Wednesday, October 13, 2010

Đọc bài của KTS Hoàng Đạo Kính ... nhớ Biệt Thự Hà nội

Thân phận biệt thự Hà Nội
Biệt thự nhắc tới ở đây là villa thời Pháp thuộc



GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính

Giữa các thể loại kiến trúc, nhà ở thân phận hơn cả. Thân phận bởi trú ngụ nơi đó những kiếp người. Giữa những thể loại nhà ở, biệt thự thân phận hơn cả. Thân phận bởi những biến đổi thời cuộc va đập vào, dữ dội và sâu xa hơn cả. Giữa những biệt thự Huế, Sài Gòn, Đà Lạt và những đô thị khác, biệt thự Hà Nội thân phận hơn cả.
Mỹ miều
Ở Hà Nội, những năm 80 thế kỷ XIX, thực dân xây dựng đồn binh và trại lính tại khu nhượng địa. Nay sót lại vài ba cái - nhà gạch 2 tầng, dưới bỏ trống để tránh ẩm thấp, tầng trên gồm những gian phòng có hiên bao quanh, cốt là dể tránh nắng hắt và mưa táp. Muộn hơn, xuất hiện những villa, thoạt đầu ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Từ thập niên thứ hai thế kỷ trước, hình thành những đường phố, những ô phố, những xóm và khu biệt thự. Những năm 30 đầu 40, người ta còn tổ chức bình chọn mẫu biệt thự đẹp nhất Hà Nội. Lần cuối villa trong vườn ở góc phố Điện Biên Phủ và Lê Hồng Phong, được công nhận là đẹp nhất.
Biệt thự thường đặt trong khuôn viên chia lô, dọc các con phố có vỉa hè và những rặng cây trồng thẳng hàng và đều đặn, thuộc một chủng loại. Chúng hầu hết là những ngôi nhà gạch 2-3 tầng, to tát so với nhà ở của người bản địa thời đó, song lại khiêm nhường so với biệt thự của người mình thời nay. Tầng sát đất không cao và để trống. Lối lên đường bệ dẫn tới sảnh, phòng salon, phòng ăn, các phòng ngủ, phòng tắm và vệ sinh. Biệt thự nào cũng có mái hiên hoặc ban công. Nhiều khi có cả véranda - không gian 3 phía không có vách, mà chỉ ngăn bằng lan can hoa sắt hoặc con tiện. Lác đác bắt gặp những lan can đúc gang uốn cong hình bụng chửa - đấy là tàn dư của những lan can ban công thời trung cổ châu Âu, tiện cho những tiểu thư váy xòe đứng ngắm phố và ngóng trai. Hãn hữu bắt gặp những cái mézonine - khoảng không gian đặt nhô ra một bên nhà, có mái che và có vách kính bao. Đó là nơi sinh hoạt lưng chừng giữa nơi tiếp khách và nơi ngủ, là thành phần không thể thiếu ở các biệt thự Bắc Âu. Đà Lạt có nhiều villa với mézonine. Thời nay, do thiếu diện tích, đem bít lại. Biệt thự có mézonine như con mắt nhòm ra những sườn đồi thoai thoải, nay trở nên mù lòa.
Người Tây du nhập kiến trúc nhà gạch nhiều tầng, với những bức tường dày xây gạch chịu lực, mát về mùa hạ và ấm về mùa đông. Sàn nhà cấu tạo bằng dầm sắt và vòm cuốn gạch, trước khi xuất hiện bê tông cốt thép vào những năm 30. Cửa sổ lắp kính, bên ngoài thêm cửa chớp. Mái dốc lợp ngói Tây, họa hoằn lợp ngói đá ardoise. Mái thường được khuếch trương, cả về độ lớn và sự biến hoá. Chúng là thành phần đặc sắc của biệt thự Hà Nội. Ngôi nhà mái dốc chóp thẳng đứng lợp ngói ardoise ở giữa phố Quán Thánh, nhìn cứ tưởng như cái bóng chưa tan thời trung cổ Bắc Âu. Còn villa ở góc phố Lê Hồng Phong và Khúc Hạo, có hệ mái ngói y hệt bản hòa tấu kỳ lạ của những cái chóp có độ dốc khác nhau. Hình như trong một lần tu sửa mới đây, ai đó đã “giản tiện hóa” cái sự bị cho là rối rắm ấy. Cách nay chắc đã hai thập niên, nhiều người Hà Nội giàu nhanh cũng gắng dựng lên những cái chóp