Saturday, October 30, 2010

Một trăm cảnh núi Phú Sĩ

Dazai Osamu
Chuyển ngữ: Hoàng Long

Lời người dịch: Truyện ngắn sau đây được dịch từ nguyên tác “Phú Nhạc bách cảnh”富嶽百景, in trong tuyển tập truyện ngắn, khổ bỏ túi “Chạy đi Melosu” 走れメロスcủa Dazai Osamu, do Nxb Kadoawa 角川in lần đầu vào năm Chiêu Hòa (Showa) thứ 45, tái bản vào năm Bình Thành (Heisei) thứ 20.
Dazai Osamu 太宰 治 (1909-1948) nổi tiếng ngang hàng với Ibuse Matsuji 井伏まつじ(1898-1993), sống một cuộc đời bi đát từng thi rớt, bỏ học, ly dị vợ, nghiện thuốc an thần, nhập viện điều trị, nghiện rượu…và đến năm 1948 tự sát thành công cùng với nhân tình ở hồ nước ngọt Tamagawa sau bốn lần tự sát không thành trước đó. Tác phẩm phần nhiều mang tính tự thuật, châm biếm mỉa mai. Tiêu biểu có “Vãn niên”晩年, “Tà dương”斜陽 và “Nhân gian thất cách”人間失格…

Osamu_Dazai
Dazai Osamu ở Mitaka, ngoại ô Tokyo, Nhật bản (hình chụp năm 1944)


