Tuesday, November 16, 2010

Chờ tôi với…

Cao Xuân Huy
từ tập truyện ngắn Vài Mẩu Chuyện do nhà Văn Học xuất bản, ấn bản đầu tiên, năm 2010

    Tiếng rít của vỏ đạn hỏa châu phá tan cái im lặng của mặt trận. Mỗi lần có hỏa châu, vỏ đạn rơi thẳng xuống chỗ Toàn đang nằm, Toàn rúm người, thu nhỏ thân hình, sợ vỏ đạn rơi xuyên qua thân thể mình. Trời lạnh, mưa mỏng hạt, ánh trăng hạ tuần nhờ nhợ lẫn vào màu cát. Toàn căng mắt nhìn, không thấy gì. Màu vàng nhợt xóa mờ đường ranh giữa trời và đất. Ánh sáng hỏa châu nhập nhòe không làm rõ được đường nét vùng quan sát.
    Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Đã quá bốn giờ sáng, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận bằng hiệp định Paris, và đã được thông báo, phổ biến trong toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm dứt. Vĩnh viễn.
    Toàn chỉ huy một đơn vị tác chiến chuyên nghiệp, những người lính là những tay cảm tử, xem cái chết “nhẹ tựa hồng mao”, những cái lông hồng của Toàn đã rụng hơn ba phần. Đại đội Toàn tả tơi qua những đợt tấn công liên tục trong ngày. Mục tiêu, vị trí phòng thủ của một trung đoàn địch. Một chọi mười không chột thì cũng phải què, cánh quân bên kia thế nào không biết, cánh của Toàn từ điểm xuất phát gần hai trăm, sau hai mươi tiếng đồng hồ, còn hơn ba chục, đang nằm dọc theo giao thông hào vừa chiếm được, hồi hộp đợi lệnh tấn công đợt chót.
    Tuổi trên dưới hai mươi, những thằng em còn lại của mình phải sống. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ thôi, Toàn, mày phải sống, mày phải là người chứng kiến giờ phút lịch sử này. Phải bám vào cái chuyển mình này của lịch sử. Bỗng dưng, Toàn đâm sợ chết.
*
    Máy truyền tin PRC-25 kêu “khè” một tiếng, Toàn chụp vội ống liên hợp:
    “520 – 05.”
    “05 – 520.”
    “Rồi. Hướng mười giờ.”
    “Nhận năm.”
    Cuộc tấn công chót bắt đầu.
    Toàn nhìn đồng hồ, mới sáu giờ sáng. Còn hai tiếng nữa.
*
    Đúng tám giờ. Trời sáng rõ. Tiếng súng vẫn còn nổ.
    Toàn bảo thằng máy:
    “Kháng, mày la lên là tới giờ ngưng bắn rồi.”
    Kháng nghiêng đầu, quay miệng chếch lên, la:
    “Tám giờ rồi. Tám giờ rồi nghe.”
    Toàn bật cười:
    “Tám giờ rồi thì sao?”
    Kháng cũng cười theo, lại chếch miệng lên, la tiếp:
    “Tám giờ rồi, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”
    Tiếng súng vẫn chưa ngưng.
    Những đồi cát hình cánh cung toàn là địch, thầy trò Toàn nằm lọt vào giữa, dưới thấp. Ước lượng theo tiếng súng, Toàn đoán ít nhất địch vẫn còn đông gấp chục lần mình. Lúc nãy, khi khởi sự cuộc tấn công lần chót, trời còn tối dễ nhập nhằng, nhưng bây giờ, trời sáng rõ. Thầy trò Toàn đang nằm chịu trận. Giờ ngưng bắn đã bắt đầu có hiệu lực, nhưng thực tế, đủ các loại đạn vẫn hướng về phía Toàn mà nổ.
    Tám giờ năm, tiếng súng vẫn chưa ngưng.
    Toàn lại nhắc Kháng:
    “Mày la nữa lên.”
    Kháng lại chếch miệng lên, la tiếp:
    “Tới giờ rồi, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”
    Chỉ có tiếng súng trả lời.
    Toàn bảo Kháng:
    “Mày giơ thử ngón tay lên coi tụi nó còn nhắm bắn mình không.”
    Kháng tròn mắt nhìn Toàn:
    “Bộ ông giỡn hả?”
    “Mày ngu thấy mẹ. Lỡ nó bắn cụt ngón tay, có phải là được giải ngũ không?”
