài hương
Khói lam tuôn tâm hồn chìm xuống
Chiều soi gương
Sống vui trong mối tình muôn đường
Tình ngàn phương
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng
Nước mắt xuôi về miền quê lai láng
Xa quê hương
Yêu quê hương
Quê hương ấy...





Nương Chiều


Chiều ơi, chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về dục mõ xa xôi chiều ơi Chiều ơi áo chàm về quảy lúa trên vai In hình vào sương núi chơi vơi, ơi chiều
Chiều ơi lúc chiều về làlúc bình yên Qua đường mòn ngửi lúa thơm hỡi, ơi chiều Chiều ơi, chiều ơi, chiều ơi
Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cày ngừng giữa làn gió Lúa ngát thơm trên những cánh nương Tiếng suối xa nghe lẫn oán thương Đây nhà nông phá đồi gây lúa
Mai về để lúa trên ngàn
Ta nuôi người giữ gìn non nước
Góp sức tôi thêm sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh
Chiều ơi lúc chiều về mọc ánh trăng tơ Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều Chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u Cô nàng về bên suối tương tư, ơi chiều Chiều ơi, biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố chiều về chiều vắng bên nương, ơi chiều
Chiều ơi, chiều ơi, chiều ơi...





Cây đàn bỏ quên



Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang


Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
Tình tang tính tính tình tang


Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?
Tình tang tính tính tình tang


Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh
Tình tang tính tính tình tang


Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Đem về say đắm, tôi nâng niu hoa tàn, tình tang
Khi bông hoa úa vàng, tình tang
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương? tình tang


Đàn ơi Thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương


Người ơi! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn?
Yêu tôi hay yêu đàn?





Phạm Duy còn đó nỗi buồn

Trần Mạnh Hảo


"Thơ hay có thể bị vua bắt
Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà"

(Trích bài thơ "LÝ BẠCH" của Trần Mạnh Hảo)

Chúng tôi (TMH) xin mượn tên cuốn sách: "Phạm Duy" còn đó nỗi buồn" của họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ làm tiêu đề cho bài viết về nhạc sĩ Phạm Duy của mình.

Phạm Duy

Phạm Duy - (từng là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam, từng là giáo sư dạy trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, một nhà nghiên cứu âm nhạc xuất sắc, một nhà văn, nhà báo có phong cách riêng khi viết báo, viết hồi ký) - kể từ bài hát đầu tiên phổ thơ Nguyễn Bính, bài "Cô hái mơ" viết năm 1942 đến nay, đã có hàng mấy trăm bài hát (có người còn cho ông đã viết đến con số trên dưới 1000 bài?) làm xúc động lòng người Việt Nam suốt hơn 70 năm nay. Phạm Duy không chỉ là một hiện tượng âm nhạc vắt qua hai thế kỷ; hơn nữa, ông còn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng lịch sử, cần phải có nhiều nhà Phạm Duy học mai sau nghiên cứu về ông.

Thuở nhỏ, thời kháng chiến chống Pháp, kẻ viết bài này từng nghe bà mẹ mình - một người hát thánh ca trong ban Ca vịnh nhà thờ - từng dùng nhạc Phạm Duy ru con. Những lời ca, giai điệu Phạm Duy đã thấm vào hồn tôi từ thơ bé qua tiếng hát ru của mẹ như bài "Nương chiều":

"Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều…Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi với, ới chiều…"

Bài "Nhạc tuổi xanh":

"Rừng ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày…Diệt xong quân Pháp kia cười vang ta hát câu tự do…"

Thỉnh thoảng, khi buồn vui, mẹ tôi lại khe khẽ hát mấy bài Phạm Duy viết trong kháng chiến chống Pháp, ví như : "Cây đàn bỏ quên", "Khối tình Trương Chi", "Bên cầu biên giới", "Tiếng đàn tôi", " Mười hai lời ru"…

Những bài hát của Phạm Duy, của Văn Cao (trước 1945) của mẹ tôi được chép trên giấy học trò; có khi là những bản chép nguyên cả khuôn nhạc in bột trên giấy bản nhầu nát; có khi, bố tôi (một người hát nhạc nhà thờ trong ban Ca vịnh biết chơi đàn và biết xướng âm bản nhạc) phải dùng hộp bao diêm làm dụng cụ kẻ nhạc, đặng chép lại bản nhạc cho rõ ràng giúp mẹ tôi…

Cải cách ruộng đất, gia đình tôi bị quy lên địa chủ, các bản nhạc chép tay kia của Phạm Duy, Văn Cao… đều bị mất. Nhưng mẹ tôi thi thoảng buồn, lại ngồi một mình khe khẽ hát nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Đỗ Nhuận... Những bản nhạc tuyệt vời của Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Yên, Văn Chung, Doãn Mẫn, Canh Thân, Đoàn Chuẩn, Việt Lang, Hoàng Qúy, Tô Vũ, Hoàng Giác…bị quy là nhạc vàng, nhạc phản động, đồi trụy, bị cấm.