Độ nghiêng của núi Phú Sĩ trong tranh của Hiroshige[1] hội tụ trong một góc 85 độ, trong tranh của Buncho[2] thì khoảng 84 độ, nhưng nếu như làm một mặt cắt đứng như trong bản đồ địa hình của quân đội thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng độ nghiêng của sườn đông và tây là 124 độ, độ nghiêng sườn nam bắc là 117 độ. Và không chỉ trong tranh của Hiroshige và Buncho, những họa gia vẽ núi Phú Sĩ tài ba nhất, mà người ta thường hay miêu tả đỉnh núi như một góc nhọn cao ngất, thanh tú lẻ loi. Một vài tác phẩm vẽ núi Phú Sĩ của Hokusai[3] còn có thể so sánh với tháp Eiffel, với chiều cao dựng đứng gần 30 độ. Nhưng núi Phú Sĩ thực sự rõ ràng là một góc tù, với độ nghiêng dài thoai thoải. Và người ta đã vẽ phóng đại độ dốc lên bất chấp sự thực là núi Phú Sĩ có độ nghiêng đông tây là 124 độ và độ nghiêng nam bắc là 117 độ. Nếu giả sử tôi sống ở Ấn độ, và thình lình bị một con đại bàng quắp đi rồi thả xuống bãi biển Numazu Nhật Bản, liệu tôi có bị ấn tượng mạnh về quang cảnh ngọn núi này đến như thế hay không? “Núi Phú Sĩ” là “tuyệt vời” đối với người ngoại quốc có lẽ vì họ đã nghe quá nhiều về nó và hằng khao khát được trông thấy tận mắt ngọn núi kia. Nhưng đối với một người chưa bao giờ biết đến danh tiếng của nó, núi Phú Sĩ sẽ được nhìn nhận như thế nào? Có lẽ, đập vào mắt người ấy chỉ là một nỗi cảm động như khi nhìn nhưng ngọn núi khác vậy thôi. Và thấp nữa. So với chiều rộng nền đáy thì chiều cao như vậy là khá thấp. Bất kỳ ngọn núi nào có nền đáy và kích cỡ như thế đáng lẽ phải cao hơn gấp rưỡi núi Phú Sĩ chứ.
Chỉ có một lần duy nhất mà tôi nhận thấy núi Phú Sĩ thật cao là khi nhìn từ ngọn đèo Jukkoku (Thập Quốc). Thật tuyệt. Bởi vì trời nhiều mây nên tôi không thấy ngay đỉnh núi. Nhưng từ sườn núi giăng mây tôi đưa mắt lần tìm dần lên nơi đáng lẽ tôi cho rằng đó là đỉnh núi và tôi đã nhầm. Đỉnh núi xanh nhạt hiện ra lờ mờ cao gấp đôi so với những gì tôi tưởng tượng. Cảm thấy buồn cười hơn là kinh ngạc và tôi phá ra cười. Khi đối diện với thực tại tuyệt đối lần đầu tiên, ta thường bật cười ngớ ngẩn. Bạn như một con ốc vít được tháo lỏng ra. Nói theo cách khôi hài, là như thể bạn tháo dây thắt lưng ra để chuẩn bị bật cười lên ha hả. Này các bạn trẻ, nếu có lần người con gái bạn yêu rũ ra cười khi thấy bạn thì bạn nên vui mừng mới phải. Bạn không phải quở trách nàng làm gì. Bởi nàng đơn thuần chỉ bị ngập tràn trong thực tại tuyệt đối nàng cảm thấy nơi bạn mà thôi.
Núi Phú Sĩ nhìn từ cửa kính căn phòng chung cư ở Tokyo là một cảnh tượng bi thương. Vào mùa đông, núi Phú Sĩ hiện ra khá rõ ràng và tách biệt. Một hình tam giác nhỏ màu trắng chọc thẳng lên nền trời. Đó là núi Phú Sĩ. Chỉ thế thôi. Như một chiếc kẹo Giáng Sinh vậy. Hơn nữa nó đang nghiêng về bên trái một cách thảm não như một con tàu chiến bắt đầu chìm xuống biển từ phần đuôi tàu. Đó là vào một mùa đông ba năm trước đây khi có một người nào đó lén đến gặp tôi để thú nhận một sự thực kinh hoàng. Tôi thấy đời mình như chấm dứt. Đêm đó ngồi một mình trong phòng, tôi nốc sake. Tôi đã uống thâu đêm, không hề chợp mắt một chút nào cả. Đến bình minh, khi tôi đi rửa mặt cho tỉnh táo thì qua tấm lướt mắt cáo nơi cửa sổ phòng vệ sinh, tôi đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Nhỏ bé, trắng tinh khiết và hơi nghiêng về bên trái. Đó là quang cảnh núi Phú Sĩ mà tôi không bao giờ quên. Nơi con đường nhựa dưới cửa sổ chung cư, có một người bán cá đang đạp xe đạp và lẩm bẩm “Trời, núi Phú Sĩ sáng nay nhìn rõ quá nhưng mẹ kiếp lạnh ơi là lạnh…”. Còn tôi cứ đứng trong căn phòng nhỏ, dán mắt ra ngoài cửa sổ mà nghẹn ngào tuyệt vọng. Đó là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ muốn lặp lại lần thứ hai.
Vào đầu mùa thu năm 1938, với quyết định suy ngẫm về cuộc đời mình, tôi vác một túi hành lý trên vai là làm một chuyến du ngoạn.
Koshuu. Tôi nhận ra rằng những ngọn núi ở đây có vẻ dịu dàng thoai thoải với vẻ nhô lên lặn xuống rất khác thường. Kojima Usui trong quyển “Phong cảnh Nhật Bản” có lần đã viết “những ngọn núi đó có vẻ bướng bỉnh và khó tính những những tay phù thủy vậy”. Đúng là những ngọn núi đó có vẻ gì quái dị đồng bóng. Tôi đón một chuyến xe buýt ở thành phố Kofu và sau một hành trình “vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”, chừng 1 tiếng đồng hồ, tôi đã đến được đèo Misaka.
Đèo Misaka nằm ở độ cao một ngàn ba trăm mét so với mặt nước biển. Trên đỉnh đèo có một quán trà nhỏ tên là Tenka. Tầng hai của quán này là nơi thầy tôi Ibuse Matsuji[4] đến ẩn dật để viết lách từ đầu mùa hè. Tôi đến với niềm hy vọng được gặp thầy. Để không làm gián đoạn công việc sáng tác của ân sư, tôi dự định cũng thuê một căn phòng ở trà quán và ngao du một vòng quanh những ngọn núi ở đây.
Ân sư Ibuse sáng tác rất chăm chỉ. Được sự cho phép của thầy, tôi bình tâm ở lại và mỗi ngày dù muốn hay không, tôi đều phải đối diện núi Phú Sĩ trước mặt mình. Con đèo này nằm ở một vị trí chiến lược trên đường đến Kamakura, nối liền Kofu với đường cao tốc Tokaido và nơi sườn phía bắc từ xa xưa đã được xem là một trong ba điểm tuyệt vời nhất để ngắm núi Phú Sĩ. Đã không cảm thấy thích thú với cảnh sắc đó thì thôi, tôi lại còn cảm thấy khinh bỉ nữa chứ. Bởi nó quá hoàn hảo. Núi Phú Sĩ ngay trước mặt, nằm dưới chân là mặt hồ Kawaguchi lạnh giá trải rộng, vậy xung quanh là những ngọn núi khác nhấp nhô. Mới nhìn thoáng qua, tôi đã hoảng loạn đỏ bừng mặt mũi. Nó như một bức tranh tường trong nhà tắm công cộng vậy. Đúng là một cảnh nền sân khấu. Chính xác thì nó được sắp như thể người ta đặt một món hàng khiến ta nhìn mà cảm thấy xấu hổ.
Một buổi trưa nóng vào khoảng hai ba ngày sau khi tôi đến, ân sư Isbuse tạm gác công việc qua một bên và cùng tôi leo lên đỉnh Mitsutoge, nằm ở độ cao một ngàn bảy trăm mét so với mực nước biển. Đỉnh này cao hơn đỉnh đèo Misaka một chút. Mất chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi lên tới đỉnh sau khi vượt qua một con đường mòn, nếu có thể nói như vậy. Đưa tay vén những bụi dây leo và dây thường xuân, dáng vẻ tôi gần như bò lên đỉnh núi trông chẳng đẹp mắt gì cho lắm. Tiên sinh Ibuse mặc một bộ quần áo leo núi rất hợp thời và điệu bộ rất nhàn nhã ung dung. Còn tôi không có được trang phục như thế. Chỉ mặc bộ dotera – một dạng áo kimono độn bông được cắt may vuông vắn mà trà quán đã chuẩn bị cho tôi. Nó ngắn chỉ ngang đầu gối và vì thế mà tôi phải bày ra hai cẳng chân bờm xờm lông lá. Tôi cũng mang đôi vớ tabi dày có đế bằng cao su mà người đàn ông già ở trà quán đã cho mượn. Trông điệu bộ của tôi thật tàn tạ và tôi biết rõ điều đó. Tôi chỉnh trang lại quần áo của mình, siết lại cái áo dotera chặt bằng một cái khăn lớn, đội lên đầu một cái mũ rơm treo trên tường căn phòng trọ. Nhưng điều đó càng làm tôi trở nên trông quái dị. Tôi sẽ không quên tiên sinh Ibuse, người chẳng bao giờ khinh miệt vẻ bề ngoài của người khác, lúc đó nhìn tôi với vẻ thông cảm và lẩm bẩm một mình để cốt cho tôi nghe thấy “đàn ông không nên quan trọng quá vẻ bề ngoài của mình làm gì”.
Cuối cùng chúng tôi cũng leo lên tới đỉnh nhưng ngay khi đó một đám sương mù dày đặc buông xuống và cho dù đứng nơi đài quan sát nhưng chúng tôi cũng chẳng thể nào nhìn thấy toàn cảnh. Chẳng nhìn thấy gì hết. Trong làn sương dày, Tiên sinh Ibuse ngồi xuống mỏm đá, vừa thong thả hút thuốc vừa đánh rắm. Trông tiên sinh có vẻ chán nản. Trên chỗ đài quan sát này, có ba quán trà nhỏ. Chúng tôi chọn một quán giản dị chỉ có hai ông bà già phục vụ và ngồi nhâm nhi một tách trà nóng. Bà già có vẻ ái ngại cho chúng tôi, nói rằng trận sương mù này chỉ là không may thôi, chỉ một lát nữa sương mù tan và chúng tôi có thể nhìn thấy ngay núi Phú Sĩ trước mặt. Rồi bà mang ra một bức hình chụp núi Phú Sĩ từ trong góc quán. Đứng ngay đầu mỏm đá, bà dùng cả hai tay giơ cao bức hình và ra sức giải thích cho chúng tôi là sẽ thấy núi Phú Sĩ gần như thế đó, với hình dáng như vậy, lớn và rõ ràng như thế kia…Chúng tôi vừa nhấp ngụm trà thô, vừa ngắm tấm hình núi Phú Sĩ và phá ra cười. Thực sự là rất đẹp. Và chúng tôi không còn cảm thấy tiếc vì làn sương mù nữa.
Khoảng vài ngày sau, ân sư Ibuse rời khỏi đỉnh Misaka, và tôi cũng theo thầy đến Kofu. Ở Kofu tôi được thầy Ibuse dẫn đến nhà một cô gái trẻ để làm lễ xem mắt. Thầy vẫn mặc bộ đồ leo núi. Còn tôi vẫn mặc bộ đồ mùa hạ với chiếc khăn làm dây thắt lưng. Vườn nhà cô gái trồng rất nhiều hoa hồng. Mẹ cô gái ra đón chúng tôi, mời vào phòng khách. Chào hỏi xong xuôi, cô con gái bước ra nhưng tôi không thấy được mặt nàng. Tiên sinh Ibuse và mẹ nàng đang nói chuyện trăng gió mây trời thì bỗng nhiên tiên sinh nhìn lên bức tường phía sau lưng tôi và lẩm bẩm “A, núi Phú Sĩ à?”. Tôi cũng quay mình lại và ngước nhìn lên. Đó là tấm hình chụp miệng núi Phú Sĩ từ trên cao nhìn xuống, thấy cả đường viền miệng núi. Trông thật giống như một đóa thủy liên vậy. Sau khi chiêm ngưỡng tấm hình, tôi từ từ quay người lại và bất chợt thấy được gương mặt nàng. Tôi quyết định luôn. Dù có phần nào khó khăn nhưng dù sao tôi cũng muốn cưới nàng. Thật là cám ơn núi Phú Sĩ quá.
Ân sư Ibuse trở về Tokyo ngày hôm đó, còn tôi quay lại đèo Misaka. Trong suốt tháng chín, tháng mười và đến ngày mười lăm tháng mười một, nơi tầng hai của trà quán Tenka, tôi tiến hành công việc viết lách từng chút một và đều đặn ngắm núi Phú Sĩ từ một “trong ba điểm ngắm đẹp nhất” cho đến chán thì thôi.
Tại đây, tôi cũng đã có ngày cười vui vẻ. Một người bạn tôi, thuộc “phái văn chương lãng mạn”, hiện đang làm giảng viên đại học hay gì đó, trên đường du lịch, ghé qua chỗ tôi chơi. Hai chúng tôi ra ngoài hành lang tầng hai của trà quán, vừa ngắm núi Phú Sĩ vừa nói chuyện.
“Núi Phú Sĩ này có vẻ gì đó thô tục ấy nhỉ”
‘Nhìn cho kỹ thì còn cảm thấy nhục nhã nữa đấy”
Chúng tôi vừa hút thuốc vừa nói đùa như thế thì bỗng nhiên anh bạn tôi nói:
“Nhìn kìa, chẳng phải đó là một nhà sư hay sao?”, cằm anh giật giật.
Đó là một vị sư khoảng năm mươi tuổi, mặc bộ quần áo đen, chống một cây gậy dài, đang leo lên đèo, chốc chốc lại ngước mắt nhìn về núi Phú Sĩ.
“Hình dáng sư gợi cho tôi nhớ đến bức tranh “Sư Saigyo ngắm núi Phú Sĩ” quá. Có lẽ là một vị thánh tăng cũng nên”, tôi nói.
“Đừng nói ngớ ngẩn. Chỉ là một vị sư hành khất mà thôi”, bạn tôi lãnh đạm nói.
“Không, không. Vị sư này có cái gì đó thoát tục lắm. Cứ nhìn cái dáng đi kia kìa. Nghe nói ngày xưa pháp sư Noin cũng đã làm một bài thơ ca ngợi núi Phú Sĩ nơi ngọn đèo này đấy”.
Anh bạn tôi phá ra cười. “Nhìn kìa, phong cách đấy sao?”
Pháp sư Noin bị con chó tên Hachi của trà quán sủa gâu gâu, sợ rúm người lại. Điệu bộ pháp sư thật thảm hại.
“Quả thật không ổn chút nào”, tôi chán nản.
Vị sư hành khất sợ quá, loạng chà loạng choạng, quẳng cả gậy, chạy bay chạy biến như ma đuổi. Chẳng có phong cách gì cả. Thật là núi cũng tục mà tăng cũng tục. Bây giờ mỗi lần nhớ lại quang cảnh đó, tôi đều thấy buồn cười.
Có một thanh niên hai mươi lăm tuổi, dáng người hiền hậu tên là Nitsuta, đang làm việc ở một bưu điện nhỏ ở khu phố dài và hẹp Yoshida dưới chân đèo, biết được chỗ tôi ở qua bưu phẩm mà người ta gửi đến, nên đã tìm đến trà quán ghé thăm tôi. Sau một lúc hàn huyên nơi gác trọ tầng hai, và cảm thấy đã quen nhau một chút, anh ta mới cười và nói “Thật ra tôi cũng muốn dẫn theo hai ba người bạn nữa nhưng họ còn đang ngần ngại. Với lại, tôi đọc thấy trong tiểu thuyết của tiên sinh Sato Haruo nói rằng “Dazai là nhà văn suy đồi và chơi bời phóng đãng lắm” nên họ không nghĩ tiên sinh là người đàng hoàng và nghiêm túc như thề này đâu. Để lần tới tôi sẽ dẫn họ ghé thăm tiên sinh, tất nhiên nếu không phiền”
“Không phiền gì đâu”, tôi cười khổ sở. “Nhưng như vậy có nghĩa cậu đã dùng hết can đảm, đại diện cho đám bạn đến quan sát tôi xem như thế nào chứ gì”
“Đúng là cảm tử đấy”, Nitsuta thật thà đáp.
“Tối qua, tôi đã đọc lại quyển tiểu thuyết của tiên sinh Sato một lần nữa, đề ra nhiều phương án ứng phó khác nhau”
Tôi ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa cửa kính. Ngọn núi vẫn đứng lạnh lùng và trầm mặc. “Thật siêu phàm”, tôi nghĩ.
“Đẹp quá, quả thật là quá đẹp. Núi thật biết cách thể hiện mình ”, và tôi thấy mình chẳng thể đáp lại được lời nào trước ngọn núi. Tôi thấy xấu hổ cho cái cảm giác yêu ghét của mình. Cuối cùng tôi đã thấy vẻ đẹp siêu phàm của núi Phú Sĩ.
“Biết cách thể hiện mình à”. Nitsuta dường như làm lạ vì lời nói của tôi. Anh mỉm cười thật ý nhị.
Từ đó, mỗi lần ghé thăm tôi, Nitsuta lại dẫn theo mấy người bạn. Mọi người đều trầm mặc. Bọn họ gọi tôi là “tiên sinh” và tôi làm mặt nghiêm nghị nhận lấy danh hiệu đó. Tôi chẳng có gì để mà tự hào cả. Học vấn không có, tài năng cũng không. Cơ thể yếu ớt, tâm hồn nghèo nàn. Chỉ duy có nỗi phiền muộn và nỗi phiền này nhẹ bớt đi khi được đám thanh niên này gọi tôi là “tiên sinh”. Tôi chỉ còn có thế. Cho dù niềm tự phụ này có nhỏ bé như cọng rơm thì tôi cũng muốn mình bám víu lấy. Bao nhiêu người đã viết về tôi như một kẻ ích kỷ và hư hỏng nhưng biết được nỗi sầu khổ muộn phiền sâu thẳm trong tôi, thế gian này được có mấy người?
Nitsuta và một thanh niên nữa rất giỏi về thơ tanka là Tanabe đều là độc giả trung thành của tiên sinh Ibuse, vì thế mà tôi cảm thấy an tâm và thân thiết hơn cả. Bọn họ cũng đã một lần dẫn tôi đến khu phố Yoshida. Đó là một khu phố thật nhỏ và dài. Có cảm giác như nó bị ép sát vào chân núi. Đó là một khu phố cho ta cảm giác lạnh nhạt và tối tăm như một thân cây mọc trong chỗ khuất thiếu ánh sáng trời. Có một con suối nhỏ chảy dọc ven đường. Đây có lẽ là đặc trưng của thành phố nằm dưới chân núi chăng? Ở Mishima cũng có những dòng nước nhỏ chảy quanh thành phố. Và người dân địa phương thực sự tin rằng đó là nước tan chảy ra từ tuyết của núi Phú Sĩ. Nước ở Yoshida này thì chảy yếu và bẩn hơn so với Mishima. Tôi vừa nhìn dòng nước chảy vừa nói.
“Trong truyện của Maupassant có một chi tiết ở đâu đó rằng một thiếu nữ mỗi đêm đều bơi qua sông để gặp một chàng công tử mà nàng yêu, nhưng tôi tự hỏi là quần áo của nàng thì thế nào? Không lẽ nàng ta khỏa thân?”
“Ừ nhỉ” cả đám thanh niên suy nghĩ. “Hay là nàng mặc đồ bơi?”
“Hay là nàng gói quần áo lại đội lên đầu rồi bới qua sông nhỉ?”
Cả đám thanh niên phá ra cười.
“Hay là nàng cứ để nguyên quần áo mà bơi qua gặp chàng công tử. Rồi hai người ngồi bên lò sưởi cho đến khi quần áo nàng khô? Nhưng như vậy khi nàng quay về thì thế nào? Lại phải làm ướt bộ quần áo mới mất công hong khô xong hả? Thật là ái ngại quá. Nhưng tại sao chàng công tử lại không bơi qua chỗ nàng nhỉ? Đàn ông con trai mặc một bộ quần áo ướt thì cũng chẳng sao mà. Hay là chàng ta không biết bơi?”
“Không đâu, có lẽ tại vì nàng thiếu nữ kia yêu chàng công tử hơn tình yêu mà chàng dành cho nàng thôi”, Nitsuta nghiêm túc.
“Có lẽ vậy nhỉ. Đàn bà trong văn học nước ngoài thật dũng cảm và đáng yêu. Chỉ cần tình yêu là có thể bơi ngay qua sông gặp gỡ. Nhật Bản thì không được như vậy. Hình như cũng có một vở kịch như thế. Vở kịch nói về một nàng vương phi và một chàng trai đứng hai bên bờ sông cùng thở than khóc lóc. Lúc đó than khóc mà làm gì không biết. Tại sao không bơi thẳng qua sông? Trong vở kịch, đó chỉ là một dòng sông hẹp, chỉ việc vén áo mà lội qua thôi. Vậy mà cứ đứng yên ca thán, thật không hiểu gì. Tôi chẳng thể nào đồng tình với điều đó. Chẳng hạn như nàng Asagao đứng trước con sông Oiigawa thì còn tạm được. Sông thì rộng mà nàng thì mù nên còn ít nhiều thông cảm cho dù nàng không phải là không thể bơi qua sông. Chống gậy đứng bên này sông Oiigawa mà nguyền rủa ông trời thì đúng chẳng có nghĩa lý gì. À, nhưng mà Nhật Bản cũng có một người con gái dũng cảm dám bơi qua sông đấy nhé”
“Có thật sao ạ?”, đám thanh niên hỏi, mắt sáng lên.
“Công nương Kiyo đấy. Nàng đã bơi qua sông Hidaka để đuổi theo người tình là Anchin đấy. Bơi miệt mài chết bỏ. Nàng thật kinh người. Mà theo sách vở ghi lại, lúc ấy nàng mới chỉ có mười bốn tuổi thôi nhé”.
Vừa đi bộ trên đường vừa tán chuyện nhảm như vậy cho đến khi chúng tôi đến một quán trọ khá cũ kỹ, nằm ở ngoại thành mà hình như là chỗ Tanabe quen biết.
Chúng tôi uống rượu ở đó và đêm ấy núi Phú Sĩ thật tuyệt. Khoảng mười giờ đêm, bọn thanh niên để tôi ngủ lại quán rồi ai về nhà nấy. Tôi không ngủ được, mặc bộ dotera, bước thử ra ngoài xem sao. Một đêm trăng sáng thật ma mị. Núi Phú Sĩ thật đẹp. Tắm mình trong ánh sáng trăng, núi Phú Sĩ gần như trở nên một màu xanh trong suốt, còn tôi cảm thấy mình như bị bùa phép của chồn tinh. Một màu xanh gần như tuyệt đối. Cảm giác giống như ánh lửa xanh cháy sáng của lân tinh vậy. Ánh sáng ma trơi. Ánh sáng hồ ly. Đom đóm. Hơi lau lách. Lá sắn dây. Tôi cứ trôi đi trên đường trăng, cảm thấy như mình không có chân vậy. Chỉ nghe mỗi thanh âm đôi guốc gỗ nhưng như không phải của tôi mà như của một sinh vật nào đó cứ lóc ca lóc cóc, nghe vang vọng rất rõ ràng. Tôi quay đầu nhìn lại. Núi Phú Sĩ còn nguyên đó. Màu xanh trong suốt, nổi bật giữa đất trời. Tôi thở dài. Một chí sĩ duy tân. Một con Thiên cẩu (Tengu) ở Kurama. Tôi nghĩ mình như thế. Cứ thọc tay vào túi áo mà đi. Tôi thấy mình thật là kiên cường. Cứ đi miệt mài. Rồi tôi đánh rơi chiếc ví. Vì tôi bỏ trong ví đến hai mươi đồng bạc 50 yên, nên sức nặng của nó làm rách chiếc túi nơi ngực và rơi xuống đường. Lúc đó tôi bình tĩnh một cách kỳ lạ. Nếu hết tiền thì cứ đi bộ lên đèo Misaka thôi. Và tôi cứ đi tiếp.
Nhưng tôi chợt nhận ra là mình đang quay trở lại tìm cái ví. Cứ đút tay vào túi áo ngực, tôi đi tới đi lui. Núi Phú Sĩ. Đêm trăng. Chí sĩ duy tân. Đánh rơi chiếc ví. Lãng mạn hứng khởi đêm thâu. Chiếc ví nằm giữa đường, sáng loáng. Tôi lượm lên, quay về nhà trọ và đi ngủ.
Tôi đã bị núi Phú Sĩ bỏ bùa mê. Đêm đó tôi như một thằng khờ. Hành động chẳng theo lý trí gì cả. Bây giờ mỗi lần nhớ lại đêm đó, tôi cứ thấy rã rời một cách kỳ lạ.
Tôi chỉ ở Yoshida có một đêm duy nhất đó. Hôm sau tôi quay về trà quán nơi đèo Misaka. Bà chủ quán mỉm cười đón tôi, còn cô con gái mười lăm tuổi thì lạnh lùng. Tôi muốn cho hai mẹ con biết ngày hôm qua tôi chẳng làm chuyện gì xấu xa cả nên cho dù họ không hỏi, tôi cũng kể lại trải nghiệm ngày hôm qua. Tôi kể từ tên quán trọ, hương vị rượu của Yoshida, núi Phú Sĩ đêm trăng cho đến chuyện đánh rơi ví, kể tất tần tận. Cô con gái dường như nguôi giận.
“Quý khách ơi, dậy thử mà xem này”. Một buổi sáng, cô con gái đứng ngoài đứng ngoài trà quán, cất giọng lanh lảnh gọi tôi. Tôi bất đắc dĩ phải thức dậy, bước ra ngoài hành lang.
Cô gái nhỏ rất hưng phấn, hai má đỏ bừng. Nàng lẳng lặng chỉ tay lên trời. Tôi thử nhìn lên. Tuyết. Tuyết rơi trên núi Phú Sĩ. Đỉnh núi trở nên trắng tinh, sáng lấp lánh. Tôi mới nghĩ rằng núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka cũng đâu có tệ.
“Tuyệt quá”, tôi nói.
“Chẳng phải rất tuyệt sao?”, nàng có vẻ đắc ý, dùng ngôn từ rất trau chuốt thế mà hỏi tôi. Ngồi xổm dưới đất, nàng tiếp tục nói “Không lẽ núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka, vậy mà còn chưa đẹp hay sao?”