trên những biệt thự - lâu đài đồ sộ của mình. Xem ra, cái gì cũng có thời của nó. Những mái ngói vươn ra thường tì đỡ vào những hệ con sơn gỗ, trang sức duyên dáng cho những villa Hà Nội. Ở phố Nguyễn Biểu, biệt thự số 17 và 18, chắc thuộc sở hữu của người Việt, có những hệ con sơn đỡ mái nhà và mái hiên, cầu kỳ và tinh tế đến mức ta quên đi cái sự chúng đơn thuần là cấu trúc tỳ đỡ. Còn ở ngã tư Bà Triệu và Nguyễn Du, thỉnh thoảng bị úng ngập của Hà Nội cũ, có ngôi biệt thự một tầng, mái ngói rõ lớn và rõ nặng, che úp lên cái thân thấp lùn của nó. Ấy mà, những con sơn đỡ mái hiên lại diêm dúa đến thế. Nay cụ biệt thự lùn đã bị phá bỏ đến hai phần ba. Dưới mái nhà tàn phế ấy, hình như người họa sĩ không chịu già Ngọc Linh chưa nỡ bỏ đi ...
Cùng với kiến trúc biệt thự, người Tây du nhập kỹ thuật và thiết bị tiện nghi: nước máy, quạt máy, bồn tắm và vòi hoa sen, lavabo cùng vòi rubine, chậu rửa bide, xí bệt v.v.. Nhờ thế mà chu trình sống trong không gian ở khép lại. Dân ta dần dà làm chủ mô hình ăn ở tiện lợi ấy.
Trong khoảng thời gian 50 năm, kiến trúc biệt thự Hà Nội đã kịp phát triển về không gian, loại hình, số lượng, kiểu cách, sự khác biệt giàu và sang, tiến hoá theo các trào lưu quốc tế và, đặc biệt, theo chiều hướng địa phương hóa. Thoạt đầu, người Tây du nhập kiểu biệt thự có phong cách hậu cổ điển vào Sài Gòn và Hà Nội. Một giai đoạn dài hơn, họ du nhập các kiểu dáng biệt thự từ các địa phương của nước Pháp, với những biến hóa cho hợp với đất trời bản địa. Tôi gọi những kiểu cách kiến trúc biệt thự thời kỳ này là nostalgique - hoài hương, vọng quê. Từ cuối những năm 20 và nhất là từ những năm 30, kiến trúc biệt thự phát triển theo hai chiều hướng. Modernisme với việc sử dụng vật liệu bêtông cốt thép, mái bằng và sự giản tiện trang trí. Chiều hướng thứ hai, kết hợp thẩm mỹ Đông - Tây cùng sự khai thác theo chiều sâu những đặc trưng của xứ nhiệt đới nóng - ẩm, lấy đó làm điểm tựa cho một phong cách kiên trúc riêng biệt.
Cùng với thể loại biệt thự trong các khuôn viên phân lô đa phần thuộc sở hữu người Tây, ở Hà Nội sớm định hình dạng biệt thự liền kề, chủ yếu do người Việt thuộc giai tầng trung lưu sở hữu. Các phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than v.v.. đã từng xây kín bởi những căn biệt thự kiểu ấy. Nhà nghiên cứu đô thị người Pháp Christian Pédelahore de Loddis, người hiểu biết bản chất kiến trúc Hà Nội cực kỳ tinh tế, cho rằng kiểu biệt thự này là sự phát triển tiếp nối mô hình nhà ống ở khu phố cổ.
Biệt thự thời Pháp chẳng những là nét đẹp và nét sang trong quỹ kiến trúc đô thị Hà Nội, chúng còn thôi thúc người mình hôm nay sao chép và biến hóa không biết nhàm chán, làm nảy sinh chủ nghĩa hình thức, khá vô duyên trong công cuộc phát triển nền kiến trúc Việt Nam, lẽ ra phải đuổi bám thời đại. Có lẽ bởi villa thời xưa là nơi sống tiện lợi và thanh thản, đẹp nhã và đẹp bền, sang mà không phô diễn, văn hóa chính là ở sự chừng mực... Học hỏi kiến trúc villa, chính là những tinh hoa ấy.
bắt nguồn từ màu những viên sa thạch, mà người Pháp ưa ốp mặt nhà ở thành thị và thôn quê. Nay ta sơn phủ công sở và nhà ở bằng gam màu cũng vàng, song lại là vàng đậm và gắt. Thời Tây, hễ Hà Nội có dịch thương hàn là người ta cắm những lá cờ hình tam giác màu ấy.