Tôi thường sang nhà người bà con hàng xóm, cùng với ông em họ (lớn tuổi hơn tôi) tên là chú Bá, ghé tai vào cái radio hiệu Siêng Mao nghe đài Sài Gòn phát nhạc vàng thời tiền chiến, mặt lấm la lấm lét như hai tên ăn trộm…Một hôm chú Bá vừa đi đường vừa nghêu ngao bài "Nhớ Chiến khu" của Đỗ Nhuận (thực ra bài này chính là bài nhạc cách mạng, nhưng âm giai buồn buồn da diết giọng nhạc vàng của "Suối mơ", "Bến Xuân"…) nên Bá bị công an xã bắt, quy lên hát nhạc vàng của bọn Mỹ Diệm phát ra từ cái radio phản động…Chiếc radio Siêng Mao của Bá bị công an xã tịch thu…

Từ đó, suốt tuổi thơ, tôi không còn được nghe những giai điệu tiền chiến bất hủ kia nữa. Cho mãi tới sau này, khi ở trong rừng miền Nam, trở thành một nhà báo và mua được cái radio bé tí, tôi lại tiếp tục được nghe (lén) nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Cung Tiến…dưới hầm hào bom đạn…

Ngày 30/4/1975, từ rừng Lộc Ninh về Sài Gòn, chưa kịp hoàn hồn, tôi đã bị Sài Gòn đánh chiếm bằng văn hóa, bằng văn học, bằng sách vở, âm nhạc. Phạm Duy và Trịnh Công Sơn đã tái chiếm tâm hồn tôi; và hình như tôi, đã tự nguyện quy hàng thứ âm nhạc, thứ văn học, văn hóa mà chế độ mới đang kết án, cho là văn hóa phản động, đồi trụy. Các loại sách dịch gần như vô tận của Sài Gòn còn sót lại sau đại họa đốt sách của chế độ mới đã xâm lược đầu óc tôi, giải phóng tôi thoát khỏi ngục tù của dốt nát, của u mê, của cuồng tín ngớ ngẩn một thời, "bắt" tôi vào trường tự nguyện "học tập cải tạo" đến giờ chưa chịu thả ra…

May mắn thay, đầu tháng 5/1975, anh Trịnh Công Sơn đã cho tôi và Trần Nhật Thu mượn cái máy nghe nhạc cũ kỹ mà anh không còn dùng tới. Suốt mấy tháng trời, các kiệt tác âm nhạc của bên thua trận như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, các bài hát tuyệt vời của Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Phạm Thế Mỹ, Tuấn Khanh, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Trần Trịnh, Phạm Mạnh Cương, Trường Sa, Anh Bằng, Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Trung Cang, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Nguyên, Văn Giảng, Đan Thọ, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Đức Quang…qua tiếng hát của các danh ca : Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Lan, Duy Trác, Sĩ Phú, Anh Khoa, Elvis Phương… đã bắt sống tâm hồn tôi làm tù binh, cùng với thơ Nguyên Sa, thơ Nhã Ca, văn Võ Phiến, Mai Thảo, Phan Nhật Nam, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…nhốt thế giới tinh thần tôi vào trang sách, vào khuôn nhạc khóa sol năm dòng kẻ của họ và "lưu đày" tâm hồn tôi lại mãi với những bài ca đích thực con người…

Tôi yêu các nhạc sĩ có một bài hát bất hủ để đời, ví như: "Xuân và tuổi trẻ" (La Hối phổ thơ Thế Lữ), "Cô láng giềng" của Hoàng Qúy, "Em đến thăm anh một chiều mưa" của Tô Vũ, "Biệt ly" của Doãn Mẫn, "Giáo đường im bóng" của Nguyễn Thiện Tơ, "Hướng về Hà Nội" của Hoàng Dương, "Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn, "Ai lên xứ hoa đào" của Hoàng Nguyên, "Trăng mờ bên suối" của Lê Mộng Hoàng, "Chiều tím" của Đan Thọ, "Ai về sông Tương" của Văn Giảng, "Thu ca" của Phạm Mạnh Cương, "Sang ngang" của Đỗ Lễ, "Thương nhau ngày mưa" của Nguyễn Trung Cang, "Thu hát cho người" của Vũ Đức Sao Biển, "Tôi đưa em sang sông" của Nhật Ngân và Y Vũ…

Huống hồ, với thiên tài Phạm Duy đã có hàng mấy chục bài hát bất hủ để đời, trong đó có đến vài chục bài thuộc hàng kiệt tác, thì tôi càng kính phục ông hơn, yêu mến ông biết là chừng nào. Chính vì vậy, ngay từ khi chưa biết chữ, nghe mẹ tôi hát nhạc Phạm Duy, đôi tai tôi đã bị ông này lấy mất, để rồi ông thả tâm hồn tôi suốt hơn sáu mươi năm nay lang thang cùng nỗi "khóc cười theo vận nước nổi trôi" của Phạm tiên sinh.

Chúng tôi xin phép kể ra các ca khúc tuyệt vời và rất hay của nhạc sĩ Phạm Duy mà cá nhân tôi yêu thích, đã góp phần làm thay đổi cuộc đời tôi:

"Nương chiều", "Tình ca", "Nhạc tuổi xanh", "Bên cầu biên giới", "Ngậm ngùi", "Áo anh sứt chỉ đường tà", Ngày trở về, Mùa thu chết, Thuyền viễn xứ, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Bà mẹ quê, Cây đàn bỏ quên, Nghìn trùng xa cách, Việt nam Việt nam, Bên ni bên nớ, Còn chút gì để nhớ, Nha trang ngày về, Đưa em tìm động hoa vàng, Kỷ niệm, Ngày xưa Hoàng thị, Giọt mưa trên lá, Tình hoài hương, Tiếng đàn tôi, Đố ai, Tiếng sáo thiên thai, Nụ tầm xuân, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Cành hoa trắng, Cô gái Bắc kỳ nho nhỏ, Thương tình ca, Thà như giọt mưa, Cỏ hồng, Người về, Đường em đi, Chuyện tình buồn, Nhớ người thương binh, Con đường tình ta đi, Ông trăng xuống chơi, Chiến sĩ vô danh, Tuổi ngọc, Phượng yêu, Còn gì nữa đâu, Thương ai nhớ ai, Gọi em là đóa hoa sầu, Em đi lễ chùa này, Ngày đó chúng mình, Tìm nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Yêu là chết ở trong lòng, Khối tình Trương Chi, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Nước mắt mùa thu, Chiều về trên sông, Tôi đang mơ giấc mộng dài, Hẹn hò, Nước mắt rơi, Kỷ vật cho em, Tiễn em, Trả lại em yêu, Chủ nhật buồn, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Ta yêu em lầm lỡ, Giết người trong mộng, Bao giờ biết tương tư, Em hiền như Masoeur, Đừng nhìn nhau nữa em ơi, Nước non ngàn dặm ra đi, Ai đi trên dặm đường trường, Gió đưa cành trúc la đà, Con đường cái quan ….