Có lẽ tại tôi thường nói với nàng là núi Phú Sĩ nhìn từ đây trông có vẻ thô tục thế nào ấy và nàng cứ mãi ấm ức trong lòng.
Tôi liền nghiêm nghị nói chữa lại “đúng là núi Phú Sĩ mà không có tuyết rơi thì vẫn thô tục đấy”.
Tôi mặc bộ dotera đi dạo quanh sườn núi, hái đầy hai nắm tay loài hoa nguyệt kiến thảo[5], đem về trồng ở khu vườn sau của trà quán.
“Bé này, đây là loài hoa nguyệt kiến thảo của tôi và năm sau tôi sẽ lại đến đây ngắm hoa nên đừng có xả nước giặt đồ vào chỗ này nhé”, nàng gật đầu.
Núi Phú Sĩ và cỏ nguyệt kiến thảo
Núi Phú Sĩ và cỏ nguyệt kiến thảo
Sở dĩ tôi chọn loài hoa này vì nghe nói hoa nguyệt kiến thảo rất hợp với núi Phú Sĩ. Cái trà quán nơi đèo Misaka này nằm xa xôi hút nẻo nên thư từ bưu phẩm không đến được. Từ đỉnh đèo, lên xe buýt đi khoảng nửa tiếng sẽ đến một khu làng lạnh lẽo dưới chân đèo đúng như tên gọi của nó là Kawaguchi (Hà khẩu :cửa sông). Thư từ bưu phẩm gửi cho tôi nằm trong bưu điện của làng Kawaguchi này cho nên cứ khoảng ba ngày một lần, tôi lại phải xuống nhận lấy. Tôi thường chọn ngày đẹp trời mà đi. Người con gái soát vé xe buýt cũng không giới thiệu gì về phong cảnh nơi này. Tuy thế, đôi khi chợt nhớ ra, nàng cũng thuyết minh cho chúng tôi bằng một cái giọng đọc tản văn gần như thầm thì lơ đãng “đây là núi đỉnh đèo Mitsutoge, kia là hồ Kawaguchi, có loài cá tên gọi là wakasagi…”
Sau khi nhận thư từ bưu phẩm nơi bưu điện Kawaguchi tôi lại lên xe buýt về trà quán. Trên đường về, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ chừng sáu mươi tuổi. Bà mặc một chiếc áo màu nâu đậm khoác ngoài chiếc kimono. Gương mặt trắng xanh của bà giống hệt mẹ tôi. Người con gái soát vé xe chợt nói như thể nàng vừa mới nhớ ra “Mọi người có thấy hôm nay núi Phú Sĩ trông rất rõ không ạ?”. Lời nói chẳng có vẻ gì là thuyết minh hay cảm thán gì cả. Mọi người khách từ người nhân viên công ty mang cặp táp đến cô gái geisha mặc áo lụa, tóc búi cao theo kiểu truyền thống, chiếc khăn tay điệu đàng đưa lên môi, đều khẽ xoay người nhìn ra ngoài cửa sổ, chăm chú vào đỉnh núi hình tam giác như thể mới thấy lần đầu, buông lời cảm thán “thế à”, “đúng nhỉ”, làm trong xe náo động cả lên. Tuy thế, người phụ nữ ngồi kế bên tôi, dường như đang che giấu nỗi khổ đau nào đó trong tim, không như những người khác, bà không hề nhìn núi Phú Sĩ mà ngược lại, nhìn chăm chú vào những tảng đá ven đường. Trông thấy bà lão như vậy, tôi cảm động muốn run lên và cũng muốn cho bà lão ấy biết rằng tôi cũng như bà, chẳng muốn nhìn ngọn núi Phú Sĩ thô tục ấy làm gì. Và cho dù bà không nói với tôi nhưng tôi cũng muốn thể hiện cho bà thấy sự thông cảm của mình với nỗi khổ đau và cô tịch của bà đang mang chịu. Và như thể muốn cho bà biết điều đó, tôi ngồi sát lại với bà và cùng nhìn vào những tảng đá bên đường.
Bà lão dường như cảm thấy an tâm về tôi phần nào đó, đưa ngón tay thanh mảnh chỉ vào một chỗ ven đường, và chợt nói bâng quơ:
“A, cỏ nguyệt kiến thảo”
Cho dù xe buýt đang chạy nhanh nhưng một vùng màu vàng rực của cỏ nguyệt kiến thảo vẫn cứ mãi in sâu trong mắt tôi cho đến bây giờ.
Đối mặt với núi Phú Sĩ với độ cao đáng nể 3778 mét, cỏ nguyệt kiến thảo đứng thẳng hiên ngang, không một chút nào dao động, có thể nói cỏ nguyệt kiến thảo có một sức mạnh phi thường. Quả thật, loài cỏ này rất hợp với núi Phú Sĩ.
Tháng mười đã trôi qua mà công việc của tôi hầu như không tiến triển được chút nào. Tôi nhớ con người. Đám mây đỏ rực buổi hoàng hôn trông như bụng một con chim nhạn, và tôi đứng nơi hành lang lầu hai hút thuốc một mình. Cố tình tránh nhìn núi Phú Sĩ, tôi ngưng thần nhìn chăm chú vào những chiếc lá đỏ rừng già, rơi như những giọt máu nào nhỏ xuống. Và tôi cất tiếng gọi bà chủ trà quán đang quét lá rụng trước sân:
“Này bà, ngày mai chắc đẹp trời đấy nhỉ”
Ngay cả tôi cũng lấy làm ngạc nhiên trước trước câu nói gần như tiếng reo vui của mình. Bà chủ ngừng tay chổi, ngước nhìn lên, chau đôi lông mày như lấy làm lạ, rồi hỏi tôi:
“Ngày mai quý khách không có dự định gì à?”
Nghe vậy tôi cứng lưỡi.
“Chẳng có gì cả”
Bà chủ phá ra cười:
“Ông có vẻ buồn đấy nhỉ. Sao không leo núi mà chơi?”
“Leo núi thì leo lên rồi phải leo xuống, chán chết. Với lại, dù leo lên núi nào đi nữa cũng thấy một quang cảnh núi Phú Sĩ giống như nhau. Chỉ nghĩ thế thôi là tôi đã chùn chân rồi”
Hình như lời tôi nói có vẻ kỳ lạ thì phải. Bà chủ nhà mơ hồ gật đầu rồi lại cúi xuống quét lá vàng rơi.
Trước khi đi, tôi kéo rèm, ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa kính. Trong đêm trăng, núi Phú Sĩ trắng xanh như một tinh thể nước. Tôi thở dài. À, mình đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Những ngôi sao lớn lấp lánh. Ngày mai sẽ rất đẹp trời đây. Chỉ vậy cũng là niềm vui trong những ngày sống tăm tối. Tôi kéo rèm lại và đi ngủ. Nhưng tôi chợt thấy lạ và nghĩ rằng ngày mai đẹp trời thì có liên quan gì đến mình đâu chứ nhỉ và tự cười khổ sở trong chăn. Thật là khổ. Công việc của tôi thuần túy chỉ viết văn thôi. Và dù thỉnh thoảng cũng cảm thấy niềm vui những phần lớn tôi đều thấy chẳng sung sướng gì. Không chỉ có vậy, nói thật tình những cái gọi là thế giới quan của tôi hay quan điểm nghệ thuật hay văn học ngày mai hay cái mới mẻ tân kỳ đều làm tôi phân vân và rất mực khổ sở.
Tôi nghĩ mình chỉ nắm lấy cái đơn giản, tự nhiên và cố gắng viết ra một cách rõ ràng cô đọng ra trên mặt giấy. Chỉ có thế mà thôi. Khi nghĩ như thế, đôi khi hình dáng núi Phú Sĩ trước mắt tôi lại mang một ý nghĩ nào khác nữa. Hình dáng đó, biểu hiện đó có lẽ là cái đẹp “biểu hiện đơn nhất” theo như tôi thấy. Dù có đôi lần tôi cảm thấy mình có thể hiểu được một chút gì đó về núi Phú Sĩ nhưng có nhiều lần khi tôi lặng ngắm cái vẻ đơn giản vô song của cái hình trụ đứng, cảm thấy quả thật ngọn núi chắc chắn là tặng vật của Phật Di Lặc. Nhưng cái tặng vật này với vẻ biểu hiện vô song gần như không thể nào chịu nổi của nó lại khiến tôi nghĩ rằng có một cái gì sai lệch trong dáng vẻ núi Phú Sĩ. Và sự sai lệch này một lần nữa làm tôi lạc lối.
Hết sáng đến chiều, tôi ngồi ngắm núi Phú Sĩ và sống qua những tháng ngày u uất. Khoảng cuối tháng mười, một đoàn du nữ từ phố Yoshida (hình như một năm họ chỉ có một ngày tự do thoải mái thế này) kéo nhau lên đèo Misaka bằng năm chiếc xe hơi. Tôi ngắm họ từ căn gác lầu hai. Từ những chiếc xe hơi, những em gái đủ sắc màu túa ra như những chú chim bồ câu truyền thư tung bay khỏi tổ. Đầu tiên vì chưa biết rõ đường đi lối lại, các em nép sát nhau, chen lấn nhau trong im lặng rồi sau khi nỗi bất an về chỗ lạ biến mất đi, từng người dáo dác tản ra theo lối rẽ. Vài em thật dịu dàng chọn những bức tranh bưu thiếp nơi đầu trà quán, vài người chăm chú ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật là một quang cảnh tăm tối u buồn không thể nào chịu nổi. Tôi, một người đàn ông u buồn nơi căn gác tầng hai, đồng cảm với đoàn du nữ đến mức không tiếc thân mình lại không thể làm gì hơn cho sự sung sướng hạnh phúc đó của họ. Tôi chỉ còn biết cách ngắm nhìn mà thôi. Đau khổ thì vẫn cứ khổ đau, cái gì rơi rụng tàn tạ thì cũng phải tàn tạ rụng rơi. Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. Đó là cách cách mà thế giới này vận hành. Và việc cứ nhìn ngắm cái dáng vẻ của đoàn du nữ một cách lạnh lùng thờ ơ như thế càng làm tôi cảm thấy khổ đau.
Đành phải tựa nương vào núi Phú Sĩ thôi. Đột nhiên tôi chợt nghĩ ra điều đó. Này, phải chăng núi cũng chăm lo cho đoàn du nữ? Với tâm trạng đó, tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi đang đứng thẳng giữa trời lạnh giá như một ông chủ đút tay vào túi áo dotera với dáng vẻ hiên ngang, đang cai quản thế giới này. Khi nương tựa vào ngọn núi, tôi cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng hơn nhiều. Từ bỏ việc ngắm đoàn du nữ, tôi dẫn đứa bé trai mới sáu tuổi của trà quán cùng với con chó có bộ lông mượt mà tên là Hachi đi dạo chơi về phía đường hầm gần đèo. Nơi cửa hầm, tôi bắt gặp một du nữ thon thả, tuổi chừng ba mươi đang mải mê hái hoa không biết chán. Khi chúng tôi đi ngang qua, nàng vẫn mải mê hái hoa, không liếc nhìn chúng tôi lấy một cái nào. Hãy chăm lo cho cô gái này nữa nhé, tôi ngoái lại nhìn núi Phú Sĩ, rồi kéo tay đứa bé, đi sâu vào trong hầm. Không biết phải làm gì, tôi cố bước những bước dài và để cho từng giọt nước lạnh trên nóc hầm rơi xuống trên đầu trên cổ.
Vào thời điểm đó, chuyện kết hôn của tôi bỗng nhiên bị ngưng trệ. Phía gia đình tôi ở quê hoàn toàn không ủng hộ gì chuyện cưới xin của tôi thành ra tôi cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tôi cũng cứ hy vọng rằng ít ra nhà cũng gửi cho tôi khoảng 100 yên gọi là để có thể tổ chức một đám cưới tuy nhỏ nhưng cũng đàng hoàng rồi sau đó chuyện sinh kế gia đình thì dựa vào công việc viết lách của tôi cũng được. Nhưng sau vài lá thư gửi gia đình, tôi biết chắc rằng sẽ không có bất kỳ một khoản viện trợ nào cả. Và điều này làm tôi vô cùng khó xử. Nếu vì vậy mà nhà gái cự tuyệt thông gia thì cũng đành chịu thôi, nhưng ít nhất mình cũng phải nói rõ ràng mọi chuyện mới được. Tôi nghĩ vậy và một mình xuống đèo, đi thăm nhà gái ở Kofu. Tôi ngồi đối diện với bà mẹ và cô con gái nơi phòng khách và nói với họ tất cả. Đôi khi tôi nói với hai mẹ con như thể đọc diễn văn vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã nói cạn lời, và rõ ràng minh bạch. Người con gái rất bình tĩnh:
“Như vậy là nhà anh phản đối đám cưới của chúng ta phải không ạ?”, nàng nghiêng đầu hỏi.
“Không, nhà anh đâu có phản đối”, tôi nói và ấn mạnh lòng bàn tay phải xuống bàn. “Anh nghĩ là nhà anh nói anh phải tự lo liệu mà thôi”.
“Dạ, vậy cũng đủ rồi ạ”, mẹ nàng mỉm cười rất cao quý. “Như cậu thấy đấy, nhà chúng tôi cũng chẳng giàu có gì. Việc tổ chức một đám cưới xa xỉ cũng sẽ là một điều khó xử đối với gia cảnh nhà chúng tôi. Nhưng chỉ cần cậu thật lòng thương yêu con gái chúng tôi và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, đối với chúng tôi thế là quá đủ”.
Tôi quên cả việc cúi đầu đáp lễ, cứ thừ người nhìn bâng khuâng ra ngoài vườn một lúc lâu. Tôi thấy mắt mình cứ cay cay. Mình phải thật hiếu hạnh với bà mẹ này mới được.
Trên đường về, người con gái đưa tôi ra tận bến xe buýt. Vừa đi, tôi vừa chợt hỏi một câu nghe kỳ kỳ:
“Sao em, chúng mình cần thời gian tìm hiểu nhau thêm không?”
“Dạ không đâu, với em như thế đã nhiều rồi ạ”, nàng cười.
“Em không có câu gì hỏi anh sao?”, tôi lại ngớ ngẩn nói.
“À, có đấy”.
Tôi nghĩ mình sẽ thành thật trả lời tất cả những câu hỏi của nàng.
“Trên núi Phú Sĩ giờ này, tuyết đã rơi chưa anh?”
Tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi của nàng.
“À, rơi rồi, trên đỉnh ấy…”, tôi đáp lời và ngước mắt nhìn núi Phú Sĩ trước mặt. Tôi cảm thấy kỳ lạ.
“Chẳng phải ở Kofu này cũng nhìn thấy núi Phú Sĩ hay sao? Em đùa anh đấy à?”, rồi bỗng lỡ lời “câu hỏi gì ngu ngốc vậy. Em mang anh làm trò cười sao?”
Nàng cúi đầu rồi cười thầm.
“Dạ, tại vì anh ở Misaka mà. Nếu không hỏi về núi Phú Sĩ em nghĩ mình sẽ thất lễ”
Thật là một cô gái kỳ lạ, tôi nghĩ.
Từ Kofu trở về, tôi bị đau vai đến mức thở không nổi nữa. “Tuyệt thật đấy, bà chủ à. Misaka này thật tuyệt đấy. Tôi cảm giác như mình trở về nhà vậy”
Sau bữa tối, bà chủ nhà và cô con gái thay phiên nhau đấm bóp lưng cho tôi. Tay bà chủ thì cứng và ấn mạnh, còn tay cô gái thì mềm, ấn chẳng cảm thấy hiệu quả gì cả. Cứ bị tôi nói mạnh nữa lên, ấn mạnh vào, nàng bèn lấy một thanh củi rồi cứ thế đánh thùm thụp vào vai tôi. Đúng là nếu không làm như thế thì cơn đau sẽ không thuyên giảm, và tôi chợt quyết tâm vào chuyện cưới xin ở Kofu.
Sau khi từ Kofu trở về, hai ba ngày sau tôi cứ thẫn thờ, chẳng muốn làm việc, chỉ ngồi nơi bàn, viết lảm nhảm, hút bảy tám gói Batto rồi nằm lăn ra, hát đi hát lại bài “Kim cương cũng mài mới sáng”, cứ vạ vật như vậy, không viết được một trang tiểu thuyết nào cả.
“Quý khách chắc có chuyện gì không vui ở Kofu à?”
Một buổi sáng, tôi đang ngồi nơi bàn, tay chống cằm, mắt nhắm lơ mơ, đầu nghĩ lan man thì cô con gái mười lăm tuổi, vừa lau cái tokonoma[6] nơi góc phòng, vừa hỏi tôi với vẻ gì cay đắng chua chát.
“Đúng vậy, thật là tệ”, tôi đáp lời mà không ngoảnh lại.
Cô gái vẫn không ngừng tay, nói tiếp “Chà, tệ quá. Hai ba ngày nay, quý khách như không viết được gì đúng không? Mỗi sáng cháu hay gom lại những trang bản thảo của chú lại rồi đánh số thứ tự. Công việc đó thật vui. Chú càng viết nhiều cháu càng vui. Chú có biết tối qua cháu lén lên gác nhìn chú đấy không? Lúc đó chú đã trùm chăn mà ngủ mất rồi”
Tôi thật vui khi nghe những lời nói đó. Có lẽ nói hơi khoa trương chứ đó thật là những lời động viên trong sáng làm cho con người ta muốn sống hơn. Cô bé không đòi hỏi nhận lại điều gì cả. Tôi nghĩ nàng thật đẹp.
Vào cuối tháng mười, lá cây đều đen thẫm lại, và sau một đêm bão núi rừng đã khoác một chiếc áo tăm tối mùa đông. Những khách tham quan chỉ lác đác vài người. Trà quán cũng hoang vu. Đôi khi bà chủ quán dắt đứa con trai sáu tuổi đi mua sắm đồ ở thị trấn Funatsu dưới chân đèo hay ở phố Yoshida. Và ngày đó trên trà quán tịch liêu trên đèo này chỉ còn mình tôi với cô gái nhỏ. Tôi ngồi thẫn thờ trên lầu hai, xuống dạo loanh quanh nơi trà quán, rồi đến chỗ sân sau nơi cô bé đang giặt đồ mà nói lớn tiếng:
“Thật chán quá nhỉ”, rồi cười xòa. Nàng vẫn cúi đầu. Khi thử nhìn vào gương mặt ấy, tôi giật mình. Cô bé đang khóc. Thật là một tình cảm đáng sợ. Tôi chợt cảm thấy đau khổ, vội đưa mắt nhìn ra con đường nhỏ ven núi phủ đầy lá rơi và hấp tấp bước nhanh về phía ấy.
Từ ngày đó, tôi bắt đầu cảnh giác. Hễ khi chỉ còn lại hai người trên trà quán, tôi cố gắng ngồi yên trong phòng mình nơi lầu hai, không bước chân ra ngoài. Khi có khách lên trà quán, tôi mới bước xuống nhà, ngồi ở một góc quán, nhâm nhi tách trà để có thể bảo vệ cô bé. Có lần có một cô dâu, được hai ông già mặc áo thêu tháp tùng, đi xe hơi ghé trà quán nghỉ chân. Lúc đó, trong trà quán chỉ còn có mình cô bé. Tôi từ tầng hai bước xuống, ngồi nơi góc trà quán, phì phèo thuốc lá. Cô dâu mặc áo kimono kiểu susomoyou, thắt lưng obi thêu kim tuyến, thật đúng là một bộ lễ phục chính thức đường hoàng. Không biết phải tiếp mấy vị khách kỳ lạ này như thế nào nên cô bé sau khi châm trà cho cô dâu và hai ông già xong, đến đứng nấp phía sau tôi mà quan sát cô dâu. Vào ngày chỉ có một lần trong đời này, từ phía đèo này nàng về làm dâu nhà nào ở Funazu hay Yoshida. Và trên đường đi nàng ghé vào đây nghỉ chân và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật lãng mạn đến mức buồn cười. Lúc đó, cô dâu bước ra khỏi trà quán, tiến đến mỏm đá phía trước quán lặng ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nàng đứng bắt chéo hai chân. Thật là một tư thế can đảm. Tôi đang ngắm nhìn cô dâu và núi Phú Sĩ với vẻ khâm phục thì bỗng nàng hướng về đỉnh núi và hét lớn.
Sau lưng tôi bỗng có tiếng than khe khẽ “aya”. Cô bé ngay lập tức nhận ra tiếng hét đó. Khi cô dâu đã chiếc xe mọi người đang chờ và đi xuống núi, tôi mới mỉa mai.
“Nàng đã từng kết hôn. Đây chắc là lần thứ hai hay thứ ba gì đó. Chắc hẳn chú rể đang chờ nàng dưới chân núi. Vậy mà nàng lại cho dừng xe nơi đây và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nếu là cô gái mới làm dâu lần đầu tiên thì mặt đâu có dày quá thế”
Cô bé cũng tán đồng. “Nàng ta đã hét lớn đấy. Miệng mở rộng như thế kia mà hét lớn như vậy thì đúng là mặt dày. Chú đừng bao giờ lấy người con gái như thế làm vợ nhé”
Lời nói của cô bé làm tôi đỏ mặt. Quả thật thấy mình có lớn mà chẳng có khôn. Nhưng chuyện cưới xin của tôi cũng dần dần trở nên tốt đẹp. Tôi đã nhờ một vị đàn anh lo liệu giùm. Lễ cưới tổ chức tuy đơn giản mà nghiêm túc, chỉ gồm hai ba người bà con thân cận, được tiến hành nơi nhà vị đàn anh này. Tôi cảm thấy mình hứng khởi như tuổi thiếu niên.
Mới vào tháng 11 mà trên Misaka tiết trời đã lạnh khó mà chịu nổi. Trong trà quán đã phải dùng lò sưởi.
“Qúy khách à, trên tầng hai lạnh lắm. Mỗi khi làm việc xin quý khách cứ xuống làm việc bên lò sưởi này đi ạ”, bà chủ quán nói. Nhưng vì tôi không thể viết trước mặt người lạ nên đành từ chối. Bà chủ lo lắng cho tôi nên mới xuống thị trấn Yoshida dưới chân đèo mua thêm một cái bàn sưởi kotatsu[7] nữa. Tôi vùi mình vào trong kotatsu nơi tầng hai, thật sự cảm động trước tình người nơi trà quán này. Nhưng rồi tôi chợt thấy việc suốt ngày ngắm núi Phú Sĩ đã hai phần ba tuyết phủ với những cây khô mùa đông nơi núi đồi gần đó và chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt nơi đỉnh đèo Misaka này chẳng có ý nghĩa gì nữa và tôi quyết định hạ sơn. Trước ngày rời đi, tôi mặc hai lớp áo dotera, ngồi nơi góc trà quán nhâm nhi một tách trà nóng thì thấy hai người con gái mặc áo lạnh mùa đông, dường như nhân viên đánh máy thì phải, từ phía đường hầm tiến lại. Hai người đang cười nói thì nhìn thấy núi Phú Sĩ phủ tuyết trước mặt và họ đứng sững lại như trời trồng. Rồi sau khi thì thầm to nhỏ với nhau điều gì đó, cô gái đeo kính, có làn da trắng chạy đến chỗ tôi và mỉm cười.
“Xin lỗi, nhưng anh có thể chụp cho hai đứa một tấm hình không ạ?”
Tôi không biết phải trả lời sao. Tôi không rành lắm về máy móc, lại không có sở thích chụp hình gì cả. Mang hai lớp áo dotera, với điệu bộ lôi thôi lếch thếch mà ngay cả người trong trà quán cũng thấy tôi có vẻ giống sơn tặc mà lại được hai em gái xinh như mộng, chắc hẳn đến từ Tokyo nhờ vả chuyện này thật tình tôi khổ sở phát điên. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy hai người này thấy bộ dạng của tôi có vẻ gì đó là chụp hình được nên mới nhờ chăng. Vì thế, tôi làm bộ thản nhiên, đưa tay nhận lấy chiếc máy ảnh từ tay cô gái đưa cho lại hỏi nàng về cách chụp như thế nào rồi run run nhìn vào ống ngắm. Núi Phú Sĩ to lớn nằm giữa khung hình, dưới chân núi là hai bông hoa nhỏ xíu thắm tươi. Hai em gái đều mặc áo choàng màu đỏ. Họ đứng khoác tay nhau với vẻ mặt rất nghiêm trang. Tôi buồn cười quá, tay cầm máy cứ rung rung. Cố nén cười, tôi lại nhìn vào ống ngắm. Hai bông hoa đỏ lại càng e lệ nghiêm trang hơn. Thấy khó lấy cảnh này quá, tôi cứ bỏ mặc họ, hướng máy về núi Phú Sĩ mà chụp. Tạm biệt nhé, núi Phú Sĩ, Người đã chở che tôi rất nhiều. Và tôi ấn nút.
“Đã chụp rồi đấy”
“Cám ơn anh nhiều ạ”
Hai cô gái đồng thanh nói. Khi về đến nhà rửa hình ra chắc hai nàng sẽ ngả ngửa người kinh ngạc. Vì trong hình chỉ thấy núi Phú Sĩ mà thôi, chứ chẳng thấy bóng dáng mình đâu cả.
Ngày hôm sau, tôi rời đèo Misaka. Tôi trọ lại một đêm nơi quán trọ rẻ tiền ở Kofu. Sáng hôm sau, khi đứng ở lan can cáu bẩn nơi phòng trọ, tôi nhìn lên núi Phú Sĩ. Bị núi non trập trùng che khuất, núi Phú Sĩ chỉ còn thấy được khoảng một phần ba, trông như thể một cây lồng đèn Trung Hoa[8] vậy.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ


[1] Utagawa Hiroshige 歌川 広重(1797-1858), họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ (ukiyoe) danh tiếng thời hậu kỳ Edo, sở trường vẽ tranh phong cảnh và hoa điểu. Tác phẩm tiêu biểu có “53 cảnh sắc Tokaido”, “100 chốn nổi tiếng kinh thành Edo”…
[2] Tani Buncho 谷文晁(1763-1840), họa sĩ danh tiếng thời hậu kỳ Edo, am hiểu sâu cả tranh Nhật Bản và tranh Tây Phương, sáng tác theo phong cách tả thực.
[3] Katsushika Hokusai 葛飾北斎(1760-1849), họa sĩ vẽ tranh khắc gỗ thời hậu kỳ Edo. Ông cùng với Hiroshige và Kitagawa Utamaro (1753-1806) là ba danh gia cổ điển của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản. Hokusai là người sáng lập ra trường phái Katsushika, nổi tiếng là người hâm mộ núi Phú Sĩ cuồng nhiệt và vẽ gần cả ngàn bức tranh về ngọn núi huyền thoại này. Tác phẩm tiêu biểu có “Núi Phú Sĩ ba mươi sáu cảnh”
[4] Ibuse Matsuji 井伏 鱒二 (1898-1993), nhà văn Nhật Bản được nhận huân chương văn hóa, có nhiều tác phẩm miêu tả về nỗi bi ai và hài hước của con người với giọng văn châm biếm. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Kuroi ame 黒い雨” (mưa đen), nói về trận mưa đen do bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima cùng với nỗi khốn cùng của những nạn nhân vô tôi. Đây được xem là phẩm tiêu biểu của dòng văn học lấy đề tài là nỗi bi thảm bom nguyên tử 原爆文学(Genbaku bungaku) ở Nhật Bản.
[5] Nguyên văn là tsukimosou月見草, một loài hoa nguyên gốc ở Bắc Mỹ, chiều cao khoảng 60cm, hoa thường màu vàng. Câu nói của Dazai “Cỏ nguyệt kiến thảo rất hợp với núi Phú Sĩ” đã thành một câu nói thời danh, được trích dẫn lại rất nhiều lần.
[6] 床の間Chỗ góc lõm vào nơi bức tường, thường để treo tranh và đặt một bình hoa trang trí thường thấy trong phòng theo kiến trúc Nhật Bản.
[7] 炬燵Một dạng bàn sưởi điện gắn dưới đáy bàn rồi trùm chăn phủ lên, thường được dung vào mùa đông để sưởi chân tay cho ấm.
[8] Nguyên văn “Hoozuki”鬼灯. Loài cây này cao khoảng 60-70cm, lá hình elip, có trái đỏ như lồng đèn Trung Hoa.

