Monday, November 15, 2010

copy from muamay blog

Nhà sử học - đó là nhà tiên tri đoán trước
được quá khứ


Lời nói đầu.  “Tôi sợ không phải cái chết, mà là sự bất tử”. Nghịch lý sâu sắc đó thuộc về đại văn hào người ArgentinaJorge Luis Borges1) (1899 – 1986). Ông đã yên nghỉ ngàn thu tại Thụy Sỹ.
          Văn phong của Jorge Luis Borges có nhiều ảnh hưởng đến cái gọi là “Chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo” với những đại diện Mỹ La-tinh tiêu biểu: Alejo Carpentier, Garcia Marquez,… Ông được xếp ngang cùng với Henrik Ibsen, Émil Zola, André Malraux, Marcel Proust, James Joyce, Vladimir Nabokov,… trong ‘danh sách’ các nhà văn kiệt xuất ‘không được giải Nobel văn chương’.
          Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc trích đoạn bài phỏng vấn của nhà làm phim tài liệu người Pháp - André Camp với nhà văn vào năm 1969 tại Buenos Aires. H. V. dịch từ báo Văn học (Nga) số 2/1989. Những chú thích là của Ban biên tập Tòa soạn.
*
- Thưa Jorge Luis Borges, ngài là người lạc quan?  
          - Ở tuổi tôi, hạnh phúc riêng hầu như vô nghĩa. Có lẽ nó ít ý nghĩa hơn nhiều so với sự bất hạnh. Nếu nói về loài người, thì tôi đã quá cổ, cho nên tôi tin vào sự tiến bộ. Còn một khi nói đến lạc quan và bi quan, có lẽ cũng không vô ích khi nhắc lại rằng, từ thuở ban đầu trong các từ đó đã ẩn một ý nghĩa mỉa mai. Leibniz2) cho rằng chúng ta sống trong thế giới tốt đẹp nhất của các thế giới, còn Voltaire trong Candide3) đã cười nhạo nhà triết học người Đức qua hình tượng nhân vật Pangloss và nghĩ ra từ “người lạc quan”. Mà bởi đã có từ “lạc quan”, thì nhất định phải có từ “bi quan”.
          Tôi nhớ lại lời của Nora – em gái tôi, trong một lần đàm luận với cô về những người lạ từ hành tinh khác và khả năng họ đột nhập lên Trái đất - “Dễ chịu biết bao – cô ta nói – khi nghĩ rằng có những người quan tâm đến chúng ta, và có thể, họ yêu mến chúng ta, mặc dù chúng ta chẳng biết một chút nào về điều đó!”. Những lời này là cái nhìn của hy vọng, chứ  hoàn toàn không phải nỗi lo.
          - Tuy nhiên, ngài tin vào sự tiến bộ?
          - Theo nghĩa rộng – tôi tin, mặc dù tôi nghĩ nhiều hơn đến đường xoáy ốc của Goethe4) trong sự phát triển. Tôi không cho rằng, ngày thứ ba nhất định phải cao hơn, “phát triển” hơn ngày thứ hai, và ngày thứ tư – cao hơn ngày thứ ba. Tôi chỉ nghĩ rằng: sau vài trăm, vài nghìn ngày thứ hai và ngày thứ tư, thì mọi việc cần phải tiến triển tốt hơn một chút.
          Đúng hơn, tin vào sự tiến bộ tức là nói ra không phải sự vững tin lô-gic nào đó, mà chỉ một niềm hy vọng. Nếu xem xét lịch sử thế giới, theo quan điểm của tôi, trong nó có một sự tiến bộ - sự tiến bộ tất yếu về tinh thần. Nói về quá khứ và hiện tại có nghĩa là nói chuyện hơi trừu tượng. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay, con người – dù hung bạo hay thậm chí nhẫn tâm – đã hướng tới biện minh cho sự hung bạo của mình. Thế nhưng đã từng có những thời, khi mà vua chẳng hạn, có quyền biểu thị sự tàn bạo vô tâm, mà không cảm thấy một chút cần thiết biện minh nào. Có thể, bây giờ con người ta hành động xấu, nhưng khi đó ít ra họ cũng thấy nhu cầu thuyết phục những người khác – và chủ yếu là thuyết phục chính bản thân họ - rằng họ hành động đúng. Chúng ta bước vào thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất – thời kỳ dối trá và đạo đức giả. Nhưng như thế cũng đã nhiều. Bởi chúng ta sống trong thời gian, trong sự liên tục không đảo ngược được của nó.