Những kiệt tác ca, tuyệt tình ca trên gồm đủ thể loại ca nhạc như cách mạng ca, sơn hà ca, quê hương ca, tình ái ca, tâm tư ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca, vỉa hè ca, thiên địa ca, vô thường ca, hư vô ca, nhật nguyệt ca, vũ trụ ca, sầu mộng ca, hoan lạc ca, Phật ca, Chúa ca, quỷ ca, Càn khôn ca, Ta bà ca, Lão Trang ca, Thần tiên ca, sinh diệt ca, liêu trai ca, mộ địa ca, hú hồn ca, yêu tinh ca, du mục ca, tang bồng ca, ma xó ca, ngật ngưỡng ca, túy lúy ca, siêu hình ca, vô ngôn ca…

Phạm Duy còn có đóng góp lớn là món NGOẠI CA, tức công việc chuyển ngữ cho các kiệt tác âm nhạc nước ngoài vào thị hiếu âm nhạc Việt Nam mà khi hát lên, nhiều người vẫn cho là ca khúc Phạm Duy…

Những tuyệt tác ngoại quốc được Phạm Duy chuyển ngữ và chỉnh sửa, phỏng lời, hoặc nắn lại nốt nhạc cho hợp tai người Việt Nam gồm : Ave Maria, Mối tình xa xưa, Dòng sông xanh, Khúc hát thanh xuân, Chiều tà, Dạ khúc, Trở về mái nhà xưa, Mơ màng, Ánh đèn màu, Vũ nữ thân gầy, Tình vui, Chuyện tình, Em đẹp nhất đêm nay, Cánh buồm xa xưa, Giàn thiên lý đã xa, Vai áo màu xanh, Hận tình trong mưa, Nắng thu, Bài ca ngợi tình yêu, Emmanuelle, Himalaya, Hờn ghen, Khi xưa ta bé, Không cần nói anh yêu, Khúc hát thanh xuân, Lại gần hôn em, Nắng xuân, Ngày tân hôn, Người yêu nếu ra đi, Biết ra sao ngày sau, Tình yêu ôi tình yêu, Vĩnh biệt người tình, Vĩnh biệt tình ta….

Thật không thể nào tin được, một ông Phạm Duy bằng xương bằng thịt lại có thể viết được ngần ấy bài tuyệt tình ca hay đến thế, mê hoặc hồn người Việt Nam đến thế. Có cảm giác chỉ một mình Phạm Duy đã là cả một thời đại tân nhạc Việt Nam. Có cảm giác trong người ông Phạm Duy còn giấu ẩn cả trăm nghìn người khác; hoặc trong thân xác ông còn giấu cả trăm nghìn bộ óc khác, trăm nghìn trái tim khác; trong hồn ông còn giấu trăm nghìn hồn khác; trong đôi tai ông còn giấu trăm nghìn đôi tai khác. Cho nên ông mới đủ sức làm ra một gia tài âm nhạc vô cùng đồ sộ, với một chất lượng không thể nào tưởng tượng ra được, rằng đây là sản phẩm của chỉ một con người?

Khi nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy bước vào tuổi 93 đang lâm trọng bệnh, tôi ngồi trong nhà, một mình tha thẩn ngoài sân nghe lại một cách hệ thống mấy chục album nhạc Phạm Duy trên Internet suốt cả nửa tháng trời mà lấy làm vô cùng thán phục ông. Hình như ông Phạm Duy chính là lò sản xuất ma xó vào loại lớn nhất thế giới? Trong mỗi bài hát, chừng như Phạm Duy đều gài vào năm dòng kẻ nhạc khóa sol của ông một con ma xó, hầu hớp hồn người nghe?

Tôi đồ rằng tâm hồn ông Phạm Duy có chứa một cái dạ dày (tất nhiên là dạ dày tinh thần) to bằng cả bầu trời? Quái kiệt giời sai xuống trần gian có tên là Phạm Duy có cái dạ dày tâm hồn biết tiêu hóa muôn muôn sự vật, từ sự vật thể chất đến sự vật tinh thần, rồi biến chúng thành giai điệu, thành lời ca. Không có cái gì chúng ta nhìn thấy, cảm thấy, mơ thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nghe thấy, mơ thấy mà không có trong âm nhạc Phạm Duy. Từ góc sân nhà nơi ta lẫm chẫm tập đi, tập nhìn, tập nghe, tập khóc, tập cười, tập bú mớm, tập ăn, tập uống, tập làm người, thảy thảy đều có trong âm nhạc Phạm Duy.