Friday, October 29, 2010

24 giờ "cầm quyền" của Mr Đỗ Kh.


Đỗ Kh.
Báo thức trên di động reo điệu “Quốc tế ca”, vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, nhưng tôi không vùng lên, không vùng dậy, đứng dậy tôi cũng không. Tôi không dậy. Tôi mò lấy điện thoại, tắt đi và ngủ tiếp. Việc gì tôi phải dậy, ai bắt tôi được. Hôm nay tôi là người cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam.
24 tiếng này bắt đầu từ nửa đêm vào lúc thật ra thì tôi chưa ngủ. Tôi còn đang uống Beaujolais Villages 2008 để hòng dỗ giấc. 6,95 Euro, vì ngày cầm quyền của tôi mới bắt đầu nên chưa ai mang đến biếu tôi Puligny-Montrachet (là loại rượu phải cởi nón ra và quỳ gối để thưởng thức như Alexandre Dumas nói). Khi tôi lên giuờng thì đã hai giờ sáng, vẫn chưa thấy có gì nhúc nhích, ai bấm chuông gọi tôi ra mà lo việc nước. Tôi cẩn thận cộng thêm 8 và để báo thức vào lúc 10 giờ 05. Một ngày tôi ngủ phải 8 tiếng chứ, và bắt đầu cầm quyền chính thức là tôi đã ăn gian thêm 5 phút. Nhưng quyền lực, lại là tuyệt đối, thì đến 10 giờ 05 như đã nói, thì ai làm gì tôi.
Tôi bò ra đến phòng tắm thì trời đã quá Ngọ. Ngồi dưới vòi nóng nửa tiếng thì tôi nghĩ đến những em bé, những bà mẹ Phi châu hay là Trung Á, đầu đội can nước đi bộ 20 cây số dưới thời tiết nhiệt độ 40. 40 là nhiệt độ mấy chục can nước vòi xịt tứ phía lên người tôi từ nãy giờ. Phục vụ cho tôi một bữa tắm buổi sáng là hai mươi cô Phi châu đội nước trên đầu uốn éo xếp hàng thành một caravan ở sa mạc, cộng với thêm 10 cô Trung Á ở nhà đun lên cho nóng sau khi chổng mông lên đi mót củi trên những đồi đá. Nhưng Phi châu hay Trung Á thì việc gì mà tôi bận tâm. Tôi cầm quyền là ở Việt Nam.
“Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui” từ ông Hùng thứ nhất đến tôi, thì thời gian của ba ly café là cái gì. Tôi làm ly thứ tư, nhìn đồng hồ thì chết mẹ chưa, đã ba giờ chiều! Giờ hành chánh chỉ còn có hai tiếng, mà chúng nó đàn ông thì đã dời nhiệm sở đi đón con tan trường, đàn bà thì tất tả về sớm mà lo cơm nước cho mấy cha nội. Hôm nay nhà có bún xào măng, thì mấy đứa bé nó ăn, bố nó tối nay lại bận họp cơ quan ở quán nhậu. Tôi thần ra một lúc, thôi thì chẳng vội, 10 giờ khuya đủng đỉnh mình ra nhà hàng, thằng nào chưa xỉn, tôi vẫn còn hai tiếng tuyệt đối toàn quyền để mà ra chỉ thị.
© 2010 Đỗ Kh

Hiroshige và 36 cảnh núi Phú Sỹ

Hiroshige là một đại danh họa Nhật bản chuyên về mộc bản có mầu. Tranh của ông đượm chất dân gian, nhưng đạt độ tinh túy cả về bố cục, phối cảnh, nhân vật, chính vì thế Hiroshige đã là người thầy tinh thần của cả Van Gogh lẫn Monet ... siêu việt.

Hãy thưởng thức vài bức tiêu biểu:



Back View of Mt.Fuji from Dream Mountain in Kai Province



Path through Rice Fields at Oiso on the Tokaido Road



Aoyama in the Eastern Capital

Wednesday, October 27, 2010

Beautiful Words from Liu XiaoBo



(Translated by Tim Ng)



Nếu ai hỏi tôi những gì tôi cho là may mắn nhất trong hai thập kỷ qua, thì tôi sẽ nói rằng đó là tình yêu vị tha của vợ tôi, Lưu Hạ. Cô không thể có mặt trong phòng xử án hôm nay, nhưng tôi vẫn muốn nói với em, người yêu dấu, rằng tôi tin tưởng tình yêu của em dành cho tôi không hề thay đổi. Trong những năm qua, tôi sống mất tự do và tình yêu của chúng ta có vị đắng gây nên bởi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng tình yêu ấy vẫn vô biên trong tâm trí. Tôi bị kết án trong một nhà tù hữu hình, còn em chờ đợi tôi trong một cái khác vô hình. Tình yêu của em là ánh sáng mặt trời xuyên qua bức tường trại giam và song sắt, chạm vào da thịt tôi, sưởi ấm những tế bào của tôi, cho tôi sự bình yên của tâm hồn, kiêu hãnh và rạng rỡ, để mỗi phút giây trong tù của tôi đầy ý nghĩa. Nhưng tình yêu của tôi dành cho em có mặc cảm tội lỗi và hối tiếc, đôi khi rất nặng nề đủ làm tôi chùn bước.  Tôi là một tảng đá cô đơn nơi hoang dã, đương đầu với giôngbão điên cuồng, và giá buốt cho những ai chạm vào nó. Nhưng tình yêu cuồng nhiệt của tôi có thể xuyên qua bất cứ trở ngại nào. Ngay cả khi tôi bị nghiền nát thành bụi, tôi sẽ ôm em bằng cả đống tro tàn.




what has been my most fortunate experience of the past two decades, and I’d say it was gaining th Ask me what has been my most fortunate experience of the past two decades, and I’d say it was gaining the selfless love of my wife, Liu Xia. She cannot be present in the courtroom today, but I still want to tell you, sweetheart, that I’m confident that your love for me will be as always. Over the years, in my non-free life, our love has contained bitterness imposed by the external environment, but is boundless in afterthought. I am sentenced to a visible prison while you are waiting in an invisible one. Your love is sunlight that transcends prison walls and bars, stroking every inch of my skin, warming my every cell, letting me maintain my inner calm, magnanimous and bright, so that every minute in prison is full of meaning. But my love for you is full of guilt and regret, sometimes heavy enough hobble my steps. I am a hard stone in the wilderness, putting up with the pummeling of raging storms, and too cold for anyone to dare touch. But my love is hard, sharp, and can penetrate any obstacles. Even if I am crushed into powder, I will embrace you with the ashes.e selfless love of my wife, Liu Xia. She cannot be present in the courtroom today, but I still want to tell you, sweetheart, that I’m confident that your love for me will be as always. Over the years, in my non-free life, our love has contained bitterness imposed by the external environment, but is boundless in afterthought. I am sentenced to a visible prison while you are waiting in an invisible one. Your love is sunlight that transcends prison walls and bars, stroking every inch of my skin, warming my every cell, letting me maintain my inner calm, magnanimous and bright, so that every minute in prison is full of meaning. But my love for you is full of guilt and regret, sometimes heavy enough hobble my steps. I am a hard stone in the wilderness, putting up with the pummeling of raging storms, and too cold for anyone to dare touch. But my love is hard, sharp, and can penetrate any obstacles. Even if I am crushed into powder, I will embrace you with the ashes.

Thưởng thức một niềm tin mơ hồ

Mấy bữa nay nói chuyện cổ vũ cho cách tiếp cận niềm tin một cách logic — duy lý và … duy vật hơn. Hình như điều này có thể dẫn đến một sự hiểu nhầm, theo kiểu nói nhảy khỏi cực này thì nhất định ta phải sang hết một cực khác vậy. Đây là nói hai cực của cách tiếp cận niềm tin. Vậy nên tôi thử làm một phép nhảy lại. Nhảy qua nhảy lại, hình như cho ta ở trạng thái cân bằng tốt hơn cả.
Trong phim Matrix phần hai (Reloaded), có đoạn Neo cần tìm người giữ chìa khóa thì cần có sự giúp đỡ của một machine giống cái xinh đẹp. Cô này tên là Persephone, vợ của Merovingian là một tay địa chủ (cũng là máy) dâm ô của xứ sở Matrix.  Persephone chỉ đồng ý giúp Neo nếu được chàng hôn. Hôn thật sự chứ không phải chỉ kề vai khóa tay hớt môi một cái cho xong nhé. Là vì cô nàng muốn xin một tí: “I want to sample it. Just a sample! That’s all!”  “It” ờ đây, theo cô ta là tĩnh yêu của con người, của người với người, một khái niệm vô cùng kỳ bí mà bọn máy móc dù có thể mô phỏng (simulate) được cả thế giới con người, thì vẫn không hiểu nổi tình yêu nhân loại. Bỏ qua chi tiết tình yêu nhân loại có thể hiểu được bằng ngôn ngữ máy móc hay không — cái này thật ra còn phải bàn cãi thêm — thì chi tiết đáng nói ở đây là tụi máy móc vẫn muốn có nó. Vẫn muốn có những xúc cảm mà chúng không nhất thiết phải hiểu được. Không hiểu nên chỉ cần một sample thôi là đã thỏa mãn rồi.
Bài viết của John Allen Paulos nói về hai cách thức tiếp cận của niềm tin. Hoặc là tin vào câu chuyện của một cô Hường ở một xứ sở Vòm Chai, tài cán rất hay, giúp đỡ dăm ba nhân tình trên thế gian. Hoặc là tin dựa trên cơ sở suy luận logic, thiết kế thí nghiệm nghiêm chỉnh, thống kê rõ ràng.  Một cách tin chỉ cần dựa vào một sample là đủ. Một cách tin phải cần có rất nhiều samples. Hai cách này không thể dung hòa được với nhau. Nói theo ngôn ngữ thống kê, cách đầu thì tránh type 2 error. Cách kia thì tránh type 1 (false alarm). Với phạm trù cá nhân thì không có cái nào là ưu việt hơn cái nào cả. Chọn cách tin thế nào với một khái niệm mơ hồ nào là một quyết định mang tính cá nhân, tùy thuộc vào khung tham chiếu về giá trị của từng cá nhân đó. Mỗi người có thể có một cái khung riêng, hay một prior riêng quyết định error nào quan trọng hơn. Mỗi chúng ta, làm khoa học hay là bác sỹ hay lái xe ôm, đều có thể dung dướng những cách tin khác nhau cho các khái niệm khác nhau trong mỗi người, như các ví dụ ở đây.
Với tôi sự đa dạng về giá trị đó giống như đa dạng của sở thích cá nhân vậy. Bạn thích nhạc jazz, tôi thì blues. Bạn thích khoai tây tôi thì cà chua.
Nhưng khi một niềm tin nào đó bị xã hội hóa, vì lý do này hay hoàn cánh khác, một cách “tự nhiên” hay bị cướng bức, thì một niềm tin mù quáng mà ở phạm trù cá nhân chắng làm chết gì ai, lại thường trở thành một dạng niềm tin làm hủy hoại rất nhiều người, làm lụn bại một cộng đồng, hay một dân tộc. Nhất là khi niềm tin ấy được mặc nhiên chấp nhận không dựa trên căn bản của sự trải nghiệm, của sự duy lý và sự chấp nhận tính phản biện, tình chịu điều chỉnh. Lịch sử đã cho chúng ta thấy quá nhiều ví dụ (samples) về sự tai hai của các niềm tin son sắt trước sau như một kiểu này, từ tôn giáo đến chính trị, từ pseudoscience kiểu ngoại cảm cho đến mê tin dị đoan, khi nó không còn bó hẹp trong phạm trù cá nhân nữa.
Cổ súy cho tính duy vật biện chứng không có nghĩa là không biết tin và không biết tôn trọng tôn giáo hay niềm tin vào tôn giáo, không có nghĩa là không biết thướng thức một câu chuyện ngụ ngôn ớ xứ sở Vòm Chai, khi niềm tin đó được giới hạn cho từng cá nhân thay vì bao trùm lên cả xã hội.
Ông Liu Xiaobo (người vừa được giải Nobel hòa bình), vài ngày trước khi ra tòa, đã viết những dòng này về tình yêu và niềm tin của mình:
Ask me what has been my most fortunate experience of the past two decades, and I’d say it was gaining the selfless love of my wife, Liu Xia. She cannot be present in the courtroom today, but I still want to tell you, sweetheart, that I’m confident that your love for me will be as always. Over the years, in my non-free life, our love has contained bitterness imposed by the external environment, but is boundless in afterthought. I am sentenced to a visible prison while you are waiting in an invisible one. Your love is sunlight that transcends prison walls and bars, stroking every inch of my skin, warming my every cell, letting me maintain my inner calm, magnanimous and bright, so that every minute in prison is full of meaning. But my love for you is full of guilt and regret, sometimes heavy enough hobble my steps. I am a hard stone in the wilderness, putting up with the pummeling of raging storms, and too cold for anyone to dare touch. But my love is hard, sharp, and can penetrate any obstacles. Even if I am crushed into powder, I will embrace you with the ashes.
Đó là một người đặc biệt, một hoàn cảnh đặc biệt, một niềm tin đặc biệt mà ít ai trong chúng ta có trải nghiệm thực sự. Nhưng đó là một niềm tin nhiều người trong chúng ta có thể đồng cảm.

Tuesday, October 26, 2010

ĐSQ = Đưa Sừng Qua ... sông

From blog Huy Minh

Sừng tê giác


Bản tin của BBC: “Quan chức Nam Phi tới Việt Nam bàn chống buôn lậu sừng tê giác”

Traffic nói từ đầu năm tới nay Nam Phi đã mất 230 tê giác, tức cứ 30 giờ lại có một con biến mất. Hồi năm 2008, một nhà ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi đã bị quay phim khi đang mua sừng tê giác. Trong khi đó hồi tháng Bẩy năm nay, một người Việt đã bị kết án tù ba năm vì đưa lậu năm sừng tê giác (18kg) qua sân bay Tân Sơn Nhất. Hồi tháng Sáu, tòa án ở Nam Phi đã đưa ra mức án tù 10 năm vì buôn bảy sừng tê giác (16kg) qua sân bay quốc tế O.R. Tambo của Nam Phi.
Thẹn chưa? Khác nào người ta đến tận nhà mà bảo đừng tiêu thụ đồ ăn cắp, ăn trộm của người ta nữa.
Sừng tê giác có công dụng gì thì nhiều lời đồn đoán. Cách nay khoảng 8 năm, bố em Bom được mời uống rượu sừng tê. Muốn uống thì phải mài. Một chiếc đĩa sứ hơi nhám được chuẩn bị, đổ lên đó một chút nước, sau đó dùng chiếc sừng to như nắm đấm mài vào. Mình thấy bảo là sừng tê, đời người mấy khi mới được xài, nên ra sức mài thật lực. Sau khoảng 1 giờ thì cho ra 1 thứ nước đục như nước gạo, pha vào rượu uống. Uống xong cứ phấp phỏng xem có gì khang khác trong người không? 3 ngày sau vẫn chỉ thấy ăn ngủ, đánh rắm như bình thường vậy thôi huhu.
Chiếc sừng trong ảnh được chụp năm 2010 trong 1 gia đình tại Hà Nội. Chủ sở hữu của nó cho rằng, sừng tê xịn thì khi chiếu đèn vào trong hốc sừng, phần chân sừng sẽ tỏa ra ánh sáng đỏ. Nếu không thì toàn là sừng vớ vẩn. Không hiểu sao lại như thế? Liệu phần chân sừng có sót lại những mạch máu không nhỉ? Sao nó cứ đỏ lên thế nhỉ? Nó có phải sừng xịn không nhỉ? Chả hiểu. Nhưng nó cho thấy sự tồn tại của sừng tê giác tại Hà Nội (thật cũng như giả) là có rất nhiều khả năng, cũng như nhu cầu về nó.

trăng

Trần Khiêm 

 


Nàng ngự đỉnh lầu
Kêu chẳng nghe đâu
Hỡi người tháp cũ!
Gót chân nát nhàu
Rọi gân lá nhỏ
Lên má trung thu
Ôi! Biết làm gì!
Những trưa nóng nảy
Chuyện xưa rớt mãi…
Dắt ngựa trầm tư
Về bên suối chết
Ôi! Biết đem gì!
Lũy tre. Sắc áo
Giọt nắng. Bờ đê
Trâu vàng. Nghé đỏ
Ngậm cỏ. Tìm say
Ôi! Nhớ cùng ai!
Tiết điệu nhởn nhơ
Dìm đôi mắt quỷ
Lặn vào bài thơ
Niềm riêng chảy máu
Ôi! Chết cùng ai!
Niềm riêng nổi cáu!
Hỡi nàng bắc đẩu!
Hỡi nàng miệng dảu!
Hỡi nàng hố sâu!
Hỡi em mất đầu!
Em ngự đỉnh lầu
Kêu chẳng nghe đâu

Thua cả Google Translator ... nhiều bậc: Văn hóa lâm nguy !



