MỘT NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC
Phạm Quỳnh
Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài viết của Phạm Quỳnh năm 1931, nguyên văn bằng tiếng Pháp, bản dịch tiếng Việt của Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Bài này đã in trong sách Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932) do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản năm 2007 tại Hà Nội.—o0o—
Một cuộc bàn cãi sôi nổi đang diễn ra ít lâu nay trong một số anh em đồng nghiệp báo chí nước Nam chúng tôi. Đó là về việc nước Nam có một nền văn hóa dân tộc không. Một dân tộc nổi danh hiếu học, tự hào về các bậc túc nho, qua bao thế kỷ có sản sinh ra được một nền văn hóa dân tộc mang bản sắc riêng không? Hay rốt cuộc nó chỉ là một cậu học trò, dù đôi khi là một học trò xuất sắc, nhưng vẫn là một học trò của nước Trung Hoa, người mẹ của toàn bộ văn hóa và văn minh, cô giáo duy nhất của tất cả các dân tộc Viễn Đông?
Một số người cho rằng nước chúng tôi đã có nền văn hóa riêng và họ dẫn ra tên tuổi của những vị tiến sĩ nổi danh trong quá khứ làm điểm tựa cho lập luận của mình. Một số khác thì vặn lại rằng tất thảy các vị tiến sĩ đó chẳng để lại được cái gì độc đáo mà chỉ nhai nhải lặp lại những kinh điển Nho giáo xưa cũ ai cũng biết, và thực tế là nước Nam chưa bao giờ có một nền văn hóa dân tộc khác biệt với của Trung Hoa.
Xét một cách tuyệt đối, ý kiến của những người sau có lý. Nước Nam bao giờ cũng chỉ là một học trò của Trung Hoa. Trong nghệ thuật, văn học, tôn giáo, triết học, nó luôn sống dựa vào kho tàng quan niệm chính truyền từ Trung Hoa. Khác với Nhật Bản đứng riêng như một quốc đảo chỉ tiếp nhận từ Trung Hoa những gì cần cho sự phát triển những nét riêng biệt của họ, nước chúng tôi toàn sao chép mọi thứ của nước láng giềng khổng lồ. Và nếu có thể nói rằng nghệ thuật nước Nam chẳng hạn, dù có lấy cảm hứng từ Trung Hoa, nhưng vẫn mang dấu vết riêng của nước Nam khiến cho nghệ thuật nước mình khác với nghệ thuật của Thiên Quốc, thì ta khó mà có thể cũng nhận xét như vậy về văn học hay triết học, là những môn không bao giờ vượt thoát được vết xe cũ của Trung Hoa, không bao giờ tự giải phóng được khỏi những nguyên tắc kinh viện nặng nề và cổ hủ.
Rành rành là cái ách tinh thần của Trung Hoa đã đè nặng lên xứ sở này tới mức ngăn cản đầu óc người Nam tấn tới và phát triển theo nguồn mạch riêng của mình. Mặt khác, việc nằm sát nách một nước lớn luôn có cơ hội xâm lược và cướp đi nền độc lập giành được sau gần mười thế kỷ gian khổ đấu tranh đang duy trì chúng tôi trong mối lo thường xuyên khá bất lợi cho sự tự do nảy nở các năng lực vô tư của tinh thần. Uy lực không gì so sánh nổi của nước láng giềng đó với một lịch sử lâu dài và một nền văn minh đáng nể lại đủ sức uy hiếp một dân tộc nhỏ đã táo gan muốn bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chính trị của mình song lại không bao giờ tin rằng nước mình có thể chinh phục được nền độc lập tinh thần và luân lý của mình.
Nhưng cái góp phần nhiều nhất vào việc cầm giữ nước Nam trong cái có thể gọi không quá là sự nô lệ tinh thần đối với Trung Hoa, ấy là hệ thống khoa cử mà ở nước chúng tôi, cũng như ở Trung Hoa – và đó chính là nguyên nhân suy tàn của nó – đã thực sự trở thành một thiết chế nhà nước, thiết chế quan trọng hơn cả, được trọng vọng hơn cả, trịnh trọng nhất hạng. Chính thể chuyên chế tìm thấy ở thiết chế này một công cụ thống trị tuyệt vời nên đã bao phủ quanh nó những điều hào nhoáng nghi thức thiêng liêng. Và thiết chế đó đã hoành hành trong suốt một thời gian dài đến mức có thể nói là nó đã góp phần hun đúc trí não người Nam vào cùng một cái khuôn cổ truyền và kinh viện.