    Kháng nhìn quanh, vớ được nhánh dương cong queo trong mức an toàn duy nhất, giơ lên khỏi đầu. Chưa đầy chớp mắt, nhánh dương bị bắn gẫy.
    Toàn gọi máy qua cánh quân bên phải:
    “05 – 520.”
    “520 – 05.”
    “Phía ông ngưng chưa?”
    “Chưa.”
    “Ông ‘thọc’ mạnh lên. Sườn tôi hở, lạnh thấy mẹ.”
    Tiếng súng rộ lên phía bên phải. Toàn và Kháng nhào lên chốt địch phía trước. Tâm, tên cao bồi của Toàn, chồm người tung quả lựu đạn. Lựu đạn vừa rời khỏi tay Tâm, Toàn nghe tiếng thét:
    “Chết tui.”
    Toàn quay lại nhìn, Tâm nằm ngửa bất động trên cát, máu trong bụng nhỉ ra.
    Cùng lúc, Toàn và Kháng tung lựu đạn vào trong hầm rồi vọt theo, làm chủ cái chốt. Toàn nhào ngược về đằng sau, nắm chân Tâm kéo thụt xuống sau mô cát.
    Tâm nhìn Toàn:
    “Đù má nó. Ngưng bắn rồi mà sao tui chết hả ông thầy? Ông rán sống nghe ông thầy!”
    Nói dứt câu, người Tâm giựt mạnh rồi mềm xuống.
    Toàn  vuốt mắt Tâm rồi nhào lên với Kháng:
    “La lên nữa đi!”
    Kháng:
    “Đù má, tới giờ ngưng bắn rồi nghe.”
    Tám giờ mười lăm, tiếng súng thưa dần.
    Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Toàn nhìn đồng hồ, tám giờ hai mươi lăm.
    Cho chắc ăn không còn là mục tiêu, Toàn bảo Kháng:
    “Mày giơ ngón tay lần nữa coi.”
    Không tìm đâu ra nhánh dương nào khác, Kháng giơ ngón tay trỏ lên ngang mắt ngắm nghía, cười cười thủ thỉ: “Đụ má, đừng bỏ tao nghe mảy!”
    Toàn gắt:
“Đù má mày, giơ ngón tay lên.”
    Kháng rụt rè đưa ngón trỏ lên khỏi đầu, cao hơn mô cát một chút, rồi lại thụt xuống. Nhấp nhứ như vậy một lúc, Kháng để hẳn ngón tay cao hơn mô cát. Không thấy động tĩnh gì, Kháng nhích tay cao hơn, cao hơn tí nữa. Kháng giơ cả bàn tay, vẫn yên lặng. Toàn nhìn quanh kiểm soát đám đàn em. Tất cả đang nhìn Toàn chờ.
    Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.
    Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.
    Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.
    Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.
    Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:
    “Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!”
    Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.
    Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:
    “Anh khóc đấy à?”
    Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau…
    Toàn bảo lính buộc cờ vào những lùm dương thấp lè tè rải rác quanh chỗ vừa chiếm được. Bắc quân ở tại chỗ nên có sẵn cây, sẵn cột để cắm cờ.
    Có lá cờ buộc không kỹ rơi xuống cát, người bộ đội vỗ vỗ Toàn, chỉ:
    “Anh ơi, cờ của anh rơi kìa!”
*
    “Chào anh.”
    Toàn nhận ra người bộ đội lúc nãy:
    “Chào anh.”
    “Anh ăn cơm chưa?”
    “Sao anh lại hỏi ăn uống giờ này?”
    “Xin lỗi anh. Đó chỉ là câu chào quen miệng của chúng em.”
    “Vậy hả? Anh khỏe không?”
    “Anh nói giọng Bắc? Ngoài Bắc anh ở đâu?”
    “Tôi dân Hà Nội, vào Nam từ 54.”
    “Em cũng dân Hà Nội.”
    “Thế à? Vậy mình là đồng hương đấy nhỉ? Thế anh xa Hà Nội bao lâu rồi?”
    “Hơn bốn năm rồi anh ạ.”
    Toàn nhìn người bộ đội, cũng khoảng tuổi trên dưới hai mươi như lính của mình, nước da men mét tái có lẽ do sốt rét, nhưng mặt mũi sáng sủa. Trên mũ cối, những hàng chữ viết tên các địa danh như Cùa, Ba Lòng, Khe Sanh, Làng Vey, đường Chín… bên hông mũ gắn tấm ảnh bẩn, vàng ố vì thời gian, chụp bán thân một người đàn bà luống tuổi vấn tóc trần.