          Thời gian là ảo ảnh - ảo ảnh không tránh khỏi. Nói như vậy, tôi lại nhớ đến những lời của Oscar Wilde5) đã nói (chẳng bao giờ biết được, ông ta nói điều ông ta nghĩ, hoặc giả chỉ muốn làm chúng ta kinh ngạc): mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời mỗi người – đó là tất cả quá khứ, tất cả hiện tại và tất cả tương lai của anh ta. Còn Hê-rac-litÊ-phe-zơ6) khẳng định cũng vậy rằng, số phận con người nằm ở tính cách con người.
          Quan niệm của tôi về tính liên tục của thời gian giống như quan niệm về bất hạnh và hạnh phúc. Tôi không biết, có tồn tại hay không sự vĩnh cửu, hoặc nó được tưởng tượng ra bởi các nhà thần bí, các nhà siêu hình và các nhà triết học, nhưng tôi tin rằng, tất cả chúng ta đang tiến tới sự vĩnh cửu. Và trong khi tiến tới sự vĩnh cửu, rất có thể, chúng ta sẽ sáng tạo ra nó.
          Không phải tôi có ý nghĩ rằng, mặc dù Chúa Trời có lẽ không tồn tại, nhưng tất cả chúng ta, cách này hay cách khác, đều tham gia sang tạo ra Chúa. Có thể, Chúa sẽ tồn tại chỉ nhờ những nỗ lực và đau khổ của chúng ta. Cũng như Jules Renard7), tôi sẽ nói, bởi hạnh phúc chỉ là trạng thái thoáng qua, chẳng báo trước được điều gì tốt lành, cho nên cần hướng tới nó ít hơn là hướng tới sự bình yên. Đúng hơn, tôi tự hướng tới sự yên lòng, tôi cố gắng tìm thấy hạnh phúc trong việc đọc sách và tư duy, hơn là trong một việc gì khác.
          Tôi luôn cảm thấy tôi không có ích lắm. Tôi rất lười biếng. Tôi cố gắng làm việc khi đây, khi đó. Tôi thực hiện điều này chưa phải là tốt lắm, dù sao theo tôi, tôi đã thấy được sứ mệnh của mình trong lao động văn học. Nếu như tôi không viết, không tư duy văn học, thì tôi quả là người vô cùng bất hạnh. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là văn của tôi hay – chính tôi lại ưa thích những nhà văn khác – nhưng tôi cho rằng ở Argentina khó mà tập hợp được một tá các nhà văn làm công việc của mình tốt hơn tôi. Văn học – đó là tiền định duy nhất của tôi, và tôi cố gắng thực hiện tiền định này, chừng nào điều đó còn ở sức tôi. Văn học đối với tôi là chân thực nhất trên thế giới, thậm chí chân thực hơn nhiều chính cuộc sống của tôi.
          - Liệu có thể thực hiện được tất cả những gì mà chúng ta tin không?
          - Có, tôi hy vọng, bởi nếu chúng ta có thể hình dung được một cái gì đó, thì có nghĩa chúng ta có khả năng thực hiện điều này. Trí tưởng tượng có sức tiên đoán: đầu tiên con người tưởng tượng một điều gì đấy, và sau đó điều này diễn ra trong cuộc sống. Thật ra, sẽ tốt hơn cho các nhà văn, nếu điều đó không xảy ra. Một trong những nguyên nhân làm cho ngày nay người ta hầu như không đọc Jules Verne8), là mọi điều ông nghĩ ra đã thành hiện thực và chẳng còn hứng thú nào cho chúng ta. Nhưng Herbert Wells9) chúng ta vẫn tiếp tục đọc, chỉ vì chưa ai chế ra được cỗ máy thời gian. Đối với Wells tốt hơn hết là những ý tưởng của ông không bao giờ thực hiện được. Tuy rằng tôi suy xét mọi điều này trên quan điểm văn học…
          - Ngài có cảm tưởng là chúng ta đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng và chấn động không?
          - Thế giới ngày nay như tôi hình dung, rất đáng lo ngại, và theo một nghĩa nào đó, cảm tưởng này là hoàn toàn tự nhiên, bởi chúng ta sống trong thế giới đó. Đồng thời, chúng ta cảm nhận lịch sử một cách khác, lịch sử đối với chúng ta – là bức tranh, là điển hình.
          Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đang sống trong thời kỳ quá độ. Nếu như tôi nói về thời tốt đẹp xa xưa, về belle époque10), thì tôi chỉ là người đa cảm. Một linh mục Pháp có nói: ai không sống trong “chế độ cũ11), thì chưa thể biết tuyệt mỹ của cuộc sống. Nhưng những ai đã sống thời đó, lại không cảm thấy tuyệt mỹ này. Tất cả các thời kỳ đều là quá độ. Về tương lai, hay về những thời đại tương lai, chúng ta chỉ biết một điều là chúng sẽ không giống như hiện nay. Tôi tin vào sự đến gần của những biến chuyển sâu sắc. Có thể, chúng đã đang diễn ra? Nhưng những biến đổi này còn xa cái gọi là phản động hay cách mạng. Tôi tin vào những biến đổi sâu sắc hơn.
          - Ngài có nghĩ rằng các tôn giáo sẽ sống qua được tất cả những chấn động này?
          - Các tôn giáo đang thay đổi, chúng trải qua quá trình tiến hóa, như vậy đã bao đời nay. Giáo hội đã cần phải minh bạch, nhưng tôi không nghĩ rằng sự minh bạch này từ thuở ban đầu đã có ở giáo hội. Tôi tin chắc rằng Jesus chưa bao giờ có ý nghĩ sang lập ra tôn giáo, và có lẽ, ông ta sẽ rất ngạc nhiên, nếu người ta nói với ông về đạo Cơ-đốc. Ông ta là một người Do-thái như mọi người Do-thái.
          Tôi không biết các tôn giáo sẽ trở thành cái gì, nhưng tôi cho rằng chúng sẽ cứu vớt được điều chính yếu nhất – tư tưởng thiện và ác. Đây chính là ý nghĩa luân lý của tôn giáo đối với tôi.
          Tôi không tin tưởng rằng, tôi có phải tín đồ Cơ-đốc giáo hay không. Có lẽ, mẹ tôi sẽ hơi buồn khi nghe thấy điều này. Dẫu sao, tôi cho là, trở thành tín đồ đạo Tin-lành thì tốt hơn là tín đồ Thiên-chúa giáo12). Cha tôi là người vô thần. Mẹ tôi là người theo đạo Thiên chúa mang dáng vẻ dịu hiền Argentina. Cô em tôi – người vô cùng ngoan đạo. Bà tôi là tín đồ Nhà thờ Anh, còn các cụ tổ của bà là tín đồ của Quây-cơ giáo13). Tôi được giáo dục trong bất đồng tôn giáo ấy, nhưng đó không là bi kịch cho tôi. Ngược lại, tôi thấy được chủ nghĩa vô thần của cha và tiếp nhận mọi thứ, chẳng hạn các khả năng tri thức khác nhau, mà mỗi thứ có vẻ hay riêng.
          Miguel de Unamuno14) cho rằng, Chúa Trời đối với ông ta là người sáng tạo ra sự bất tử. Tôi có thể công nhận khả năng đó, nếu như tôi tin chắc rằng, tôi có thể quên đi cuộc sống hiện tại của mình…
          - Theo ngài, điều gì đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử nhân loại?
          - Chúng ta không được quên hai quốc gia, hai dân tộc: Hy-lạp (La-mã – là một dạng kế tiếp Hy-lạp) và Israel. Không thể hình dung được lịch sử Phương Tây thiếu SocratesJesus. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa cần phải quên đi sự tiến hóa và phong phú lên, mà chúng ta có được nhờ dòng chảy thời gian và những con người của mọi dân tộc.
          Tuy nhiên, dấu ấn sâu đậm nhất trong sự phát triển của loài người, đã được để lại – cho phép tôi dung một từ hoàn toàn cổ - bởi nền dân chủ. Tôi biết ơn những người đã làm nên Cách mạng Pháp, những người đã chiến đấu cho nền độc lập nước Mỹ; những người đã đấu tranh vì độc lập cho Argentina, sau khi đã làm nên cuộc cách mạng của chúng tôi. Và tiếp nữa: tại sao không kể tên hai cuộc thế chiến? Theo tôi, chúng ta chịu ơn nhiều cả bạo lực. Những người theo chủ nghĩa hòa bình – pacifism (x. chú thích 13.) thực không lô-gic lắm, trong khi lập luận về bạo lực, họ chỉ ngụ ý bạo lực tương lai. Tôi muốn hỏi họ: “Lẽ nào các người quả thật hổ thẹn vì các cuộc cách mạng dân chủ? Hổ thẹn vì các nước đồng minh liên kết với nhau chống lại nước Đức quốc xã? Nếu các người là những người cộng sản, thì lẽ nào các người lại hổ thẹn vì Cách mạng Nga?” Ví như tôi, tôi không hổ thẹn vì chiến tranh. Có thể là do tôi xuất thân từ một gia đình quân nhân và đã từng muốn trở thành một người lính.
