Wednesday, November 7, 2012

Nguyễn Tuân viết về Bùi Xuân Phái


PHỐ PHÁI

Ở một quán nước ven thành Hà Nội mà một chén nước trắng một xu nay trả giá một đồng, chuyện giữa mấy người uống suông đã thấy bốc dần. Từ những linh tinh hạ tầng, họ dồn nhau tới thượng tầng: “Thế nào thì mới được làm người Hà Nội - Thế nào là cái giọng Hà Nội - Tại sao nhiều thủ đô có văn hóa trên thế giới, kể cả ta nữa, lại lấy giọng của một thủ đô để làm chuẩn cho phát âm cả nước. Tại sao, thế nào, vân vân”. Máy miệng, muốn vui góp ngay một vài câu, nhưng tôi đã hoàn lại bà quán cái chén tống khô mùi men mong được trở về ngay với tờ giấy trắng cố hữu của mình.
Vâng, thưa anh, họa sĩ Bùi Xuân Phái đúng là một người Hà Nội “ngàn năm văn hiến” của chúng ta. Và, mặc dầu không ở Hội âm nhạc (không ở Hội sân khấu, không ở Hội nhà văn) Bùi Xuân Phái có cái giọng đầy âm sắc của Hà Nội. Màu sắc khối hình, trong cái tương phản và hài hòa của cấu trúc bức tranh, nhiều khi cứ lẳng lặng mà “nói lên” át cả giọng nhạc giọng thơ, có phải thế không khi nói chung về hội họa?
Riêng Bùi Xuân Phái, chưa mấy ai nghe anh tuyên ngôn này tuyên ngôn nọ về trường phái gì gì, mà chỉ thấy anh vẽ và vẽ. Vẽ ở toan (toile) căng khung to, vẽ trên giấy cỡ nhỏ hơn bìa tiểu thuyết, vẽ trên giấy bìa hộp mứt bỏ đi, có bạn tỏ vẻ am tường tiếng Pháp, còn gọi là minipeinture, vẽ cả trên những miếng giấy cứng nhỉnh hơn bao diêm. Sơn dầu, thuốc nước, bột màu, đủ cả. Anh vẽ như con người ta phải hít thở, như người ta phải uống nước đun sôi nước nguội men nồng. Sổ tay của Bùi Xuân Phái ghi và ghi những nét của vật, của việc của người lúc động lúc sững lại. Cái miệng cái cổ cái cánh tay bàn tay ai đó đang phát ngôn giữa một buổi họp. Cái dáng một cô áo đỏ một bà áo xanh đang dấn thân vào tim một ngã tư ầm ầm xe máy xe đạp. Nhất định những sổ tay tùy thân này đã giúp cho họa sĩ minh họa cho các tuần báo cần đến ảnh chụp nhưng lại còn cần đến vẽ để khắc gỗ hoặc vào bản kẽm. Tôi tin rằng nhà văn lúc non tay diễn tả, có lúc tưởng như mình tuột hết vốn chữ rồi, thì nên tìm mà xem những sổ tay ghi chép bằng nét vẽ của các họa sĩ sẽ gợi nhiều cho mình và hồi sinh cho mình nhiều chữ tưởng rơi rụng rồi.
Bùi Xuân Phái vẽ rừng vẽ núi, vẽ sông vẽ biển, bãi cát, đường rừng, đường làng, hậu trường sân khấu chèo, nhưng nhiều nhất vẫn là phố. Phố thủ đô, góc phố Hà Nội, Hà Nội nội thành. Chả thế mà người quen - cả những bạn mới quen - đều gọi anh là Bùi Xuân Phố. Người thưởng thức hội họa hay nhắc luôn đến phố Phái cũng như thường nói đến đĩa Sáng (Nguyễn Sáng thi công sơn mài ở mặt bằng tranh, ở mặt trũng lòng đĩa).
Tôi quen Bùi Xuân Phái từ hồi còn làm báo, các thứ báo. Cách mạng tháng Tám thành công giành chính quyền, tờ “Văn hóa” ra khổ to bằng cả cái chiếu đông người nằm, có tranh Bùi Xuân Phái. Hà Nội bị chiếm đóng, Phái vẽ phố - phố Hàng Thiếc, lòng phố nghênh ngang một cam-nhông nhà binh Pháp đi bắt lính, bạt che kín bưng. Tranh đề niên hiệu 1952 Hà Nội, tên kí của họa sĩ còn dài dòng cả tên cả họ cả chữ đệm (nay, họa sĩ đã giản dị hóa chữ kí thu gọn nét, ý chừng là muốn dành chỗ cho khối và nét vẽ và chỉ kí gọn