Trích từ đối thoại của Lê Bá Thiện Cơ (tienve.org)
...
ngày 30/9/2010, trang web của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Việt Nam quảng bá bài báo “Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa”, hồ hởi khen ngợi cái CD Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một cái CD gồm 10 bài hát về Hà Nội và Sài Gòn được chuyển ngữ sang tiếng Anh sai đến mức ngớ ngẩn tột độ. Chắc chắn không một người nước ngoài nào có thể hiểu nổi đó là ngôn ngữ gì. Nhưng các bài hát này lại được một nhóm ca sĩ Việt Nam trẻ có, già có, thay nhau say sưa “diễn tả” bằng một lối phát âm tiếng Anh ngọng nghịu đầy chỗ sai của những người mới tập nhái tiếng Anh.
- Tối 21/10/2010 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, một màn thậm lố bịch đã diễn ra trong buổi lễ bế mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất. Buổi lễ này có vô số những sự cố xộc xệch, nhưng ê chề nhất là sự kiện Lại Văn Sâm, một MC hàng đầu ở Việt Nam, đã bịa lời dịch tiếng Việt để nhét vào mồm của diễn viên Mĩ gốc Hoa nổi tiếng Ngô Ngạn Tổ.
Trong lịch sử liên hoan điện ảnh quốc tế trên toàn thế giới chưa từng xảy một sự kiện quái dị như vậy và chưa từng có một MC nào hỗn láo đối với khách quốc tế và công chúng trong cả nước đến mức ấy.


Mời độc giả xem bản ghi chép sau đây để tiện theo dõi:
Ngô Ngạn Tổ: “Good evening, ladies and gentlemen. I just want to say what a pleasure and honor it has been for me to take part in the first Vietnam International Film Festival in this beautiful city of Hanoi on its 1000th birthday.” (Xin chào quý bà và quý ông. Tôi chỉ muốn nói thật là một niềm vui sướng và vinh dự cho tôi được tham dự Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội xinh đẹp vào dịp sinh nhật thứ 1000 của nó.)
Lại Văn Sâm dịch bịa: “Vâng, Ngô Ngạn Tổ có gửi tới lời chào tới tất cả những người biết anh, hâm mộ anh qua những tiếng reo hò khi anh xuất hiện. Cảm ơn tất cả mọi người đã chào đón anh ở thủ đô Hà Nội, nơi mà anh cũng biết rất nhiều qua báo, đài...”
Ngô Ngạn Tổ: “I think this week has been full of new and interesting challenges for everyone, but what holds true is the passion of film is very much alive here.” (Tôi nghĩ tuần lễ này đã mang đầy những thử thách mới mẻ và thú vị đến với mọi người, nhưng quả thật là niềm đam mê điện ảnh ở đây rất là sống động.)
Lại Văn Sâm dịch bịa: “Và anh ấy cũng rất phấn khởi khi được mời tới dự liên hoan phim quốc tế lần đâu tiên tổ chức tại Việt Nam và anh tin tưởng rằng với đà này thì điện ảnh Việt Nam sẽ có tương lai rất sáng.”
Ngô Ngạn Tổ: “I think the goal of any film festival is not only to bring world cinemas to local audiences but also to bring local cinemas to world audiences, and I think that's certainly been achieved here.” (Tôi nghĩ mục đích của bất kì cuộc liên hoan phim nào đều không chỉ là để mang điện ảnh thế giới đến với khán giản địa phương nhưng cũng là để mang điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới, và tôi nghĩ điều ấy chắc chắn đã đạt được ở đây.)
Trong khi có một giọng nữ bắt đầu dịch được vài chữ, nhưng nói nhỏ tiếng, thì Lại Văn Sâm lại dõng dạc át giọng và dịch bịa: “Và anh ấy nói rằng là ở Hà Nội trong những ngày qua thì anh ấy cũng được chứng kiến những dòng người đổ đến các rạp để xem các phim trình chiếu trong liên hoan phim quốc tế như thế nào.”
Đến đây Lại Văn Sâm vì không hiểu tiếng Anh, nên tưởng Ngô Ngạn Tổ đã phát biểu xong, Lại Văn Sâm bèn nói thêm: “Xin cảm ơn! Xanh kiu vé ri mật! Xanh kiu vé ri mật!” Ngô Ngạn Tổ nghe Lại Văn Sâm nói “Xanh kiu vé ri mếch” nên lịch sự đáp lại “Thank you”, rồi đứng chới với, ngỡ ngàng trước micro.
Thấy vẻ ngỡ ngàng của Ngô Ngạn Tổ và mọi người chung quanh, Lại Văn Sâm mới đoán là Ngô Ngạn Tổ chưa phát biểu xong. Lại Văn Sâm bèn nói tiếng Anh giọng bồi: “À, à đu yu oăn tu xây xăm xinh. Mo? Ô kê, ô kê, iu wen com.” (Tạm hiểu là: “À, à ông muốn nói cái gì. Thêm hả? Ô kê, ô kê, mời ông nói.”)
Ngô Ngạn Tổ: “I just want to say that I wish the best of luck for the future of the Vietnam International Film Festival and I hope that opportunity will come back again. Thank you.” (Tôi chỉ muốn nói rằng tôi cầu chúc sự may mắn tốt đẹp nhất cho tương lai của Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam và tôi hi vọng cơ hội ấy sẽ trở lại. Cảm ơn quý vị.)
Lại Văn Sâm hốt hoảng vì không hiểu gì cả. Sau vài giây im lặng, Lại Văn Sâm kêu lên: “Ly ơi! Ly ơi!”
Cô Ly dịch giùm: “Vâng, thưa quý vị! Anh đã chúc cho liên hoan phim một thành công tốt đẹp nhất.”
Lại Văn Sâm hồ hởi nói lớn: “Vâng, cám ơn bạn... Xanh kiu vé ri mật!”

Monday, October 25, 2010

ta và Địch...

ta và Địch 25 năm trước ....


Địch và ta vừa mới ... hôm qua

Hai nhăm năm lẻ đã qua
Địch ta, ta Địch biết bao là .... tình

Sunday, October 24, 2010

Ở rể

 
Phạm Phương

  
Đêm nọ, dưới ánh sáng trăng, tôi gặp một cái bóng mờ.
Dưới trăng, từng đường gân thớ thịt của người đàn ông ấy hiện ra. Cái bóng hơi gù xuống khi lượn qua một vòm hoa thiên lý.
Tôi đợi. Trong ánh sáng lõa lồ của vầng trăng đong đưa trước gió. Hắn đến.
Hắn đến. Hắn đến rồi!
… Và tôi chìm vào say đắm…
Hắn là anh rể tôi, tức là chồng chị gái tôi. Ngày đầu hắn về ra mắt. Tôi nhìn hắn vài giây rồi quay mặt bước đi. Đằng sau có tiếng bố mẹ tôi nghiêm nghị mà như giải thích với hắn: Nó yêu chị lắm, nghe chị lấy chồng nên nó buồn đấy mà. Họ cùng cười.
Hắn không đẹp trai, có một nốt ruồi khá to ở chân mày, là một người đàn ông trầm lặng. Chị tôi cũng không đẹp, là người phụ nữ an phận thủ thường. Họ cưới nhau ngày đầu tháng. Trời không có trăng. Tối om. Ít gió.
Hắn không có nhà, nhưng là người có học. Bố mẹ tôi quý hắn. Hắn đồng ý ở rể. Căn phòng lớn ở lầu trên cùng, cửa sổ to bằng mặt tiền. Mở cửa ra là đầy gió trăng. Chị tôi ghét gió, cửa ấy đóng im ỉm suốt ngày.
Từ khi về ở rể, ngoài thời gian đánh cờ với bố và ăn cơm, cứ đi làm về nhà là hắn chui vào phòng. Chị tôi cũng vậy.
Họ có vẻ thỏa mãn.
Rồi chị tôi có bầu. Cái thai làm chị tôi trở nên khổ sở, gầy rạc người, hết ốm nghén lại mệt nhọc… Đứa con sinh ra, chị tôi tưởng chết. Nó lớn lên, được 2 tuổi, hắn vẫn ở rể. Chị lại có bầu, lại ốm, lại khổ sở. Tôi bảo hắn: anh đừng chọc cái của nợ của anh vào người chị tôi nữa. Hắn cười, bảo: Dì cứ lấy chồng đi sẽ biết. Dạo ấy, tôi 20 tuổi.
Rồi tôi 30, hắn vẫn ở rể nhà tôi.
Tôi gặp chàng, người yêu đầu tiên của tôi, năm 29 tuổi. Chàng hơn tôi 4 tuổi, là một nhà thơ. Chàng làm thơ, tôi mất đời con gái. Chàng bỏ đi, thế giới của tôi chỉ có công việc nhàm chán, hai ông bà già, một người chị đã sồ sề, hay mặc quần ngủ đi lại trong nhà, hai đứa cháu gái đần độn chỉ biết mè nheo và HẮN.
Tôi ghét hắn. Ai cũng biết điều đó.
Hắn đã bước vào tuổi trung niên, từng đường nét càng ngày càng xấu xí, khó coi. Tôi càng ghét hắn hơn. Nhiều lần chị tôi bảo, đó là chồng chị, em đừng làm thế. Tôi cười, cứ  làm như là em cướp chồng chị vậy. Chị bảo, có ai cướp hắn đi thì chị còn cám ơn, nhưng chị không muốn người ấy là em. Chị thở dài.
Nhưng đêm nào cũng nghe thấy tiếng họ rúc rích ở tầng thượng. Hầu như là những ngày không trăng.
Chị vẫn thỏa mãn.
Đêm ấy, ngày rằm nhưng trời mưa. Tôi uống rượu xong, khóa chặt cửa, khỏa thân chạy ra ban công ướt đẫm. Tôi ngồi thu lu dưới làn nước ướt tận vào lòng đau. Hắn ở ban công tầng thượng nhìn xuống. Trân trối.
Từ đó, hắn hay nhìn trộm tôi trong những lúc ăn cơm hay vô tình chạm mặt.
Hắn mò ra vườn gặp tôi trong một buổi tối, trăng tròn. Hắn chỉ nhìn tôi, đôi tay hắn mò vào eo tôi rồi từ từ lướt xuống dưới. Tôi mê đi. Trong nhà, tiếng nhõng nhẽo của cháu gái, tiếng dỗ dành của chị tôi. Tất cả đều chìm vào ảo tưởng. Đối với tôi, giờ đây chỉ còn mùi của dĩ vãng về chàng – mùi đàn ông.
Tôi bỏ đi sau lần đó 2 ngày, có viết thư lại cho bố mẹ và chị gái, bảo rằng, con muốn đi xa. Từ bấy đến giờ đã vài năm qua đi, không ai tìm tôi cả.
Bên cạnh, đứa con tôi, một đứa con trai không đẹp, có nốt ruồi to ở chân mày. Chắc chắn, nó sẽ trở thành người có học vì nó rất thông minh.
Và, tôi cũng không có nhà cửa để lại cho nó.

Saturday, October 23, 2010

Lê Ngộ Châu, 160 Phan đình Phùng

Đặng Tiến

Nhà báo Lê Ngộ Châu, điều hành tạp chí Bách Khoa tại Sài Gòn trước 1975, qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 -2006, thọ 83 tuổi.
Ít người biết đến tên Lê Ngộ Châu vì ông không viết sách, viết báo, chỉ âm thần phụ trách tòa soạn tạp chí Bách Khoa trong non hai mươi năm. Nhưng đa số những người làm văn học tại Miền Nam trước đây đều biết và quý mến, thậm chí chịu ơn ông dẫn dắt. Muốn hiểu tình cảm sâu đậm đó, phải biết Bách Khoa không những là tạp chí có đời sống lâu dài nhất (1957-1975), mà còn có những đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa Miền Nam thời đó.

Bach Khoa_1962
Nhà văn Võ Phiến là người hợp tác chặt chẽ với Bách Khoa suốt thời gian này, đã nhận định chính xác:
 Bảo tờ Bách Khoa thành công là không phải chỉ nghĩ đến cái tuổi thọ của nó mà thôi. Tuổi thọ dắt theo một số ưu điểm khác. Người ta nhận thầy Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau ; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của Miền Nam trên nhiều phương diện : kinh tế, văn hóa, chính trị v.v… Trên Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc… ; như thế không những trên Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ: tiểu-thuyết-mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v…

Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng.
Không có chủ trương « văn nghệ cách mạng » cũng không chủ trương « vượt thời gian », nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo…  (Văn học Miền Nam, Tổng Quan, 2000, tr. 239).
Nguyên Sa dùng chữ « xôi đậu » không nhất thiết là nói đùa. Ở một nơi khác, ông có viết « Bách Khoa với đời sống lâu dài không bị xếp vào hàng ngũ báo nhà nước » (Bách Khoa, số kỷ niệm 14 năm, 15-1-1971). Lời này bổ sung cho lời kia, và nói lên một sự thật kỳ lạ: Bách Khoa, nguyên ủy là của hội Văn Hóa Bình Dân, một hội đoàn trực thuộc văn phòng chính trị của Ngô Đình Nhu, do Huỳnh văn Lang chủ trì; hội này cai quản những trường Bách Khoa Bình Dân, do đó có tên báo Bách Khoa, còn gọi là Bách Khoa Bình Dân.