          - Ngài nghĩ rằng khoa học có thể thúc đẩy tiến trình lịch sử?
          - Tôi xa khoa học, nên khó có thể cho câu trả lời giản đơn. Tôi có hơi quan tâm đến Đại số, đã đọc sách của HiltonUspensky về độ đo thứ tư, nhưng khó mà thành đạt trong môn này. Tôi sử dụng kiến thức của mình vào các mục đích thẩm mỹ, nhưng trong khoa học tôi chẳng có một chút uy tín nào.
          Tôi tin chắc rằng không bao giờ tôi hiểu được cấu tạo của telephone và phong vũ biểu, hoặc bằng cách nào mà các bức điện được truyền đi. Mọi thứ đó trên tầm hiểu biết của tôi. Dù vậy, tôi cảm nhận trong tôi một khả năng kỳ lạ để hiểu thế giới, thời gian, không gian và Chúa Trời… Song “những môn này” hiển nhiên là đơn giản hơn!
          Tôi tuyệt đối không tin vào lịch sử như một khoa học. Cũng như Schopenhauer15), tôi cho rằng tiếp cận lịch sử bằng khoa học sẽ ngang bằng như việc phân biệt hình dáng sư tử, hoặc dãy núi giữa làn mây. Theo tôi, Heine có nói: “Nhà sử học - đó là nhà tiên tri đoán trước được quá khứ16).
          Thật đáng tiếc, ngày nay có xu hướng sống “một cách lịch sử”. Con người, dĩ nhiên luôn được lôi cuốn vào lịch sử, nhưng điều này diễn ra một cách vô tình, trong khi đó, ngày nay mỗi người đều biết mình là một nhân vật lịch sử, biết mọi người đang chờ đợi ở mình điều gì. Nếu hơi cường điệu (chúng ta được phép cường điệu, bởi những người đọc chúng ta, sẽ chịu khó chỉnh sửa và lược giản chúng ta), tôi sẽ nói rằng phần lớn văn học hiện thời không được hay như có thể có, là bởi các nhà văn thiếu chính sự vô tình đó.
          Có không ít các tác giả trẻ - trước kia tôi cũng đã như họ - khi viết, nghĩ về văn học ít hơn nghĩ về lịch sử văn học và chỗ đứng của mình trong đó. Họ lập luận: “Tôi, người Argentina, viết vào năm 1969, sau hai cuộc thế chiến, sau sự sụp đổ của nền độc tài, tôi cần phải viết những trường ca gì, ai sẽ được chọn làm nhân vật trừu tượng mà tôi dựng lên?”
          - Tôi muốn được đề cập đôi chút về sáng tác của ngài.
          - Có những người, đặc biệt là ở Mỹ, biết về sáng tác của tôi, rõ hơn tôi. Tôi viết truyện ngắn, thơ – và tất cả đấy, còn họ đọc, đọc đi đọc lại: một sự gần gũi nào đó, mà tôi khó hiểu nổi, đã nảy sinh giữa họ và các tác phẩm của tôi. Họ đọc ý giữa dòng và tìm thấy ở đó nghĩa – không nhất thiết là sai – mà tôi không cảm nhận được. Khi viết xong điều gì đó, tôi cố quên nó đi và chuyển sang công việc mới.
          - Vì sao ngài thích viết cô đọng ở dạng các truyện ngắn và trần thuật ngắn?