thon lỏn Phái). Và Phái càng vẽ phố. Phái ta ít vẽ phố mới có những “mái buồn nghe sấu rụng” (thơ Chính Hữu). Cũng như mọi người vẽ phong cảnh, ngoài chuyện vẽ phố, Phái cũng vẽ bờ cát sông, bãi cát biển, đường làng, đường rừng. Vẽ chân dung, vẽ hoa Tết, vẽ con Ngựa nếu âm lịch là năm Ngọ và con Dê năm Mùi, vân vân. Vẽ chèo, có nữ phường chèo, những bộ áo dài màu tươi dân tộc của chèo, và cả cái hậu trường y phục chèo; nhưng ngắm cho cùng, thì cả cái gian áo hậu trường chèo ấy cũng chỉ là một ngóc ngách để ra trò, những con hẻm những lối ngõ. Gì thì gì, Phái vẫn trở về với phố của mình. Cho đến trưởng nam của họa sĩ Phái cũng vẽ phố Hà Nội (một số tranh vẽ thấy dễ thương) cho đến nỗi có nhà báo đã đùa : “Chả biết bức nào là của bố, chẳng rõ tranh nào là của con”. Thế là tranh gia truyền à. Bút pháp gia pháp ấy là nghề nhà à ! (Nhà hiểu theo nghĩa vẽ, hiểu theo cả nghĩa kiến thiết thủ đô Hà Nội).
Tranh Bùi Xuân Phái cho ta thấy mặt nhà, phố cũ và những mái những góc phố cũ, những đầu hồi, những cái dấu, những cửa lùa, những mái chồng diêm. Nhưng theo lời một số bậc già Hà Nội kể lại cho văn sinh này, thì thấu qua mặt tiền phố Phái, ta hình dung ra biết bao cái bên trong của lòng nhà Hà Nội xưa. Cứ hiển hiện ra sân trong có giếng thơi, những tấm cửa bức bàn, cái gác lửng, những tấm cửa đảng, và lan can gác tẩu mã của những ngôi nhà ăn thông từ phố mặt nhà trước ra tới cổng hậu ở phố nhà sau. Chao ôi, phố cũ Hà Nội - nó là như vậy (Các bốt-tan bưu thiếp kiểu Dieu le Fils thời toàn quyền thống sứ đã chụp lại nhưng nó cũng không phải là như vậy !).
Nhớ về Hà Nội xưa từ thuở còn mang danh là Thăng Long, ta đều cùng biết với nhau rằng Hà Nội có phường có phố từ các nhà Lý Trần và từ nhà Trần, đã “Hà Nội 36 phố phường”! Vào cái thuở ban đầu ấy của một cố đô; nhà cửa Kinh kì chỉ có đất trát, đất nung (gạch). Loại tường kiên cố và nhà kẻ sang, thì vôi vữa có thêm giấy bổi giấy moi (giấy bản dành cho sách vở ) muối mỏ muối biển, và mật mía. Đến Tây sang mới thòi ra cái anh xi măng. Có lẽ trong những nếp thành cũ kiểu Vô-băng (Vauban ) của cái ông “vua cõng rắn cắn gà nhà “Gia Long đó, đã có pha xi măng Phú Lãng Sa rồi.
“Thế những ngôi nhà những mảng nhà những phố Bùi Xuân Phái vẽ kia, đã có pha xi măng chưa?” Một ông uống cà phê cả buổi sớm cả buổi chiều đã độp luôn một ông cùng uống. Tường quán cà phê loáng thoáng vài tấm sơn dầu phố Phái. Phải nói rằng Bùi Xuân Phái là một họa sĩ bình dân, tranh của Phái có mặt cả ở những gian lộng gió xóm nghèo.
Một vài người bạn trí thức mình ở các đô ngoài về ăn Tết Tổ quốc thấy các quán giải khát cà phê đều đây đó treo tranh thật (dĩ nhiên là có cả phố Phái) đều gật gù: “Hữu ngạn sông Hồng (ý nói Hà Nội) kém gì tả ngạn sông Xen (ý nói Pari)”. Một vài khách tỏ ý thích tranh Bùi Xuân Phái nhưng có vẻ kêu là nhiều mái nhà hay góc phố không được giống với thực địa ở phố. Cũng lại trong số bạn hàng quen của quán, có người cả tiếng bênh họa sĩ: “Có thể có một số chi tiết không giống. Nhưng đây là người ta vẽ. Vẽ khác hoàn toàn chụp ảnh. Sáng tạo hội họa không có nghĩa là chụp ảnh, chộp ảnh kiểu phó nhòm tầm thường”.