Con sâu cái kiến, con giun, con dế, con chuồn chuồn, con chim, con cá, con kênh, con sông, con bê, con nghé, con mèo, con chó, con lợn , con gà, con voi, con vịt, con đom đóm, con người…đều hốt nhiên tìm đến năm dòng kẻ nhạc, năm đại lộ Phạm Duy mà leo, mà bò, đi lại, chạy, chảy, bay, bơi trong âm nhạc Phạm Duy…Cái cây, cái cối, cái chày, cái thằng con nít, cái nồi, cái niêu, cái chum, cái vại, cái nhà, cái xe, cái mâm, cái chết, cái sống, cái hư vô, cái thực tại, cái vô thường, cái hữu hạn, cái vô vi, cái sinh diệt, cái ác, cái thiện, cái tốt, cái xấu, cái sai, cái đúng, cái đẹp, cái thoáng chốc, cái muôn đời, cái đểu, cái chân, cái mê, cái tỉnh, cái giả, cái buồn, cái vui, cái bất tử, cái siêu hình, cái yoni (cái l…) cái Linga (cái c…), cái vợ, cái con, cái váy, cái khăn, cái nón, cái mồm, cái tay, cái chân, cái tóc, cái lông, cái dại, cái khôn, cái mùi, cái mát, cái tai, cái âm dương, cái phồn thực, cái mất, cái còn…đều được cái dạ dày âm nhạc khủng long của Phạm Duy tiêu hóa mà biến thành muôn vàn âm giai, muôn vàn làn điệu, muôn vàn lời ca ma ám, ám lấy hồn người?

Phạm Duy, ông có phải là thượng đế của âm giai, phù thủy của khóa sol, ma xó của bảy thanh âm: đồ rê mi pha sol la xi, thần linh của tiết tấu, quỷ sứ của nhịp điệu, con ma của ngôn từ…hay không mà hàng trăm bản nhạc của ông không hề bị hội chứng đều đều, lặp lại (monotone) trêu chọc, phá đám?

Phạm Duy, có phải ngay từ trong bụng mẹ, máu Sông Hồng đã ngấm vào máu ông, hồn cốt Thăng Long trong ca dao, dân ca, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Trãi, thơ thiền Lý Trần cùng với heo may Hồ Gươm, mưa phùn Hồ Tây, gió bấc Kinh Bắc, hương cốm mùa thu chim ngói Mễ Trì, thoang thoảng hương hoa các làng hoa Ngọc hà, Nghi tàm, Nhật tân, Quảng bá ngát hơi xuân…đã làm nên máu thịt hồn ông? Nên đất ấy, hồ ấy, thu ấy, khí thiêng ấy, chim ấy, thơ văn ấy, gió bấc ấy, hương hoa ấy, làn điệu chèo ấy, quan họ ấy… đã mượn hồn ông mà hát lên cõi u u đất trời, hát lên nỗi lòng con người buồn vui khóc cười xứ Bắc?

Từ tấm bé, qua gia đình, cha mẹ, qua khí trời bàng bạc thu Hà thành, qua sách vở nhà trường, qua nỗi mơ hồ thiên địa, Phạm Duy đã tắm mình trong tâm hồn dân tộc. Từ năm 1947, ông đã có một định hướng nghệ thuật hết sức đúng đắn : để cả cuộc đời nghiên cứu dân ca, ca dao, tiếp thu tinh hoa âm nhạc dân tộc, phát triển và nâng cao chúng để kết hợp với nhạc Tây phương vừa du nhập vào nước ta qua nhạc nhà thờ, qua các bản giao hưởng cổ điển trong đĩa nhạc, các ca khúc Pháp, Ý… tân thời hát  trong tiệm nhảy, quán café được thanh niên trí thức Hà thành học đòi bắt chước…

Có thể nói, Phạm Duy là nhạc sĩ đầu tiên đã nghiên cứu âm nhạc dân tộc một cách hệ thống, rốt ráo, đã học tập, tiếp thu tinh hoa cha ông trong nhạc ngũ cung, nâng cao lên để kết hợp với trào lưu "âm nhạc cải cách" (musicque renovée) thời 1938-1945 mà thành phong cách phi phong cách (một phong cách đa phong cách không dừng lại ở một air nhạc nào) có tên là phong cách Phạm Duy, khiến người nghe nhạc ông không hề cảm thấy sự nhàm chán …

Phạm Duy, ông không phải là tháp Bayon bốn mặt của đền đài Angkor Thom, Angkor Wat xứ Chùa Tháp. Nhưng ông chính là tháp Bayon muôn mặt của dòng tân nhạc Việt Nam suốt 70 năm qua. Gương mặt tâm hồn ông, gương mặt âm nhạc ông quả là muôn mặt: mặt dịu hiền, mặt thiết tha êm đềm êm ái, mặt tinh khiết, mặt tươi như mặt thiếu phụ đêm xuân yêu chồng, mặt cau có đau khổ như mặt gã trai thất tình, mặt quằn quại, mặt vò xé tang thương, mặt mê ly khoái lạc, mặt dúm dó nhàu nát, mặt thất thần, mặt điêu linh, mặt lênh đênh phiêu bạt, mặt thất sắc vô hồn, mặt hoen rỉ tối tăm, mặt hư vô hư ảnh, mặt nết đa đoan trang, mặt đĩ thõa, mặt giập nát, mặt sáng bừng như trăng, mặt hoa da phấn, mặt ngây ngô, mặt tiếu lâm, mặt hồng diện đa dâm thủy, mặt nạ người, mặt yêu tinh, mặt nạ dòng vớ được giai tơ, mặt hoài nghi khôn xiết, mặt thăm thẳm vực sâu, mặt buồn đêm ngơ ngác…Tất cả muôn mặt đó họp chợ lại thành gương mặt Phạm Duy - một mình làm cả một nền âm nhạc…He he he he…

Đi tận cùng tâm hồn dân tộc, Phạm Duy đã gặp tinh hoa thế giới và trở thành hiện đại bằng sự sáng tạo mang chất thiên tài của mình.

Xin quý bạn đọc nghe vài người khác nói về nhạc sĩ Phạm Duy:

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Trong 'gia tài' của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như 'Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười'… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ". (Trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi).

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương: "Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống. Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam. Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ này" (Trích bài viết Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ)

Thi sĩ Nguyên Sa: 'Hôm nay, có những người thích Rong Ca, có những người mê Bầy Chim Bỏ Xứ, có những người ngất ngây với Hoàng Cầm Ca, có những tín đồ của Thiền Ca. Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng Chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duỵ... Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi, viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu, sông trăm nhánh chảy về vĩnh viễn một đại dương".