          - Có hai lời giải thích cho điều này. Thứ nhất, và có thể, chính yếu – đó là sự lười biếng của tôi. Điều nữa là ở chỗ tôi rất thích truyện ngắn và không mấy tin tưởng vào các tiểu thuyết của mình. Nhưng nếu phải lập danh sách các tác phẩm vĩ đại nhất, thì trong đó sẽ có “Bouvard et Pécuchet” của Flaubert17), “Erewhon” của Butler18), “Đôn-ki-hô-tê” (Don Quijote) và nhiều tác phẩm khác. Mặc dù, tôi e rằng tiểu thuyết – đó chỉ là bề ngoài. Tác giả nghĩ ra câu chuyện phải kéo dài ba trăm hoặc bốn trăm trang giấy, nghĩ ra cuốn sách tương tự như “Những người thiện chí” của Jules Romain19), hoặc thậm chí giống như bột thiên tuế, sau đó là viết chúng. Nhưng chúng ta chẳng biết, những cuốn sách này đối với tác giả, có “tồn tại” hay không, như có thể tồn tại bài thơ, hoặc bài Sonnet, hay bất cứ vở kịch ngắn nào có sự hoàn thiện, ở đó tất cả đều hiện diện. Tất nhiên, tiểu thuyết cũng để lại trong ký ức một hình tượng nào đó, nhưng tôi cảm tưởng không “thực” như truyện ngắn. Edgar Poe có nói “chẳng có câu thơ dài”. Cũng thế, có thể nói về tiểu thuyết. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần “Tội ác và trừng phạt”, nhưng trong ký ức còn đọng lại chỉ ba hay bốn cảnh, trong khi đó biết bao bài thơ viết bằng nhiều thứ tiếng đã cùng tôi trong ý nghĩ trên đường phố, trong các hành lang thư viện, và cả ở nhà.
          - Đối với ngài, ở đâu kết thúc huyền ảo và hiện thực bắt đầu?
          - Tôi sẽ nói rằng hiện thực đó là cái diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, tức là sự việc. Huyền ảo – đó là cái kéo dài mãi mãi. Nếu chúng ta nhìn vào sự vật qua lăng kính thời gian, thì hư ảo, huyền ảo sẽ trở nên dễ cảm nhận hơn. Miguel de Unamuno có nói Đôn-ki-hô-tê  thực hơn nhiều ngay cả Cervantes. Chúng ta cảm nhận Cervantes chỉ như tác giả “Đôn-ki-hô-tê”, còn Đôn-ki-hô-tê bao giờ cũng là nhân vật sống đối với chúng ta.
          - Ngài viết về thời gian và tro bụi, mà tro bụi – đó là cái chết?
          - Chúng ta được thuyết phục bởi một điều gần như chắc chắn là chúng ta sẽ chết. Giả định đó thật vô định, cũng như mặt trời lặn chiều hôm nay, rồi lại mọc vào sáng mai. Cuộc sống của chúng ta – chỉ là hàng triệu triệu những trường hợp riêng xảy ra trước đó. Nhưng rất có thể (thử nhớ lại Bernard Shaw và vở kịch năm phần của ông “Trở về với Methuselah20)), trong thời đại chúng ta đã bắt đầu xuất hiện một thế hệ bất tử và chúng ta có thể trở thành, tôi không biết diễn đạt thế nào nổi điều này, được lựa chọn hoặc không tránh khỏi diệt vong.
          Nhưng tôi tiếp nhận cái chết, cái chết của riêng tôi, không như một cái gì đó bi thảm, mà đúng hơn, như một niềm hy vọng. Tôi đã viết xong bài Sonnet21) về điều này.
          Tôi nhớ lại một nhân vật của Stevenson22). Ông già nghèo khổ, bị tất cả mọi người coi khinh, cười nhạo, nhưng biết rằng ở đâu đó ẩn một kho báu. Trong tôi cũng ẩn một kho báu như thế (hay đúng hơn, kho báu chung cho mọi người) – đó là Cái chết.
          Sau khi chết tôi sẽ buồn, khi nghĩ rằng trên trái đất mọi người đã gọi tôi là Borges, rằng tôi đã in vài quyển sách, rằng tôi xuất thân từ một gia đình quân nhân… Tôi muốn quên đi tất cả mọi điều này, cũng như muốn quên đi quãng thời gian nằm trong bụng mẹ. Tôi đã hơi mỏi mệt làm Borges, và có thể sau khi chết đi, tôi sẽ trở thành ai đó khác, nhưng mong rằng không phải là Borges
______________________
1) Hor-hê Lu-is Bor-khes (phiên âm theo tiếng Tây-ban-nha)
2) Leibniz Gottfried Wilhelm (1646 - 1716): nhà triết học và toán học người Đức, người đưa ra thuyết “Hài hòa tiền định” (Chủ nghĩa lạc quan thô sơ).
3) Voltaire, tên thật là François-Marie Arouet (1694 - 1759): nhà văn và nhà triết học người Pháp. Tác phẩm “Candide, hay Chủ nghĩa lạc quan” (“Candide, ou l'Optimisme” - 1759) chống lại chủ thuyết nói trên của Leibniz.