Thời Trần, Phật giáo và Lão giáo còn được nghiên cứu cùng với Nho giáo. Nhưng kể từ cuối Trần, Nho giáo đã trở thành quốc giáo độc tôn. Các kỳ thi đánh giá công cuộc học tập và là cánh cửa duy nhất mở vào đường làm quan gồm bài kinh sách và văn sách không có chút ích lợi gì cho trí tuệ. Suốt năm trăm năm, những đầu óc ưu tú của đất nước đã bị khuất phục dưới chế độ suy tàn này, một chế độ giết chết mọi tính độc đáo và hủy diệt mọi tư duy độc lập.
Làm thế nào một nền văn hóa dân tộc lại có thể ra đời và phát triển trong hoàn cảnh như vậy được?
Mặt khác, muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa. Thế nhưng các nhà nho xưa của chúng tôi chỉ luôn viết bằng chữ Hán, một thứ chữ Latin của vùng Viễn Đông. Ít ai nghĩ đến việc trau dồi tiếng mẹ đẻ mặc dù nó rất phong phú và đẹp đẽ. Có một số người đã thử dùng nó để làm thơ và việc họ sáng tác được một số tác phẩm hay bằng tiếng Nam cho thấy nếu người ta biết làm cho nó uyển chuyển hơn, trong sáng hơn nữa thì nó có thể là một công cụ quý báu giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi.
Nhưng điều mà cha ông chúng tôi không biết làm hay không thể làm – vì họ chịu quá sâu ảnh hưởng Trung Hoa – thì bây giờ chúng tôi phải làm, nhờ vào ánh sáng từ Tây phương dọi tới.
Đó là một sự nghiệp lớn lao đang chờ đợi tất cả những người làm thành giới đặc tuyển tinh thần mới của xứ sở này, bất kể phẩm trật của họ ra sao.
Tạo ra cho nước Nam một nền văn hóa dân tộc, và trước hết, xây dựng một ngôn ngữ dân tộc có thể dùng làm ngôn ngữ văn hóa, theo tôi đó là nhiệm vụ thiết yếu, là sự nghiệp cải biến và đồng thời là công cuộc xây dựng lớn lao đặt ra cho trí tuệ và cho mọi nỗ lực của những nhà trí thức mới ở nước Nam.
Về phần tôi, đó luôn luôn là cái đích mà tôi không ngừng theo đuổi suốt gần hai mươi năm nay.
Ngay khi đầu óc tôi bắt đầu biết nhận dạng một số thực tại nhất định, tôi đã có một linh cảm nhanh chóng biến thành niềm tin rằng, để làm công việc giải phóng chính trị cho dân tộc này thì trước hết cần phải làm công việc để giải phóng cho nó về tinh thần và luân lý đã. Và như vậy chủ nghĩa quốc gia của tôi trước khi đem ra thi thố trên trường chính trị đã được bắt đầu thực hiện trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa.
Một cộng tác viên của tờ Revue du Pacifique (Tạp chí Thái Bình Dương) đã rất hiểu điều đó khi một năm trước đây ông cho công bố hai bài viết quan trọng về “Chủ nghĩa quốc gia Đông Dương”. Đây là đoạn ông đánh giá công việc tôi đang cố làm trong lĩnh vực này. (Tôi trích dẫn không phải vì lời đánh giá của ông ta có thể làm vinh dự cho tôi, mà chỉ vì đó là một thí dụ hiếm thấy của một tác giả Pháp đã bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu cuộc tiến hóa tinh thần ở xứ này):
“Trong số những người thuộc “Phái trẻ nước Nam” chỉ có một số ít đáng mặt coi là quốc gia chủ nghĩa qua một số tư tưởng nền tảng của họ: đó là phái của ông Phạm Quỳnh ở Bắc Kỳ. Ông đã dùng hết tài năng văn học và sự am hiểu ngôn ngữ của mình vào việc phát triển tư tưởng dân tộc. Ông muốn có được một thứ tiếng nước Nam hoàn thiện, được nâng cao lên, có thể vượt lên việc dùng tiếng Pháp. Ông muốn duy trì triết học truyền thống được cập nhật và thích ứng với những nhu cầu của đồng bào mình. Ông muốn cứu vớt nền văn minh nước Nam khỏi sự Âu hóa vội vàng mà ông thấy đó là tác hại vì một khi công việc đó làm hủy hoại thần thái giống nòi thì nó cũng hủy hoại luôn ngay cả tư tưởng về tổ quốc. Những tư tưởng hoàn toàn đáng nể trọng và được bảo vệ một cách rất đáng chiêm ngưỡng này, vả chăng lại không được nói ra dưới dạng một chủ nghĩa quốc gia hiếu chiến đối với nước Pháp. Ông đủ khôn ngoan để vẫn coi uy quyền nước Pháp là cần thiết. Ông chấp nhận nó, thậm chí ông còn thích nó hơn tất cả các uy quyền nào khác, nhưng ông đòi hỏi ở nó một chủ nghĩa tự do và một thái độ vô tư để nó phải tôn trọng nước Nam, cho phép nước Nam dưới sự che chở yên ổn của nó được phát triển hết mức bản sắc độc đáo của mình”.