***

Nhạc sĩ Phạm Duy
với Hộ khẩu & Chứng minh nhân dân

Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội trong một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine...

Cuộc đời của ông ngoài việc ca hát, sáng tác nhạc còn có giai đoạn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, học thầy Tô Ngọc Vân, và cùng chung lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay Cô hái mơ. Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều.

Bạn muốn biết thêm về tiểu sử nhạc sĩ Phạm Duy, chỉ cần vào trang tìm kiếm www.google.com đánh hai từ Phạm Duy là từ điển mạng (Wikipedia) sẽ cung cấp đủ cho bạn. Cũng như vậy, bạn vào trang tìm kiếm trên, đánh từ khóa: Album nhạc Phạm Duy là có thể nghe được ngót trăm Album nhạc của ông người trời họ Phạm…

Ngày 14/8/1999 tại nhà riêng, thị trấn Midway City, miền Nam California, danh ca Thái Hằng, hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy đã từ trần, hưởng thọ 72 tuổi (1927-1999), bỏ lại trên trần gian một người chồng tưởng nghiêng trời lệch đất, tưởng như một con khủng long âm nhạc lừng lững trần ai, bỗng giờ đây bị nỗi cô đơn khủng khiếp đến rợn người úp chụp lên đầu như trời sập. Chính từ nỗi cô đơn đến tuyệt vọng vì sự ra đi của người bạn đời mà ý định "cóc chết ba năm quay đầu về núi", tức về hẳn Việt Nam sống nơi Phạm Duy hình thành. Sau một lần về nước thử xem một ông già từng chống cộng, nay chỉ thích chống gậy (!) coi cộng sản có còn thích bắt nhốt mình hay nữa không như hồi năm 1975? Nói dại, nếu hồi ấy ông không lẹ chân di tản, lỡ kẹt lại, Phạm Duy có thể phải ở tù cho tới chết. Năm 2005 Phạm Duy về nước sống thật, quyết định ở luôn quê hương cho đến khi ông xanh gọi về với tổ tiên.

Lập tức Phạm Duy bị một số báo chí hải ngoại cực đoan (chống cộng bằng chính phương pháp chụp mũ chính trị kiểu cộng sản) ném đá tơi bời hoa lá. Họ dùng tất cả sự tục tằn, thô bỉ, thậm chí dùng cả cứt đái của toàn nhân loại đổ chụp lên đầu một ông già thân cô thế cô, một mình hồi hương về cố quốc để sống nốt những ngày tàn và để chết. Họ gọi ông bằng thằng, bằng mày, bằng chó ghẻ, bằng quân nọ, quân kia. Họ cho ông ăn tất cả món dơ bẩn nhất trần đời. Rằng, làm như tất cả tội lỗi của cộng sản đều do Phạm Duy gây ra. Rằng, làm như Phạm Duy chính là thằng già đã mang tà thuyết về làm hại dân tộc, đất nước vậy …

Phạm Duy vốn là một tay chơi, một bố già đanh đá có hạng, một người nếu cần cũng mồm loa mép giải như ai, cũng anh chị Cầu Muối như ai, cũng có thể chơi cả đòn đầu đường xó chợ dao búa (dao búa kiểu chữ nghĩa, dao búa tượng trưng) xem có chết ai nào, có mà còn khuya mới bắt nạt được bố nhá! Phạm Duy một mình lủi thủi, túc tắc "bút chiến" với cái đám vong thân chính trị ô hợp, một trăm ông chống cộng đều chống nhau kia bằng chiến trường Internet. Trong cuộc chiến muôn chống lại một này, chữ nghĩa trên màn hình vi tính của hai bên đều a-la-sô xung phong ồ ạt, để lại từng đống xác chữ chết như ngả rạ trên chiến trường ảo điện báo.

Phạm Duy dùng chiếc que bông phèng cà rỡn chọc vào tổ ong vò vẽ hải ngoại: này các con giời kia, các con đã mấy chục năm nghe nhạc chùa của bố không phải trả tiền, nay còn tính ăn thịt bố chỉ còn xương bọc da nữa hay sao? Rằng, bố làm nhạc khi toàn ngồi trên bệ xí nhà vệ sinh đấy, nhạc của bố đôi khi cũng bốc mùi tí ti, sao các con chỉ cảm thấy thơm điếc mũi thế hả? (Chuyện này thì thiên tài Alb. Einstein đã từng tuyên bố: tôi nghĩ ra thuyết tương đối khi ngồi trong toilet đấy!). Thế là đám kẻ thù của "thằng già lơ láo về hàng cộng sản" liền nhảy dựng lên kêu gọi, rằng ai có tro dùng tro, ai có trấu dùng trấu, ai có phân dùng phân, phen này quyết ném vào mặt thằng "dê già", thằng "loạn luân" "ăn chè Nhà Bè" năm xưa toàn bộ tinh thần căm thù không đội trời chung của người quốc gia chân chính ha ha ha …

Họ thi nhau bịa chuyện bôi nhọ Phạm Duy, bới móc đời tư của ông rồi chửi rủa bằng những từ ngữ bẩn thỉu nhất, hè nhau quy chụp chính trị một ông già cô đơn muốn về quê cha đất tổ để chết. Riết rồi Phạm Duy cũng mệt, hơi đếch đâu mà cãi nhau với đám bùng nhùng ba bứa ấy? Nè, bố mượn phép thắng lợi tinh thần của chú AQ Lỗ Tấn mà tạm phán rằng: các "moa" chửi "toa" cũng như đang chửi bố các "moa" mà thôi…

Những người đồng hương tị nạn ném đá vào Phạm Duy qua biển Thái Bình Dương chung quy cũng chả làm cóc gì được ông, lại còn có khi bị khí chất đanh đá cá cày đáo để chua ngoa của "vũ khí mất gà" nơi ông chơi lại tóe khói chứ chẳng chơi. Nhưng khi những người anh em bên kia giới tuyến nơi cố quốc cũng nhạc sĩ như ai, cũng trí thức trí ngủ như ai thi nhau ném đá vào ông thì ông đành thở dài, im lặng chịu đau, giả mù, giả câm giả điếc để ngồi nghe nỗi đời nhiễu nhương ra đòn thù ghen ghét tài năng.