    Toàn chỉ tay lên những địa danh viết trên mũ sắt của mình:
    “Hóa ra mình là đồng hương, và cũng đã gặp nhau qua những chỗ này rồi đấy nhỉ!”
    “Em đi trận đã ba, bốn năm rồi, toàn quanh quẩn vùng này!”
    Thấy Toàn nhìn chăm chăm vào tấm ảnh, người bộ đội ngượng nghịu nói:
    “Ảnh mẹ em đấy! Em mang theo từ khi đi nghĩa vụ.”
    “Thế anh không có người yêu à?”
    “Có anh ạ, nhưng… cô ấy đang học đại học.”
    “Học đại học thì tại sao lại nhưng?”
    Người bộ đội ngập ngừng, nói qua chuyện khác:
    “Ở trong Nam, các anh muốn được học đại học phải có những điều kiện gì?”
    Toàn bỡ ngỡ với câu hỏi nhưng cũng trả lời:
    “Điều kiện ấy à? Một điều kiện duy nhất là phải học xong trung học, tức là phải có bằng tú tài, thế thôi. Mới mấy năm sau này, khi cuộc chiến khốc liệt, những người học đúng tuổi mới được học tiếp lên đại học, còn những người dù chỉ học trễ một năm, cũng phải đi lính đã.”
    “Ở ngoài em thì khác. Ở ngoài Bắc thì ‘học tài thi… lý lịch’, vào đại học không theo sức học hay tuổi tác.”
    “Lý lịch phải tốt anh mới được đi bộ đội chứ?”
    Người bộ đội cười nhẹ:
    “Anh chẳng hiểu gì cả. Ở ngoài em, lý lịch tốt thì học đại học. Ông nội em bị đấu tố trong kỳ ‘cải cách ruộng đất’, mẹ thuộc gia đình tư sản ở Hà Nội, thì em phải đi B thôi.”
    “Sao gia đình anh không di cư vào Nam năm 54?”
    “À, gia đình em là gia đình liệt sĩ, bố em chết trận thời kháng chiến chống Pháp, lúc đang làm đại đoàn phó. Mẹ em nghĩ gia đình có công với cách mạng nên không đi. Hơn nữa, mẹ em muốn đợi hòa bình lập lại để đi tìm xác bố em. Chỉ có người anh ruột của em theo ông chú vào Nam thôi.”
    “Thế anh của anh làm gì ở trong Nam?”
    “Có lẽ anh của em cũng đi lính. Trước khi đi B, mẹ em dặn là nếu ra trận cố tránh đừng bắn vào anh mình.”
    “Làm sao mà tránh!”
    “Thì thế…”
    Người bộ đội thở dài, đổi chuyện:
    “Lúc này sắp Tết rồi và máy bay Mỹ đã hết đánh phá, chắc Hà Nội đang trưng bán đầy hoa Tết.”
    “Ở ngoài Bắc… Hà Nội… Thế Hồ Gươm bây giờ ra sao?”
    “Ra sao là gì, anh?”
    “Có tu bổ, có chỉnh trang gì không? Có còn đẹp không?”
    “Không đâu anh ơi. Trên bờ thì bẩn và dưới hồ thì đầy rác.”
    “Có một buổi tối ngày lễ, tôi ngồi trên vai mẹ xem bắn pháo bông ở Hồ Gươm. Đêm ấy người đâu ra mà đông đến thế.”
    “Em thường lang thang nghịch ngợm ở Hồ Gươm.”
    “Nhà tôi ở ngõ Lê Đại Hành, gần Chợ Đuổi, đằng sau Nhà Diêm.”
    “Em ở phố Duy Tân.”
    “Có một lần tôi suýt chết đuối vì không biết bơi mà dám nhảy xuống hồ, cho chuồn chuồn cắn rốn rồi, tưởng là đã biết bơi.”
    “Em cũng có xuống chơi dưới Chợ Đuổi.”
    “Tôi bị xe đạp đâm vì thích nhắm mắt đi qua đường.”
    “Em thích nhảy tàu điện.”
    “Tôi đi theo mấy anh lớn nhặt quả sấu, quả cơm nguội. Cây cơm nguội sao mà to và cao thế.”