4) Johann Wolfgang von Goethe (1749  –1832): nhà văn và nhà triết học người Đức. Khi giải thích quan điểm duy vật này, Goethe đã thừa nhận sự tồn tại của sức sống vĩnh viễn.
5) Oscar Wilde (1854 – 1900): nhà văn, nhà thơ và nhà viết kịch người Anh, gốc Ireland.
6) Héraclite d'Éphèse (535 – 475 tr. CN): nhà triết học người Hy-lạp.
7) Jules Renard (1864 – 1910): nhà văn, nhà viết kịch người Pháp.
8) Jules Verne (1828 – 1905): nhà văn Pháp, tác giả những truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng, như “Hai vạn dặm dưới biển”, “80 ngày vòng quanh thế giới”,…
9) Herbert George Wells (1866 -1946): nhà văn Anh, tác giả truyện khoa học viễn tưởng “Cỗ máy thời gian” (“The Time Machine” -1895).
10) Thời đại tuyệt vời (tiếng Pháp).
11) Chế độ quân chủ Pháp trước Cách mạng 1789.
12) Đạo Cơ-đốc gồm 3 nhánh: Thiên-chúa, Chính-thốngTin-lành. Điểm chủ yếu khác biệt đạo Tin-lành với hai đạo trên là thuyết về mối lien hệ trực tiếp của Chúa Trời với con người, mà không phải thông qua giáo hội.
13) Một tôn giáo được hình thành ở Anh vào giữa thế kỷ 17 (quaker trong tiếng Anh có nghĩa là run rẩy), bỏ hết mọi nghi lễ giáo hội, tuyên truyền chủ nghĩa hòa bình (pacifism), chủ trương chống mọi chiến tranh, kể cả chiến tranh chính nghĩa.
14) Miguel de Unamuno y Jugo (1864 – 1936): nhà triết học, nhà văn và nhà thơ Tây-ban-nha.
15) Arthur Schopenhauer (1788 – 1860): nhà triết học người Đức với chủ nghĩa bi quan, pha trộn màu sắc siêu hình Phương Đông. Ông có ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà tư tưởng sau này, như F. Nietzsche, R. Wagner, L. Wittgenstein, E. Schrödinger, A. Einstein, S. Freud, , C. G. Jung, L. Tolstoy, J. L. Borges.
16) Ở đây có một số nguồn trích dẫn khác nhau, ngay như B. Pasternak trong một số vần thơ của mình đã gắn câu này với G. W. F. Hegel. Thực ra, nguyên văn “Der Historiker ist ein rückwärtsgekehrter Prophet” là của Friedrich von Schlegel (1772-1829), - “Nhà sử học là  nhà tiên tri ngược về quá khứ”.
H. Heine (1797 - 1856) trong “Gedanken und Einfälle, III: Kunst und Literatur có viết: “Der Historiker ist immer ein Merlin, er ist die Stimme einer begrabenen Zeit, man befragt ihn, und er gibt Antwort, der rückwärtsschauende Prophet”, - “Nhà sử học là chim ưng của thời gian đã bị thiêu rụi, mỗi khi chúng ta hỏi, nó cho câu trả lời, -  nhà tiên tri nhìn về quá khứ”.
17) Gustave Flaubert (1821 – 1880): nhà văn Pháp có ảnh hưởng nhiều tới trường phái hiện thực lãng mạn.
18) Erewhon” – phép đảo chữ trong từ “Nowhere” – là tác phẩm của nhà văn người Anh Samuel Butler (1835 – 1902), viết năm 1872, châm biếm xã hội dưới thời nữ hoàng Victoria.
19) Les Hommes de bonne volonté” của nhà văn Pháp Jules Romains (1885 - 1972).
20) Bernard Shaw (1856 – 1950): nhà văn người Anh, gốc Ireland. Back to Methuselah” (“A Metabiological Pentateuch”) là vở kịch năm phần kể về một thế giới không tưởng những người trường thọ. Methuselah  là nhân vật truyền thuyết trong Kinh-Thánh, sống lâu 969 năm.
21) Đó là bài SonnetCosmogonía”’ - “Sáng-thế-luận”, hay “Vũ-trụ khai-tịch-luận”.
22) Robert Louis Balfour Stevenson (1850 – 1894): nhà văn người Scotland, tác giả “Đảo giấu vàng

No comments:

Post a Comment