Ấy là vào năm 2005, sau khi về nước, Phạm Duy được công ty văn hóa tư nhân Phương Nam mua đứt bản quyền trọn đời âm nhạc, trả cho ông một số tiền thù lao kha khá là một căn nhà khang trang để ở và những đêm ca nhạc rầm rộ. Công ty Phương Nam độc quyền bán vé kinh doanh những đêm nhạc Phạm Duy, lời ăn lỗ chịu, tuyệt nhiên không có sự bù lỗ của nhà nước như khi các ông nhạc sĩ quốc doanh làm đêm nhạc dối già.

Công chúng náo nức đi nghe nhạc Phạm Duy đông chật các nhà hát, thậm chí không đủ vé bán, có người còn phải mua vé lậu, vé chui đắt gấp hai ba lần giá vé chính thức. Phạm Duy bị "vây giữa tình yêu" bởi lòng yêu mến của công chúng nơi cố quận với ông đã bị dồn nén mấy chục năm trời nay chợt bùng vỡ. Ông bị dìm đến có cơ ngạt thở trong những tràng pháo tay nổ rền như dàn sơn pháo đại hợp xướng Tân Tây lan chơi liên tù tì thời chiến tranh Việt Mỹ.

Thói đời, ma cũ bắt nạt ma mới, đám nhạc sĩ cây đa cây đề trong Hội nhạc sĩ Việt Nam thấy NGÀY TRỞ VỀ của Phạm Duy được công chúng đón rước rất huy hoàng, hoành tráng, có vẻ giống như dân Pháp xưa đón Nã Phá Luân chiến thắng từ châu Phi trở về… bèn nóng mặt, ghét cay ghét đắng mà hè  nhau ném đá vào Phạm Duy, toàn những cục đá vu cáo chính trị to bằng nắm tay, có vẻ muốn khích nhà cầm quyền cấm tiệt nhạc Phạm Duy, hay giam lỏng ông cho nhạc cách mạng của các ông nhạc sĩ bất tài lên ngôi…

Mở màn chiến dịch ném đá Phạm Duy tại quốc nội, nhạc sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Lưu (con trai nhân sĩ Nguyễn Xiển 1907-1997, từng là tổng thư ký đảng xã hội Việt Nam, phó chủ tịch ban thường vụ quốc hội Việt Nam) viết trên báo "Đầu tư" ngày 13-3-2006 bài: "Không thể tung hô" như sau:

"Tôi muốn nói đến trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc "Ngày trở về" (diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM). Một người bạn, nhà văn Chu Lai đã tỏ ra tâm đắc với ý tưởng này và cho biết, Tạp chí Thế giới mới số mới nhất có đăng một bài viết, với nội dung gói gọn: "Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu "sặc mùi" hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về! Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến như thế!".

Cũng trên bài báo này, nhạc sĩ Nguyễn Lưu quy chụp chính trị nhạc sĩ Phạm Duy bằng đòn vu khống chính trị bịa đặt trắng trợn như sau:

"Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài Mùa thu chết. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. (Bài báo Không thể tung hô của tác giả Nguyễn Lưu đăng trên Báo Đầu tư ngày 13.3.2006)

Xin nhà báo nhạc sĩ Nguyễn Lưu coi lại xuất xứ bài hát này của nhạc sĩ Phạm Duy: "Mùa thu chết"rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ thơ của thi hào Pháp Apollinaire (1880-1918) . Bài thơ của Apollinaire chỉ có 5 câu, mang tựa đề L'Adieu (Vĩnh biệt), nguyên văn:

J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t'attends

Tạm dịch:

Ta ngắt một cành thạch thảo
Em hãy nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta không còn được nhìn nhau nữa trên đời
Mùi thời gian đẫm hương thạch thảo
Em hãy nhớ rằng ta vẫn chờ em

Căn cứ trên giấy trắng mực đen vừa dẫn trên, Nguyễn Lưu cần phải viết thêm một bài lên án chính tác giả bài thơ là thi hào Apollinaire - người đã mất từ năm 1918 – chính là người đã "chống cộng" vì dám bảo Mùa thu cách mạng tháng tám 1945 ĐÃ CHẾT, chứ nào phải Phạm Duy…Chưa từng thấy sự xuyên tạc văn bản nào trắng trợn và hèn hạ, dốt nát hơn sự xuyên tạc của ông Nguyễn Lưu với bài thơ phổ nhạc "Mùa thu chết" này…

Nguyễn Lưu còn kéo thêm các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Tân Huyền vào băng nhóm ném đá Phạm Duy chỉ vì trò ghen tức, đố kị người tài năng hơn mình, khi thấy quần chúng bày tỏ lòng yêu thích nhạc Phạm Duy một cách cuồng nhiệt trong đêm nhạc "Ngày trở về" như đã nêu trên.