Tôi xin lỗi đã trích dẫn hơi dài những lời tóm tắt rất chính xác điều mà tôi có thể gọi là chủ thuyết của mình. Tác giả bài viết đó ký tên bằng những chữ cái viết tắt họ tên, nếu tôi không nhầm, là một trong những quan chức nổi bật nhất của Sở Nội vụ. Về phần liên quan đến tôi, ông tỏ ra đã hoàn toàn hiểu tôi và tôi chỉ có thể biết ơn một sự sáng suốt rất hiếm có ở các nhà lãnh đạo chúng tôi, nghĩ rằng ta nên thừa nhận điều này.
Như vậy, theo chủ thuyết mà tôi đã xướng lên từ nhiều năm qua, tôi đã gắng nghiên cứu một cách hệ thống việc làm giàu và hoàn thiện tiếng nước Nam, và tôi tin mình đã có thành công nhất định trong việc đó.
Cách đây khoảng mười lăm năm tiếng nước tôi còn rất chật vật trong việc diễn đạt những tư tưởng trừu tượng. Bây giờ thì nó đã làm được việc đó dễ dàng hơn nhiều. Tôi không phải tự phụ mà tin rằng đó là sự nghiệp duy nhất của tôi; nhưng tôi đã góp một phần khá lớn vào đó và trong việc này tôi đã được hỗ trợ nhiều từ sự hiểu biết của mình về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Người ta sẽ không bao giờ nói hết được việc tiếng nước Nam hiện đại chịu ơn tiếng Pháp đã cấp cho nó sự trong sáng, sự minh bạch, sự chân xác hoàn toàn mới.
Công việc hoàn thiện ngôn ngữ này còn cần phải được tiếp tục một cách kỹ lưỡng hơn, nhưng bước đi đầu tiên đã đi rồi, và nó chứng tỏ ngôn ngữ của chúng tôi một khi được đổi mới, được làm giàu thì nó hoàn toàn có khả năng dùng làm ngôn ngữ văn hóa.
Công cụ đã sẵn sàng. Vấn đề bây giờ là phải bắt tay xây dựng một nền văn hóa dân tộc mà chúng tôi đang thiếu. Nó sẽ là kết quả của sự kết hợp hài hòa Đông Tây, giống như ngôn ngữ làm phương tiện chuyển tải cho nó.
Như tôi đã nói ở bên trên, tiếng Nam mới đã thành công trong việc vay mượn ở tiếng Pháp một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, logic. Cái nền, tức là vốn từ vựng và những cách biểu đạt chính của cú pháp thì là của tiếng Nam, nhưng hình hài thì đang chuyển theo dáng dấp Pháp rồi: dù sao đi nữa thì tiếng Pháp cũng đã bắt đầu in dấu vào tiếng Nam. Và đấy là công thức đúng.
Công thức này cũng sẽ áp dụng cho nền văn hóa dân tộc mới của nước Nam. Cái nền ở đây sẽ bắt nguồn từ chính lối tư duy Viễn Đông, là Nho, Phật, Lão; nền văn hóa đó phải được tạo nên từ các “cổ học Hán Nôm” này mà việc giảng dạy chúng phải được tổ chức sao cho nó có phương pháp. Nhưng hình hài thì phải là kiểu khoa học Tây phương trong cả nội dung lẫn phương pháp, với kỹ thuật chắc chắn, khách quan rõ ràng, chính xác hoàn hảo và những nguyên lý chặt chẽ, mà vẫn không loại trừ phần trực giác vốn có của tri thức Đông phương, một thứ tri thức vừa khoa học vừa minh triết.
Tóm lại, “áp dụng hình thức khoa học Tây phương vào nội dung tri thức Đông phương”- như một nhà phê bình xuất sắc đã nói – đó là con đường phải theo để xây dựng một nền văn hóa dân tộc của nước Nam.
Ít ra thì tôi cũng hiểu như vậy về sự nghiệp cải cách trí tuệ và luân lý mà chúng tôi phải tiến hành ngay cùng với cuộc cái cách chính trị mà tôi đã có dịp trình bày nhiều lần liên tiếp.
(1931
No comments:
Post a Comment