Biến đổi
Từ năm 1954, với villa Hà Nội, thời cuộc đã đưa tới những biến đổi gốc rễ. Những biến đổi liên quan trước hết đến quyền sở hữu. Tiếp theo là về sử dụng. Cả hai đều gây hệ lụy, ngày càng sâu xa.
Những chủ sở hữu cũ hầu hết đã ra đi. Một số ít lưu lại, song đã vào những vai khác. Các biệt thự sang trọng dùng cho các cơ quan ngoại giao. Các biệt thự lớn đem dùng cho các công sở. Một số lượng khá lớn trao cho các gia đình cán bộ cao cấp, có tiêu chuẩn tương ứng cả về ở, ăn lẫn xe cộ. Dòng người từ miền ngược và thôn quê ồ ạt chuyển về thủ đô, tạo ra làn sóng di dân lần thứ nhất - bộ đội, cán bộ, nhân viên và công nhân. Họ được sắp xếp vào ở những căn nhà có diện tích dôi ra do sự “nhũn nhặn” vốn dĩ của chủ nhân - người Hà Nội gốc. Nhà vẫn thiếu, họ được phân chỗ ở, trong các ngôi biệt thự, chưa bao giờ thiết kế cho sự chung sống tập thể, cho những ai chưa từng ở nhà Tây.
Dạng di dân và cư trú tương tự ta có thể thấy ở những thành phố Nga sau năm 1917. Người Nga gọi cộc lốc là “côm-mu-nál-ca”, nhà ở chung, nơi sống chung đụng.
Villa Hà Nội trong những hoàn cảnh lịch sử, nên được nhìn nhận khách quan, khó bề tránh khỏi sự xuống cấp kỹ thuật, biến dạng kiến trúc, sa sút thẩm mỹ. May mắn hơn cả là những biệt thự do các cơ quan ngoại giao nước ngoài sử dụng. Chủ hầu hết là người Tây, họ hiểu biết và có điều kiện duy trì, do đó biệt thự chẳng những không tàn phai, mà lại còn ngời sáng.
Những tòa biệt thự biến thành công sở biến dạng và xuống cấp do chúng chưa hề được thiết kế làm nơi ra vào của đám đông, do bị thờ ơ bởi cái lẽ chúng chẳng phải là của riêng ai. Dạo chiến tranh, cơ quan sơ tán, các hộ nhân viên đổ bộ nhẹ nhàng vào, biến biệt thự công sở thành nơi ở hơn là nơi làm việc, với tất cả những hệ luỵ dai dẳng. Ở tạm mà hóa ra ở lỳ.
Biệt thự dành cho gia đình cán bộ cao cấp có số phận chẳng may mắn hơn là bao. Một thời gian dài, tuy là cao cấp, song họ vẫn nghèo. Con cái lấy vợ gả chồng, mỗi đôi một buồng. Thiếu chỗ, cơi nới và xây quanh hàng rào. Sau này, nhà nước thanh lý theo giá “tượng trưng”, con cháu đem bán nhà mà thực ra là bán đất.