Ngay sau bài mở màn chiến dịch ném đá Phạm Duy của Hội nhạc sĩ Việt Nam do nhà báo nhạc sĩ Nguyễn Lưu làm tiên phong, đã đến lượt quân đỏ xuất tướng bằng bài viết "Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói" của Khánh Thi trên tờ "An ninh thế giới" số tháng 4-2009 của Trung tướng công an Hữu Ước. Nhà báo Khánh Thy ghi lại sự phản ứng rất tức giận của ba nhạc sĩ cây đa cây đề trong nước, xin trích vài đoạn sau:

Nhạc sỹ - NSND Trọng Bằng – nguyên tổng thư ký (tức chủ tịch) Hội nhạc sĩ Việt Nam

Tôi có đọc trên báo thấy có nhiều lời tâng bốc cũng hơi là lạ, không quen.

Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta.

Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc.

NS Phạm Tuyên

Bởi lẽ tìm tòi trong âm nhạc của Phạm Duy cũng chỉ có hạn thôi, trong khi đó tìm tòi về mặt sáng tạo âm nhạc ở trong nước ta có rất nhiều tài năng, nhiều khả năng.

Ngay vấn đề đem âm nhạc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì làm thế nào mà so sánh nổi với Văn Cao hay bất cứ một nhạc sỹ nào tham gia cách mạng. Sự đóng góp của nhạc sỹ Văn Cao rất phong phú, bây giờ được ghi nhận là người có đóng góp lớn cho đất nước và âm nhạc Việt Nam.

Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ, chúng ta chúc cho ngày trở về của nhạc sỹ Phạm Duy là một sự trở về của lá rụng về cội. Còn đánh giá về con người, nhất là đánh giá về tác phẩm thì phải rất thận trọng, công bằng và đúng bản chất, một phần nào đó phải có giới hạn. Đừng chạy theo thị hiếu, theo cơ chế thị trường mà quá đề cao sự đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, như vậy mới xứng đáng với lịch sử, với những người đã đổ máu xương cho đất nước, cho dân tộc được có ngày hôm nay.

NS Hồng Đăng

Nhưng gần đây, báo chí lại rộ lên về những chương trình của Phạm Duy. Tôi cũng nghe rất nhiều người phàn nàn là tác phẩm của Phạm Duy như thế mà báo chí tâng bốc, đề cao đến mức y như là nhân vật số một của âm nhạc Việt Nam hiện nay, và là người nhạc sỹ kỳ tài. Điều ấy là vô lý, như thế không đúng, huống gì lại xem như người có công lớn (?!).

So sánh một cách thẳng thắn, những bài hát của Phạm Duy có một vài bài công chúng thích và không phải bài nào công chúng cũng thích.

Trong lúc ấy chúng ta có những tên tuổi lừng lẫy từ Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lê Yên, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hoàng Vân, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, và còn rất nhiều người khác đã gắn bó với những ngày gian khổ, thiếu thốn cùng cực của đất nước chỉ để góp một chút gì của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc.

Từ ngày anh đi, anh Duy ạ, nền âm nhạc của chúng ta đã khác trước nhiều lắm. Từ một đội ngũ thưa thớt thời của anh, giờ đây không biết bao nhiêu tên tuổi nổi lên một cách xứng đáng, có hiểu biết, có tìm tòi, khác xa thời anh bỏ khu III, khu IV mà đi. Tất nhiên anh Phạm Duy có thể kiêu một tý cũng chẳng sao, (thói thường mà)! Nhưng những người hướng dẫn dư luận có lẽ nên nghĩ kỹ một tí, để khách quan hơn, công bằng hơn. Còn riêng một chi tiết nhỏ về chuyên môn: Các anh em nhạc sỹ sau này khai thác dân ca vào sáng tác mới giỏi hơn anh nhiều lắm.

Khánh Thy

Nguồn: An ninh thế giới

Thiết nghĩ, những phát biểu, những phản ứng đầy ghen tức, đố kỵ rất cảm tính, thiếu lý tính của ba nhạc sĩ trên sau đêm nhạc rất huy hoàng của nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra trong nhà hát lớn Hà Nội cuối tháng 3/2009, sẽ mãi mãi là vết nhọ trên gương mặt âm nhạc của ba vị này, không cách gì gột sạch.

Điều tôi băn khoăn là sao nhạc sĩ Phạm Tuyên (con út cụ thượng Phạm Quỳnh, người từng bị Việt Minh thủ tiêu sau Cách mạng tháng tám 1945) một người điềm đạm, chín chắn, một trí thức con dòng cháu giống, danh gia vọng tộc, sao lại đi phát ngôn những lời ghen ăn tức ở, ganh tài lộ liễu hơi bị tầm thường với nhạc sĩ Phạm Duy thế? Xưa nay, tôi từng quý mến anh Phạm Tuyên (người đã phổ nhạc bài thơ thiếu nhi "Mèo đi guốc" của tôi, cũng như nhạc sĩ Nguyễn Lưu, người cũng đã từng phổ nhạc bài thơ Kôn Tum của tôi tức TMH)

Chính ra, nhạc sĩ Phạm Tuyên - người có nhiều nét tương đồng hoàn cảnh với nhạc sĩ Phạm Duy, hơn ai hết phải biết cảm thông với vị nhạc sĩ "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" do các trào lưu chính trị xô đẩy suốt mấy chục năm này, sao lại đi ném đá vào người có số phận éo le như mình thế? Phạm Tuyên đi theo cách mạng bằng mặc cảm tự ti đầy mình, nhục nhã vô hạn với một lý lịch xấu nhất nước: con đại phản động (Phạm Quỳnh) bị cách mạng xử bắn, đã phải nhún nhường làm thân phận con sâu cái kiến, đấm ngực ăn năn tội bằng các bài hát "yêu đảng vượt chỉ tiêu trên giao" suốt mấy chục năm mới được vào đảng…Nhưng thôi, chúng tôi không nói nữa, vì anh Phạm Tuyên còn cả nghĩ hơn tôi nhiều…

Văn hào nước Áo gốc Do Thái Stefan Zweig (1881-1942), người đã cùng với vợ là bà Lotte tháng 2 năm 1942 tại Rio de Janeiro, đã làm cuộc tự tử chính trị, bằng cách hai ông bà tự nguyện chết trên ghế điện trong tâm trạng cô đơn tuyệt vọng, để phản đối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vô nhân đạo do Hítle gây ra, đã từng có câu nói nổi tiếng: "Thân phận con người trong thế kỷ hai mươi là thân phận con người chính trị".