    Cả hai đang hào hứng thao thao nói chuyện không đầu không đuôi, chẳng ngô chẳng khoai gì hết về Hà Nội. Bất chợt, người bộ đội không nhìn thẳng vào mặt Toàn nữa, mà nhìn lệch sang một bên, rồi thì thào thật nhanh:
    “Mình ăn cây nào thì rào cây nấy anh ạ. Anh đừng nghe tuyên truyền.” Rồi đổi giọng đanh thép, chậm và rõ từng tiếng: “Bây giờ anh đã thấy được là chính nghĩa thuộc về chúng tôi chưa?”
    Toàn ngơ ngác và chợt hiểu. Một người bộ đội nữa đang đi đến từ phía sau lưng.
*
    Không phải là hưu chiến, mà là ngưng bắn, là hết bắn giết nhau, là chấm dứt chiến tranh. Chấm dứt chiến tranh. Toàn say sưa hít thở không khí một đêm yên tĩnh của ngày hòa bình đầu tiên. Tưởng tượng sẽ đi theo chàng bộ đội về Hà Nội thăm những cây cơm nguội, những hàng sấu, ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm… Nằm dài trên cát, gác chân lên mũ sắt, Toàn châm điếu thuốc mơ màng, mặc cho ý tưởng lang thang những nơi Toàn đã sống trong thời thơ ấu…
    “Uỳnh…”
    Nhanh như chớp, Toàn chụp khẩu súng, nhào xuống giao thông hào.
    Một quả đạn đại bác không giật bắn vào ngay giữa vị trí phòng thủ. May không ai bị thương.
Sáng hôm sau, cảnh mũ sắt, mũ cối quấn quýt nhau chỉ còn là giấc mơ cũ.
    Không khí căng thẳng.
    Địch tăng cường một đơn vị lớn từ phía Bắc xuống. Toàn báo cáo về bộ chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh nằm tại chỗ và tuyệt đối không nổ súng vì bất cứ lý do gì. Lệnh nhấn mạnh: “Hiệp định ngưng bắn đã hiệu lực. Ai nổ súng sẽ ra tòa án quân sự mặt trận”. Thế hóa ra chỉ có một bên ngưng bắn thôi à. Nó quất cho vỡ mặt cũng phải nhịn à. Quân tử Tàu thì chỉ có mà chết. Mẹ kiếp.
Trời chập choạng tối. Đột nhiên, đèn pha chiếu sáng rực sang phía đơn vị Toàn. Hai chiếc T-54 xuất hiện. Tiếng xích sắt ken két nghiến vào nhau dữ dội. Toàn lạnh người, sởn gai ốc. Toàn giương khẩu súng chống chiến xa M-72, kê lên ba lô, nhắm vào một chiếc T-54, miệng lẩm bẩm: “Mẹ, còn mỗi một khẩu, không đủ gãi ghẻ bố mày cũng chơi. Có chết bố mày cũng phải ‘ôm’ theo dăm đứa chúng mày, các con ạ”.
    Đêm thứ hai của ngày hòa bình, đơn vị Toàn bị tấn công.
Những đợt tấn công đầu bằng đặc công của địch, đơn vị Toàn đẩy lui dễ dàng bằng lựu đạn. Toàn đã sẵn sàng chờ T-54 lâm trận, nhưng không, sau vài đợt tấn công dọ dẫm, địch dùng bộ binh đánh biển người, ồ ạt xung phong vào vị trí của Toàn. Thì ra mấy chiếc T-54 chỉ để…"nhát ma."
    Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng.
    Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn nhoài người, vói tay về phía cái mũ. Cả thân thể lẫn cánh tay như không còn theo lệnh Toàn, chỉ nhích từng chút từng chút. Toàn cố nhoài người lên, vói tay. Cuối cùng, tay Toàn cũng chạm được vào cái mũ. Dùng hết sức bình sinh, Toàn kéo cái mũ nặng nghìn cân về phía mình. Cái mũ nhích tới. Nhích tới gần. Cái mũ tới sát mặt Toàn.
    Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là mũ cối. Trên cái mũ cối mà Toàn đã một lần nhìn thấy, những hàng chữ viết tên các địa danh và ảnh người đàn bà vấn tóc trần Hà Nội rõ lên rồi nhòa dần, nhòa dần. Tiếng gào thét giết chóc vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm… Đột nhiên, một tiếng gọi bật ra trong đầu Toàn “Anh bộ đội ơi, chờ tôi với…”.

No comments:

Post a Comment