Bach-Khoa-1970
Huỳnh văn Lang giám đốc Viện Hối Đoái, người bỏ tiền ra báo, là bí thư Liên Kỳ Nam Bắc Việt Nam của đảng Cần Lao mà Ngô Đình Nhu làm tổng bí thư. Năm đầu, 1957, ông Lang điều khiển tờ báo, viết bài về kinh tế khi Phạm ngọc Thảo viết về quân sự, chính trị ; 1958 ông Lang đi tu nghiệp ở Mỹ, giao Bách Khoa cho Lê Ngộ Châu điều hành; năm 1963 ông Lang bị bắt vì tội kinh tài cho chế độ Diệm, thì Lê Ngộ Châu tiếp tục nhiệm vụ, anh em thường gọi là Lê Châu. Nhưng báo vẫn đứng tên Huỳnh văn Lang cho đến tháng 2-1965, báo phải đổi tư cách pháp nhân, lấy tên Bách Khoa Thời Đại, do Lê Ngộ Châu đứng tên chủ nhiệm, và đến tháng 1-1970, lấy lại tên Bách Khoa.
Với gốc gác như vậy mà Bách Khoa được xem như là báo « xôi đậu », không bị xếp vào hàng ngũ « báo nhà nước » như Nguyên Sa ghi lại, và đóng góp lớn lao với đời sống văn hóa như Võ Phiến nhận định, là nhờ công lèo lái của Lê Châu.
Nguyên Sa trong bài báo đã dẫn, đã mô tả một buổi họp tòa soạn, tại Ngân Hàng Quốc Gia, khoảng 1957: « bàn cãi về tờ Bách Khoa đã diễn ra sôi nổi. Lê Châu mặt trắng ngồi lặng lẽ, ít nói, hiền hòa. Thỉnh thoảng anh cất lời, toàn những lời nhẹ nhàng, vừa phải, nghiêm túc, không gây sóng gió nào ». Đúng là hình ảnh Lê Châu. Về mặt ứng xử hằng ngày, thì Vũ Hạnh có lần tập Kiều: «ở ăn thì nết cũng hay, ra điều ràng buộc thì tay cũng già ». Đúng là Lê Châu.
Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chưa kể những tác giả sinh sống ở ngoài nước thường xuyên gửi bài về cộng tác.

Bach-Khoa-R-1975
Lê Châu kiến thức rộng, thường xuyên giao tiếp với quan chức hay các nhà văn hóa danh vọng, nhưng luôn luôn từ tốn, trong cách ứng xử hàng ngày, với những người viết trẻ tuổi. Ông đặc biệt lưu tâm đến những người viết mới, viết từ các tỉnh nhỏ, đặc biệt là từ Miền Trung.
Bách Khoa là một tờ báo phổ thông, chủ tâm vào những đề tài chính trị, quốc tế, kinh tế, khoa học, chỉ dành một phần cho văn học nghệ thuật, nhưng về lâu về dài đã có những đóng góp lớn lao cho bộ môn văn nghệ. Về sau, phần văn nghệ này lại là khối tài liệu quý giá.
Lê Châu còn là gương sáng về đức khiêm tốn trí thức. Hai chữ Bách Khoa bình thường được dịch ra tiếng Pháp là Encyclopédie theo nghĩa từ điển bách khoa, hoặc tư trào Bách Khoa trong văn học Pháp thế kỷ XVIII ; nhưng Lê Châu không nhận từ này, cho rằng quá to tát so với tờ báo. Ông dịch Bách Khoa là Variétés, sát nghĩa là « tạp chí ». Ông sành nhưng không sính tiếng Pháp.
Lê Châu là kẻ sĩ theo truyền thống, luôn luôn mực thước, trong nếp trung dung của cửa Khổng sân Trình và theo nếp mực thước, juste mesure của bực trí thức tân học. Trong đời sống, ông là người bảo thủ; trên cương vị chủ báo, ngược lại, ông khuyến khích văn chương trẻ và tư tưởng mới, nhưng chừng mực thôi.
Bách Khoa mỗi số cố công đưa xã hội Việt Nam đi kịp thời đại Âu Mỹ, nhưng Lê Châu không ưa thời thượng, dị ứng với lời văn hay thái độ kệch cỡm. Ông không ưa lối sống nhệ sĩ huênh hoang. Bách Khoa là báo trường vốn, có quảng cáo đều, có độc giả ổn định, nên không cần theo thời trang, câu độc giả. Khi đăng từng kỳ truyện « Vòng tay học trò », của Nguyễn thị Hoàng, sau này sẽ gây nhiều dư luận phản đối về mặt đạo lý (cô giáo yêu học trò) là Lê Châu có cân nhắc, và chứng tỏ tư tưởng phóng khoáng.
Có lẽ Bách Khoa là tạp chí giới thiệu nhiều nhất các phong trào tư tưởng mới, từ văn học đến triết học, ví dụ tư trào hiện sinh, mà lúc ấy không phải ai ai cũng hưởng ứng.

Bach-Khoa-D-1975
Khi được tin Lê Châu mất, tôi có điện thư cho nhà văn Trần Hoài Thư, anh trả lời là đã được Lữ Quỳnh điện thoại thông báo: cả hai cùng lò Bách Khoa. Anh kể: mình là quân nhân, từ Cao Nguyên về Sài Gòn, hẹn với người yêu – vốn là độc giả hâm mộ, từ Lục Tỉnh lên – tại tòa soạn Bách Khoa, 160 Phan đình Phùng. Sau đó hai người thành vợ thành chồng.
Tôi còn giữ trong tay số Bách Khoa Thời Đại đầu năm 1968, có đăng truyện « Trên Đồi nhìn xuống » ký tên Trần Quý Sách, bên cạnh truyện Võ Phiến, Võ Hồng, Linh Bảo; và bài thơ « Một vì sao lạ » ký Trần Hoài Thư bên cạnh thơ Đoàn Thêm, Bùi Khánh Đản và thơ Đông Hồ tặng Vũ Hoàng Chương.
Trụ sở Bách Khoa là nơi hẹn và là hộp thư. Chuyện tình Trần Hoài Thư, lúc ấy còn ký Trần Quý Sách, là chính đáng, còn những quan hệ linh tinh, bay bướm của các nhà văn, nam và nữ, thì hằng hà sa số. Nhưng Lê Châu không bao giờ kể.
Bây giờ thì anh vĩnh viễn im lặng.
Với nhiều bạn bè, dù là thân thuộc, Lê Châu vẫn là niềm bí ẩn lớn lao giữa cơn gió bụi của thời đại.
Khi kết hợp những người chính kiến khác nhau, trong suốt thời gian ấy, không biết Lê Ngộ Châu, trong ý thức hay tiềm thức, có nuôi ước mơ hòa giải và hòa hợp dân tộc hay không.
Tôi ngờ ngợ.
Đặng Tiến
Viết ngày 27/9/2006
Viết lại nhân ngày giỗ mãn tang Lê Ngộ Châu 24/9/2009

Tăng Thanh Hà - Ngô Ngạn Tổ và ... Lại Văn Sổ

Lại Văn Sâm quá tệ hại ... thật là xấu hổ cho VN

Audience có toàn tây đầm mũi lõ, Trà Giang, Hải Ninh, Hồng Ngát ...vv vậy mà Lại Văn Sâm xổ nho văng mạng, dịch bậy bạ tùm lum, không biết xấu hổ, cắt lời Ngô Ngạn Tổ môt cách bất lịch sự,... "You wan to Xay Xomsing?"... chỉ lòe đươc dân ta

Blog Đông A bình luận:
Tôi xem đoạn clip trên mà không khỏi phì cười. Đúng là chuyện hài cuối tuần. Clip quay đoạn ông Lại Văn Sâm, người của Đài Truyền hình Việt Nam dịch lại mấy câu phát biểu của diễn viên Ngô Ngạn Tổ trong buổi lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế Việt Nam tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Nếu là tình huống đột xuất, không lường được trước là phải phiên dịch tiếng Anh, người tổ chức chương trình đã đưa người không có khả năng dịch được tiếng Anh làm người dẫn chương trình thì không nói làm gì. Tình huống phải dịch tiếng Anh là tình huống đã biết trước và nằm trong chương trình. Vậy mà vẫn để xảy ra như vậy, để cho Lại Văn Sâm coi thường tất cả mọi người có mặt ở buổi lễ trao giải, cũng như coi thường luôn khán giả xem truyền hình của cả nước, đem lời nói nhăng nhít của mình làm lời dịch cho Ngô Ngạn Tổ. Đúng là một Xuân tóc đỏ thời nay! Nhưng điều đáng kinh ngạc ở chỗ một kẻ như Lại Văn Sâm như vậy lại có thể làm công việc như vậy ở Đài truyền hình Việt Nam, một đài truyền hình của quốc gia, một bộ mặt của quốc gia. Đoạn clip trên chẳng khác nào một bãi nước bọt nhổ thẳng vào mặt Đài Truyền hình Việt Nam cũng như uy tín quốc gia.

Thursday, October 21, 2010

Blog Dam Thanh Son: Nobel Prize for Physics 2010

Graphen

Giải Nobel về vật lý năm 2010 sẽ được trao cho Andre Geim và Konstantin Novoselov vì khám phá ra graphen. Đây là một giải rất xứng đáng, nhiều người đã chờ đợi.
Muốn giải thích graphen là gì, đầu tiên ta nói về cacbon. Các bạn chắc vẫn nhớ, ở trường phổ thông ta học về ba thể của cacbon: kim cương, than chì và cacbon vô định hình. Ba thể này khác nhau ở cấu trúc vi mô. Than chì là trạng thái bền nhất ở điều kiện bình thường. Ở mức nguyên tử, cấu trúc của than chì rất đơn giản:
graphite
Trong hình vẽ trên, các nguyên tử cacbon là các hình cầu nằm ở đỉnh các hình lục giác. Như bạn thấy trên hình vẽ, than chì cấu tạo theo lớp, mỗi lớp là một lưới lục giác của các nguyên tử cacbon, các lớp xếp chồng lên nhau. Khoảng các giữa các lớp (0.34 nm) lớn hơn nhiều khoảng cách giữa các nguyên tử trong một lớp (0.14 nm). Do đó các lớp của than chì dính vào nhau không chặt, dễ bị tách ra, và đấy chính là lý do than chì được dùng trong lõi bút chì.
Từ giữa những năm 80 người ta bắt đầu tìm ra những thể mới của cacbon. Đầu tiên là C60, phân tử này gồm 60 nguyên tử cacbon xếp với nhau thành một hình giống hình quả bóng đá. Khám phá này được giải Nobel năm 1996 về hóa học. Sau đó là ống nano cacbon, có thể coi là một lớp của than chì cuộn lại thành một cái ống. Nói một cách nôm na, C60 là một vật thể 0 chiều, ống nano là vật thể 1 chiều, còn than chì là 3 chiều.

0 chiều, 1 chiều, 3 chiều: ta thiếu 2 chiều. Nếu ta tách được 1 lớp cacbon ra khỏi than chì ta sẽ có một tinh thể lục giác 2 chiều như hình ở dưới.

Cấu trúc này được đặt tên là graphen đã từ lâu, khi chưa ai biết làm ra nó như thế nào. Tại sao lại gọi là graphen? Chắc hẳn “graph” là từ graphite (than chì) ra, còn đuôi -en tôi đoán là do cấu trúc trên có thể coi là một số vô hạn các vòng benzen dính vào nhau. Người ta đã cố gắng làm ra graphen bằng phương pháp hoá học, nhưng các nỗ lực đó đều không thành công.
Geim và Novoselov dùng một phương pháp rất đơn giản để làm ra graphen. Họ dùng than chì để viết lên một mặt phẳng (như viết bút chì), sau đó dùng băng dính để bóc dần từng lớp than chì ra cho đến khi chỉ còn một lớp rất mỏng. Vấn đề khó nhất là lớp mỏng này có độ dày không đồng đều, có thể có chỗ là một lớp 1 nguyên tử, nhưng thường là dày hơn. Làm thế nào ta tìm ra chỗ có độ dày chỉ bằng 1 lớp nguyên tử? Đây chính là trở ngại quan trọng nhất Geim và Novoselov vượt qua năm 2004. May mắn và tình cờ, họ tìm ra rằng nếu lớp mỏng này nằm trên một tấm silic, trên bề mặt có phủ một lớp SiO2 với độ dày nhất định, ta có thể phân biệt được những chỗ độ dày bằng một lớp nguyên tử và những chỗ dày hơn chỉ bằng kính hiển vi thường, do hiện tượng giao thoa.
Phương pháp làm graphen này được gọi bằng một cái tên khoa học “micromechanical cleavage” nhưng thực ra chỉ đơn giản thế thôi. Những tấm graphen làm bằng phương pháp này ít khi to hơn 0.1 mm. Hiện nay đã có nhiều phương pháp khác để làm graphen, kích thước có thể đến gần 1 m. Bình thường graphen nằm bên trên một chất khác (như SiO2), nhưng năm 2007 nhóm của Geim và Novoselov đã làm được graphen treo trong chân không giữa hai tấm kim loại.
Về mặt lý thuyết, graphen gây chú ý nhiều vì electron (năng lượng thấp) ở đó chuyển động với một vận tốc cố định, nhỏ hơn tốc độ ánh sáng khoảng 300 lần. Điều này làm cho các tính chất của graphen rất khác các chất khác. Có người đề xuất là các điện tử trong graphen có thể tạo thành một chất lỏng rất gần với chất lỏng lý tưởng. Về mặt công nghệ, người ta đặt nhiều hi vọng vào graphen. Ví dụ, người ta đã làm ra được touchscreen bằng graphen, và dùng graphen trong cả sinh học. Nhưng chúng ta hãy đọc xem Geim nói gì khi người ta hỏi ông ta về ứng dụng của graphen:
When someone asks about applications in my talks, I usually tell a story about how I was on a boat one day watching dolphins, and they were jumping out of the water, allowing people to nearly touch them. Everyone was mesmerized by these magnificent creatures. It was an extraordinary romantic moment—well, until a little boy shouted out, “Mom, can we eat them?” It’s a similar matter here—as in, okay, we just found this extraordinary material, so we’re enjoying this romantic moment, and now people are asking if we can eat it or not. Probably we can, but you have to step back and enjoy the moment first.
Phải nói hai người này là những nhà vật lý hết sức sáng tạo, có nhiều ý tưởng rất vui. Năm 2000 Geim đã được giải Ig Nobel cho thí nghiệm dùng từ trường làm cho một con ếch bay trong không khí. Vài năm trước, họ còn làm ra được “gecko tape”, một loại băng cực dính. Muốn biết về phong cách làm việc của họ, tốt nhất là đọc những bài phỏng vấn trong phần tài liệu tham khảo dưới đây.
Tài liệu tham khảo:
Mức phổ biến khoa học: Carbon Wonderland (A. Geim and P. Kim, Sci. Am. tháng 4 năm 2008)
Cho người học vật lý: Graphene: Exploring Carbon Flatland (A. Geim and A. MacDonald, Physics Today 60 (2007) 35-41)
Phỏng vấn Geim
Phỏng vấn Novoselov
Bài của bác NQH giới thiệu cũng rất đáng đọc.

