Thursday, November 28, 2013

Tản văn của Marcel Proust

MARCEL PROUST

(1871-1922)

 

"Tuileries" là bài đầu tiên trong số 30 đoản văn (cũng có thể gọi là "thơ văn xuôi") mang tựa đề chung "Những giấc mơ màu thời gian" (Rêveries couleur du temps) để dưới một tựa đề chung khác là "Những luyến tiếc" (Les regrets) trongLes Plaisirs et les Jours (Thú vui và Ngày tháng), tuyển tập đầu tay của Proust được ấn hành. Nhà thơ Hoàng Ngọc Biên — dịch giả Proust đầu tiên của Việt Nam — đã chuyển ngữ được nhiều bài trong tuyển tập này.
 
Như tựa đề Đi tìm thời gian đã mất, nói chung, và "Những giấc mơ mang màu thời gian" nói riêng, cho thấy, thời gian đã là nỗi ám ảnh trọn đời của Proust. Khác với loài vật, con người luôn luôn ý thức về hiện tại, quá khứ và tương lai, nghĩa là ý thức về thời gian. Bởi vì thời gian ảnh hưởng tới con người và tạo vật. Qua lăng kính của thời gian mọi hình ảnh sẽ khác hẳn. Thời gian thay đổi và tiêu diệt tất cả, tình yêu, hạnh phúc, vân vân, thậm chí nó cũng có thể huỷ diệt luôn cả những kỷ niệm và ký ức, và cách duy nhất để tồn tại, theo Proust, là đi tìm thời gian đã mất — không phải với "trí nhớ tự ý" xuất phát từ lý trí và sự hồi tưởng máy móc (mémoire volontaire) chỉ có thể mang về cho ta những mẩu quá khứ chết khô, nhạt nhẽo, mà phải bằng "trí nhớ không chủ ý" do cảm xúc và mùi vị (mémoire involontaire) có thể làm sống lại quá khứ tinh khôi và trọn vẹn, mà Proust đã kể ra hai thí dụ (chiếc bánh madeleine nhúng vào tách nước trà trong một ngày mùa đông ở Paris và bước chân khập khễnh của người kể chuyện trên những lát đá không đồng đều nhau trong sân nhà Guermantes) đã hồi sinh toà "lâu đài mênh mông của kỷ niệm" — dùng trí nhớ không chủ ý mà đi tìm thời gian đã mất, để sống lại trọn cuộc đời mình một lần thứ hai trong một tác phẩm văn chương, và tồn tại, nếu không vĩnh viễn thì cũng có thể lâu dài hơn, cho tới khi chính nó cũng bị thời gian tàn phá.
 
Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

VƯỜN TUILERIES [**]

 

Sáng nay trong vườn Tuileries mặt trời tuần tự thiếp ngủ trên các bậc thang đá như một gã thiếu niên tóc vàng mà một chiếc bóng lướt qua làm gián đoạn tức khắc giấc ngủ nhẹ nhàng. Các chồi xanh đối nghịch toà dinh thự cổ. Hơi thở của gió ngất ngây pha trộn hương hoa đinh[***] với mùi của quá khứ. Các pho tượng nơi công trường thường khiến cho mọi người khiếp sợ như khi gặp một mụ điên, ở đây đang mơ mơ màng màng trong những khóm cây như những nhà hiền triết dưới vòm lá xanh ngời che chở màu trắng của chúng. Các bể nước có trời xanh nằm nghỉ dưới đáy long lanh như những ánh mắt. Từ trên sân thượng cạnh bờ nước người ta có thể nhìn thấy, từ cái xóm cũ trên bến Orsay bên kia bờ, một người lính kỵ binh như từ một thế kỷ khác bước ra. Dây leo tràn ra ngoài các chậu phong lữ.[***] Say nắng, hoa hướng nhật[***] tự thiêu đốt mùi hương. Trước điện Louvres các nhánh tường vi thoai thoải phóng mình lâng lâng tựa những cột buồm quý phái và duyên dáng ửng hồng đôi má thiếu nữ. Óng ả và si tình các vòi nước túa nước lên không trung. Ở cuối sân thượng, một chàng kỵ mã bằng đá dong dỏng cao phi ngựa tại chỗ, cặp môi dán chặt vào chiếc kèn nhạc vui, thể hiện nhiệt tình của Mùa Xuân. Nhưng bầu trời bỗng tối sầm, trời sắp mưa. Các hồ nước, không còn óng ánh màu xanh của trời, trông chẳng khác gì những cặp mắt trống vắng cái nhìn hay những chiếc bình đầy nước mắt. Cái vòi nước phi lý, bị gió quất mạnh, càng lúc càng nhanh tung lên trời tiếng hát bỗng như giễu cợt. Sự êm dịu vô ích của hoa đinh là một nỗi buồn man mác. Và ở đằng kia, đôi chân bằng đá cẩm thạch kích thích bởi sự chuyển động tĩnh và cuồng trong cuộc phi nước đại tại chỗ đến chóng mặt, chàng kỵ mã vô ý thức vút mãi tiếng kèn không thôi trên nền trời đen tối.

 

------------
Nguồn: Marcel Proust, Les Plaisirs et les Jours (Paris: Gallimard, 1993).

 

_________________________

Ghi chú của người dịch:

[*]Trong nước mới đây có thêm một bản dịch Proust với tựa đề Đi tìm thời gian đã mất, chưa rõ của dịch giả nào. Nếu người dịch chuyển ngữ được hết trọn bộ bảy cuốn thì hay lắm, vì mỗi cuốn dày cộm mang tựa đề riêng dưới cái tên chung Đi tìm thời gian đã mất. Hy vọng bản dịch ấy có được sự trung thực khá cao, không cắt tỉa văn bản tuỳ nghi và cắt khúc quá nhiều các câu văn dài của Proust, thể hiện sự liên tục của lối kể chuyện gần như độc thoại nội tâm và dòng thời gian cuồn cuộn.

[*]Vườn Tuileries (Le jardin des Tuileries gọi tắt "Les Tuileries") là một công viên lớn ở ngay trung tâm Paris, bên bờ sông Seine (hữu ngạn), khởi xây theo lệnh (1553) của hoàng hậu Catherine de Médicis vợ vua Henri II, tại vị trí một lò ngói cũ (les tuileries) ở thế kỷ 16 và được tiếp tục mở mang hoàn chỉnh thêm ở các thế kỷ tiếp nối. Cổng sau của công viên ăn thông qua vườn Carousel, nhỏ hơn, và điện Louvres. Cổng trước mở ra quảng trường Concorde và đại lộ Champs Élysées thẳng tắp tới Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) do Nã Phá Luân ra lệnh (1806) xây cất để ghi chiến công hiển hách sau trận Austerlitz, đại thắng hai đồng minh Áo-Nga, bị gián đoạn dưới thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ (Restauration), và chỉ được hoàn tất (1833-36) dưới triều vua Louis Philippe; về sau có đặt thêm mồ chiến sĩ vô danh. Catherine de Médicis (1519-1589) thuộc dòng họ Médicis giàu có và danh tiếng ở Florence (Ý) đã bảo trợ các nhà danh họa Michelangelo, Botticelli... Catherine de Médicis đã văn minh hoá nước Pháp với kiến trúc Ý và thức ăn Ý, trong đó có món kem đã được người Pháp nhập khẩu vào Việt Nam trong thời thuộc địa.

[***]Lilas: hoa đinh. Géranium: hoa phong lữ. Héliotrope: hoa hướng nhật.

 


No comments:

Post a Comment