Thân phận hơn cả là những biệt thự bị biến thành nhà tập thể, mỗi gia đình một buồng, buồng tắm cho hộ ít người. Mọi tiện nghi cũ dẹp đi. Trong sân xuất hiện nhà vệ sinh công cộng, bể nước công cộng, nhà tắm công cộng, chuồng lợn, chuồng gà... Nhu cầu sử dụng gia tăng, ai ở tầng một thì bành trướng ra sân, ai ở tầng trên thì bành trướng lên trời. Hết chỗ, thì làm nhà tạm bợ dọc hàng rào. Biệt thự bị xâm thực từ trong ra, từ ngoài vào và từ trên xuống. Chúng trở thành tổ người, biến dạng đến nỗi, ai muốn phục dựng hình hài cũ, phải dụng đến công cụ mổ xẻ kết hợp với tài phán đoán của nhà khảo cổ học.
... Trong xóm Hạ Hồi, nguyên là xóm biệt thự êm đềm, hiện hữu một cái nhà nguyên là biệt thự. Nguyên, bởi nó đã bị nuốt chửng bởi những sáng tạo kiến trúc, phát sinh từ những sự bất đắc dĩ kéo dài hàng chục năm ròng, với vô số những cuộc thập tự chinh, những va chạm và những cuộc họp hòa giải. Trong gian phòng rộng chừng 20m2, ông kỹ sư và bà bác sĩ tuổi quá 70 vẫn ôm ấp những kỷ niệm một đời người. Ông bà ôm hôn nhau lần đầu ở đây, làm lễ thành hôn, trở thành cha mẹ, rồi ông bà nội ngoại cũng ở đây. Tổ ấm - một phòng của họ đầy ắp những vật dụng, chẳng nỡ vứt, toàn là những kỷ niệm một đời con kiến tha lâu đầy tổ. Ngay ở căn phòng phía sau, ngăn cách bởi cửa kính và những cái tủ kê cho khuất mắt, tá túc một gia đình ba thế hệ, già nua và trưởng thành cả rồi, mà chẳng ai ăn nên làm ra. Sự cáu gắt và to tiếng là lẽ bình thường. Chỉ khổ hàng xóm, họ quên đứt đi cái việc điều tiết volume. Trên gác, trong căn phòng nguyên là vệ sinh, nguyên là chỗ ở của một họa sĩ có danh, những bức tranh dở dang và những pho tượng thạch cao chồng chất, đã lâu chưa thấy ai đoái hoài. Trên cái véranda, lợp tôn và bao che bởi tường gạch không trát, vài chục năm nay cư ngụ ông nhạc công kèn đồng. Sáng sáng, ông dóng vào không trung trích đoạn ouvertures của Richard Wagner. Ông nói, cho nó oai phong lẫm liệt... Trong sân, hai dãy nhà tạm bợ tuổi đã 30, ẩm ướt và tăm tối, bà bánh cuốn, ông cháo lòng tiết canh cùng mấy bác từ mãi đâu đâu, chui rúc. Trên tầng hai, trong hai căn buồng nhỏ, vẫn còn đấy con cháu những người chủ cũ. Ai đến chơi, là một dịp họ nhắc về cái sự sở hữu một thời. Và thở dài…
Không nơi nào nhiều biệt thự đẹp, quý và thân phận như Hà Nội của tôi. Trong mắt người này biệt thự Hà Nội là di sản quý hiếm. Trong mắt người kia biệt thự Hà Nội là ứ tồn đô thị. Ai đó lại nhìn thấu giá trị mảnh đất, nơi chúng tọa lạc. Còn những người Hà Nội cũ, chậm chạp và nhũn nhặn, thì biệt thự đã là hoài niệm.
Theo Người Đô Thị số 82

No comments:

Post a Comment