Ở Việt Nam, ngót 70 năm qua, không chỉ nhạc sĩ Phạm Duy mà đến con kiến cũng phải mang thân phận chính trị. Từng con người Việt Nam mang thân phận bao cát treo lủng lẳng để các tay boxe chính trị thi nhau đấm như mưa trong các cuộc tập dượt đấu quyền anh cách mạng, quyền anh chiến tranh…

Phạm Duy mang thân phận bao cát treo lủng lẳng trước những cú đấm tập dượt trời giáng của các tay quyền anh chính trị từ cả hai phía đỏ và xanh, khiến ông bị xô dạt từ bờ chính trị này sang bờ chính trị khác mà không sao chủ động…

Các nhà "bới móc học" từng cho xem tấm ảnh Phạm Duy mặc bộ đồ bà ba đen của một chiêu hồi viên đứng trên nền nhạc "Giọt mưa trên lá" để công bố tin chấn động thế giới rằng, tay "tắc kè chính trị" này từng chống cộng khét tiếng đấy à nha…

Có thể trong cuộc đời riêng, vì hoàn cảnh sống đưa đẩy tới chân tường, bắt buộc Phạm Duy phải bị chính trị hóa, nhưng âm nhạc của ông, tuyệt đại đa số các bài hát hay nhất không hề bị chính trị hóa. Có thể ông đã phải mặc bộ đồ bà ba đen của viên chức trong bộ chiêu hồi, nhưng bài hát "Giọt mưa trên lá" của ông là một kiệt tác âm nhạc không hề phục vụ chính trị, rất khác các bài hát của mấy nhạc sĩ vừa ném đá ông trong chế độ miền Bắc, luôn luôn lấy âm nhạc phục vụ chính trị làm mục đích…

Âm nhạc Phạm Duy đạt được giá trị muôn đời vì đã vượt lên trên các đối kháng chính trị nhất thời. Ấy là cái khác nhau một trời một vực giữa Phạm Duy và Phạm Tuyên vậy.

Nếu cứ lấy lăng kính đạo đức, lăng kính chính trị để soi lên cuộc đời các ông to bà lớn của cả hai phía quân xanh quân đỏ, chúng ta đều chỉ nhìn thấy những âm bản thê thảm mà thôi. Lấy lăng kính chính trị, lăng kính đạo đức ra soi mói cuộc đời riêng của Phạm Duy, rồi phủ nhận sự đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc, cho Tổ Quốc Việt Nam bằng âm nhạc yêu nước, yêu con người, yêu nhân loại hết cỡ của ông, như hai phía của cực đoan chính trị vừa hùa nhau ném đá ông kể trên, thiết nghĩ là một việc làm thiếu lương thiện.

Trong bộ sách hồi ký đồ sộ của mình, Phạm Duy cũng thừa nhận ông có tài, có tật, ông cũng như ai tham sân si, cũng ăn chơi hút sách cờ bạc…trai gái; nhưng không có rượu chè bê tha à nha. Vụ "ăn chè nhà Bè" là vụ báo chí chơi xỏ ông, bịa đặt thêm mắm thêm muối để đưa tin rẻ tiền cốt bán báo. Chẳng nhẽ, ông không có quyền mời ca sĩ Khánh Ngọc (một bên là dâu, một bên là rể của đại gia đình họ Phạm) đi quán café để bàn chuyện chuyên môn giữa nhạc sĩ và ca sĩ hay sao?

Những người ném đá Phạm Duy thường cho ông là người mục hạ vô nhân, khinh người, khinh đồng nghiệp hơn mẻ. Trong hồi ký của mình, Phạm tiên sinh đã nhiều lần cám ơn các nhạc sĩ đã mở đầu nền tân nhạc Việt từ Nguyễn Văn Tuyên đến Đặng Thế Phong. Có cơ hội là ông tìm cách ca ngợi đồng nghiệp. Trong bài hát "Yêu tinh tình nữ" có câu hát nguyên văn như sau: "Yêu tinh tình nữ thường hát cho tôi nghe bài ca tiền chiến của Đặng Thế Phong hay Văn Cao tuyệt vời".

Phạm Duy viết về Văn Cao trong hồi ký:

"Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngă vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng."

Trong hồi ký Thời Cách mạng kháng chiến của Phạm Duy, ông viết:

"Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Văn Cao luôn luôn là một người khai phá và là cha đẻ của loại Trường Ca" (Cali, 1989, tr.121)

Con tàu đất nước hôm nay dường như đang mất thắng, có cơ đâm vào chân tường diệt vong bởi nạn nội xâm và giặc ngoại xâm đe dọa, nơi đời sống tâm hồn dân tộc đang bị tha hóa cực độ, gần như các giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc thời Thơ Mới, thời văn chương Tự lực văn đoàn đang có cơ sụp đổ, thì việc xuất hiện lại những bài hát đầy nhân bản của Phạm Duy trong nền nhạc Việt hôm nay, hình như đang cho chúng ta cái cơ hội mong manh để hi vọng.

Phạm Duy, tượng đài lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam đang cùng các tượng đài Văn Cao, Trịnh Công Sơn …sừng sững dưới vòm trời văn học nghệ thuật dân tộc, cùng các tượng đài thi ca xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…sẽ mãi mãi trường tồn tới muôn vàn mai hậu .,.

Sài Gòn ngày 07-01-2013

Trần Mạnh Hảo