Rồi chuyện cà phê tranh ảnh kéo sang chuyện như phố mới khu mới của Hà Nội mở mang thêm từ đây. Đúng, - có người lên giọng - xây dựng Hà Nội mới, không ai lại đi rập theo nhà cũ phố cũ (Tây thuộc địa ngày xưa gọi là quartier indigène -khu vực người bản địa, chật chội và thiếu đủ mọi thứ tiện nghi). Nhưng nên nhớ rằng sau thế chiến Hai, một số thành phố và thủ đô bị san bằng, nay xây dựng lại như cũ, từng phố từng nhà cất đúng lại như cũ. Mặt ngoài như cũ, và bên trong thì thiết bị và tiện nghi rất chi là hiện đại.
ở ta, không có vấn đề tái thiết như thế. Nhưng phải bảo quản lấy một số góc phố cũ, một số nhà cũ nhất là ở thủ đô Hà Nội. Ví dụ, nên cắm những tấm biển “cả khu ngõ Phất Lộc này đã được Bảo tồn Bảo tàng xếp hạng”. Kiến thiết Hà Nội, mở mang phố mới khu mới với nguyên liệu mới và kiểu nhà theo lối kiến trúc tân kì. Nhưng còn giữ được hình dáng khối góc của phố cũ nhà cũ, cái mảng mới của Tân Hà Nội càng được thêm kích thước không gian thời gian.
Tranh Bùi Xuân Phái nhất là phố cũ Hà Nội có một giai đoạn dùng những màu ấm nóng, nâu đậm nâu nhạt. Màu gạch tường kinh niên, màu ngói già, trăm năm mưa nắng. Gần đây tranh Bùi Xuân Phái, màu nhẹ nhõm. Nó chắc nịch cái màu đá, xanh xanh cái màu cựu thạch khí, lờn lợt cái màu tân thạch khí và thanh thoát cũng vô cùng. Phải chăng nét bút xuống tay càng già thì màu càng bay lên.
Thủ đô chưa có những tập san có tranh, phụ bản, bài khảo cứu về Hà Nội xưa (trước đây có tập kỷ yếu Amis du Vieux Huế ).Thưởng thức tranh phố Phái, người Hà Nội - Hà Nội hiểu theo nghĩa thủ đô toàn quốc tái thống nhất - người ở trong nước cũng như lênh đênh bốn biển, đều thèm những tập san về Hà Nội cả xưa cả giờ, kèm nhiều phiên bản tranh phố Phái.
NGUYỄN TUÂN

No comments:

Post a Comment