Wednesday, October 20, 2010

Thơ Hai Câu của Thi Sỹ Lê Đạt

Do Cụ STS phát hiện sự "nhầm lẫn" của Thi Sỹ Lê Đạt về khái niệm Thơ Haiku nói chệch kiêng ... phạm húy thành Hai Câu, mà nhà thơ Lê Đạt của chúng ta cho ra đời một loạt thơ Hai Câu, mà theo tôi cũng rất hay

Cikada


MẮT ĐÁP CẦU


Màu kỷ niệm
mắt Đáp Cầu đuổi bướm


Số tình

Nắng bay chuyền chim đầu dây điện thoại
Số tình a lô mãi gọi đôi xuân


Vắng

Vắng em rồi ai dẫn anh đôi phố
Sấu vàng đường trăng trở úa chân thu


Tàu nhanh

Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu


Xin lửa

Lúm má xoan toan cậy nhờ hạt lửa
Độ nhật hường qua nửa trường đông


Lãnh đủ

Em ô một lạnh mình anh lãnh đủ
Ngoại dù vùng mưa nhỏ hoá mưa to


Tuổi chín

Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chín
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng


Đầu thu

Mi liễu mắt đừng sao sắc nữa
E biếc đầu thu lỡ giết người


Tìm trầm

Lòng rừng già mà hoa thì con gái
Tóc dư hương
cho thương ngậm ngải tìm trầm


Cao tần

Cánh sóng cao tần biếc quét
Cầu mày cong một nét ăng ten


Bến nổi

Mắt hải đăng soi đường xanh bến nổi
Ngực triều non phao nõn tuổi bềnh bồng


Lời hương

Điện tắt thu tàn trăng cuối tháng
Lời thầm hoa phát sáng thư hương


Thức

Thức chợt mới hay mơ rằng thực
Hoa đền tên nở nức hương đêm


Xổng ngà

Lòng biển triều xa con sóng
Lồng xổng ngà tim ướm giọng
ngực tình ca


Vải Thanh Hà

Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa


Ú tim

Ngỡ trốn đùa
đâu ngờ em trốn thật
Rừng ngàn tìm lạc giọng
hu… ú tim


Phả Lại

Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay


Lạy trời

Yên lành xuân mắt nguồn xanh vần vụ
Lạy trời em đừng họ với cơn dông


Vô đề

Vòng buộc cổ chim thư thả nắng
Hẹn quê ai xoá trắng tên đề


Ngâu

Vào yêu mồng ba chia xa mồng bảy
Tình hăm mốt ngày xúi quẩy may ngâu


Mộng cũ

Tình đổi tiền quầy tim xưa đóng cửa
Mộng cũ dăm đồng âm phủ gió xua


Ngủ muộn

Sớm nào cũng mưa cho mơ em ngủ muộn
Thư ngũ sắc về bong bóng có đưa nhanh?


Thất nghiệp

Em bố trí lịch tim tuần một buổi
Ca đôi tình thất nghiệp hỏi sáu ngày


Máy nhắn tin

Máy nhắn chim tin tìm mê lộ phố
Lòng khác tình tim đổi số lặng thinh


Vũng Tàu

Mắt nước con triều thu lên xuống
Mà tàu mắc cạn vũng tình trăng

Monday, October 18, 2010

Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932)

MỘT NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC

Phạm Quỳnh
Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài viết của Phạm Quỳnh năm 1931, nguyên văn bằng tiếng Pháp, bản dịch tiếng Việt của Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Bài này đã in trong sách Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932) do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản năm 2007 tại Hà Nội.
—o0o—
Một cuộc bàn cãi sôi nổi đang diễn ra ít lâu nay trong một số anh em đồng nghiệp báo chí nước Nam chúng tôi. Đó là về việc nước Nam có một nền văn hóa dân tộc không. Một dân tộc nổi danh hiếu học, tự hào về các bậc túc nho, qua bao thế kỷ có sản sinh ra được một nền văn hóa dân tộc mang bản sắc riêng không? Hay rốt cuộc nó chỉ là một cậu học trò, dù đôi khi là một học trò xuất sắc, nhưng vẫn là một học trò của nước Trung Hoa, người mẹ của toàn bộ văn hóa và văn minh, cô giáo duy nhất của tất cả các dân tộc Viễn Đông?
Một số người cho rằng nước chúng tôi đã có nền văn hóa riêng và họ dẫn ra tên tuổi của những vị tiến sĩ nổi danh trong quá khứ làm điểm tựa cho lập luận của mình. Một số khác thì vặn lại rằng tất thảy các vị tiến sĩ đó chẳng để lại được cái gì độc đáo mà chỉ nhai nhải lặp lại những kinh điển Nho giáo xưa cũ ai cũng biết, và thực tế là nước Nam chưa bao giờ có một nền văn hóa dân tộc khác biệt với của Trung Hoa.
Xét một cách tuyệt đối, ý kiến của những người sau có lý. Nước Nam bao giờ cũng chỉ là một học trò của Trung Hoa. Trong nghệ thuật, văn học, tôn giáo, triết học, nó luôn sống dựa vào kho tàng quan niệm chính truyền từ Trung Hoa. Khác với Nhật Bản đứng riêng như một quốc đảo chỉ tiếp nhận từ Trung Hoa những gì cần cho sự phát triển những nét riêng biệt của họ, nước chúng tôi toàn sao chép mọi thứ của nước láng giềng khổng lồ. Và nếu có thể nói rằng nghệ thuật nước Nam chẳng hạn, dù có lấy cảm hứng từ Trung Hoa, nhưng vẫn mang dấu vết riêng của nước Nam khiến cho nghệ thuật nước mình khác với nghệ thuật của Thiên Quốc, thì ta khó mà có thể cũng nhận xét như vậy về văn học hay triết học, là những môn không bao giờ vượt thoát được vết xe cũ của Trung Hoa, không bao giờ tự giải phóng được khỏi những nguyên tắc kinh viện nặng nề và cổ hủ.
Rành rành là cái ách tinh thần của Trung Hoa đã đè nặng lên xứ sở này tới mức ngăn cản đầu óc người Nam tấn tới và phát triển theo nguồn mạch riêng của mình. Mặt khác, việc nằm sát nách một nước lớn luôn có cơ hội xâm lược và cướp đi nền độc lập giành được sau gần mười thế kỷ gian khổ đấu tranh đang duy trì chúng tôi trong mối lo thường xuyên khá bất lợi cho sự tự do nảy nở các năng lực vô tư của tinh thần. Uy lực không gì so sánh nổi của nước láng giềng đó với một lịch sử lâu dài và một nền văn minh đáng nể lại đủ sức uy hiếp một dân tộc nhỏ đã táo gan muốn bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập chính trị của mình song lại không bao giờ tin rằng nước mình có thể chinh phục được nền độc lập tinh thần và luân lý của mình.
Nhưng cái góp phần nhiều nhất vào việc cầm giữ nước Nam trong cái có thể gọi không quá là sự nô lệ tinh thần đối với Trung Hoa, ấy là hệ thống khoa cử mà ở nước chúng tôi, cũng như ở Trung Hoa – và đó chính là nguyên nhân suy tàn của nó – đã thực sự trở thành một thiết chế nhà nước, thiết chế quan trọng hơn cả, được trọng vọng hơn cả, trịnh trọng nhất hạng. Chính thể chuyên chế tìm thấy ở thiết chế này một công cụ thống trị tuyệt vời nên đã bao phủ quanh nó những điều hào nhoáng nghi thức thiêng liêng. Và thiết chế đó đã hoành hành trong suốt một thời gian dài đến mức có thể nói là nó đã góp phần hun đúc trí não người Nam vào cùng một cái khuôn cổ truyền và kinh viện.
Thời Trần, Phật giáo và Lão giáo còn được nghiên cứu cùng với Nho giáo. Nhưng kể từ cuối Trần, Nho giáo đã trở thành quốc giáo độc tôn. Các kỳ thi đánh giá công cuộc học tập và là cánh cửa duy nhất mở vào đường làm quan gồm bài kinh sách và văn sách không có chút ích lợi gì cho trí tuệ. Suốt năm trăm năm, những đầu óc ưu tú của đất nước đã bị khuất phục dưới chế độ suy tàn này, một chế độ giết chết mọi tính độc đáo và hủy diệt mọi tư duy độc lập.
Làm thế nào một nền văn hóa dân tộc lại có thể ra đời và phát triển trong hoàn cảnh như vậy được?
Mặt khác, muốn có một nền văn hóa dân tộc thì phải tồn tại một ngôn ngữ dân tộc hoàn thiện xứng đáng là ngôn ngữ văn hóa. Thế nhưng các nhà nho xưa của chúng tôi chỉ luôn viết bằng chữ Hán, một thứ chữ Latin của vùng Viễn Đông. Ít ai nghĩ đến việc trau dồi tiếng mẹ đẻ mặc dù nó rất phong phú và đẹp đẽ. Có một số người đã thử dùng nó để làm thơ và việc họ sáng tác được một số tác phẩm hay bằng tiếng Nam cho thấy nếu người ta biết làm cho nó uyển chuyển hơn, trong sáng hơn nữa thì nó có thể là một công cụ quý báu giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi.
Nhưng điều mà cha ông chúng tôi không biết làm hay không thể làm – vì họ chịu quá sâu ảnh hưởng Trung Hoa – thì bây giờ chúng tôi phải làm, nhờ vào ánh sáng từ Tây phương dọi tới.
Đó là một sự nghiệp lớn lao đang chờ đợi tất cả những người làm thành giới đặc tuyển tinh thần mới của xứ sở này, bất kể phẩm trật của họ ra sao.
Tạo ra cho nước Nam một nền văn hóa dân tộc, và trước hết, xây dựng một ngôn ngữ dân tộc có thể dùng làm ngôn ngữ văn hóa, theo tôi đó là nhiệm vụ thiết yếu, là sự nghiệp cải biến và đồng thời là công cuộc xây dựng lớn lao đặt ra cho trí tuệ và cho mọi nỗ lực của những nhà trí thức mới ở nước Nam.
Về phần tôi, đó luôn luôn là cái đích mà tôi không ngừng theo đuổi suốt gần hai mươi năm nay.
Ngay khi đầu óc tôi bắt đầu biết nhận dạng một số thực tại nhất định, tôi đã có một linh cảm nhanh chóng biến thành niềm tin rằng, để làm công việc giải phóng chính trị cho dân tộc này thì trước hết cần phải làm công việc để giải phóng cho nó về tinh thần và luân lý đã. Và như vậy chủ nghĩa quốc gia của tôi trước khi đem ra thi thố trên trường chính trị đã được bắt đầu thực hiện trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa.
Một cộng tác viên của tờ Revue du Pacifique (Tạp chí Thái Bình Dương) đã rất hiểu điều đó khi một năm trước đây ông cho công bố hai bài viết quan trọng về “Chủ nghĩa quốc gia Đông Dương”. Đây là đoạn ông đánh giá công việc tôi đang cố làm trong lĩnh vực này. (Tôi trích dẫn không phải vì lời đánh giá của ông ta có thể làm vinh dự cho tôi, mà chỉ vì đó là một thí dụ hiếm thấy của một tác giả Pháp đã bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu cuộc tiến hóa tinh thần ở xứ này):
“Trong số những người thuộc “Phái trẻ nước Nam” chỉ có một số ít đáng mặt coi là quốc gia chủ nghĩa qua một số tư tưởng nền tảng của họ: đó là phái của ông Phạm Quỳnh ở Bắc Kỳ. Ông đã dùng hết tài năng văn học và sự am hiểu ngôn ngữ của mình vào việc phát triển tư tưởng dân tộc. Ông muốn có được một thứ tiếng nước Nam hoàn thiện, được nâng cao lên, có thể vượt lên việc dùng tiếng Pháp. Ông muốn duy trì triết học truyền thống được cập nhật và thích ứng với những nhu cầu của đồng bào mình. Ông muốn cứu vớt nền văn minh nước Nam khỏi sự Âu hóa vội vàng mà ông thấy đó là tác hại vì một khi công việc đó làm hủy hoại thần thái giống nòi thì nó cũng hủy hoại luôn ngay cả tư tưởng về tổ quốc. Những tư tưởng hoàn toàn đáng nể trọng và được bảo vệ một cách rất đáng chiêm ngưỡng này, vả chăng lại không được nói ra dưới dạng một chủ nghĩa quốc gia hiếu chiến đối với nước Pháp. Ông đủ khôn ngoan để vẫn coi uy quyền nước Pháp là cần thiết. Ông chấp nhận nó, thậm chí ông còn thích nó hơn tất cả các uy quyền nào khác, nhưng ông đòi hỏi ở nó một chủ nghĩa tự do và một thái độ vô tư để nó phải tôn trọng nước Nam, cho phép nước Nam dưới sự che chở yên ổn của nó được phát triển hết mức bản sắc độc đáo của mình”.
Tôi xin lỗi đã trích dẫn hơi dài những lời tóm tắt rất chính xác điều mà tôi có thể gọi là chủ thuyết của mình. Tác giả bài viết đó ký tên bằng những chữ cái viết tắt họ tên, nếu tôi không nhầm, là một trong những quan chức nổi bật nhất của Sở Nội vụ. Về phần liên quan đến tôi, ông tỏ ra đã hoàn toàn hiểu tôi và tôi chỉ có thể biết ơn một sự sáng suốt rất hiếm có ở các nhà lãnh đạo chúng tôi, nghĩ rằng ta nên thừa nhận điều này.
Như vậy, theo chủ thuyết mà tôi đã xướng lên từ nhiều năm qua, tôi đã gắng nghiên cứu một cách hệ thống việc làm giàu và hoàn thiện tiếng nước Nam, và tôi tin mình đã có thành công nhất định trong việc đó.
Cách đây khoảng mười lăm năm tiếng nước tôi còn rất chật vật trong việc diễn đạt những tư tưởng trừu tượng. Bây giờ thì nó đã làm được việc đó dễ dàng hơn nhiều. Tôi không phải tự phụ mà tin rằng đó là sự nghiệp duy nhất của tôi; nhưng tôi đã góp một phần khá lớn vào đó và trong việc này tôi đã được hỗ trợ nhiều từ sự hiểu biết của mình về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Người ta sẽ không bao giờ nói hết được việc tiếng nước Nam hiện đại chịu ơn tiếng Pháp đã cấp cho nó sự trong sáng, sự minh bạch, sự chân xác hoàn toàn mới.
Công việc hoàn thiện ngôn ngữ này còn cần phải được tiếp tục một cách kỹ lưỡng hơn, nhưng bước đi đầu tiên đã đi rồi, và nó chứng tỏ ngôn ngữ của chúng tôi một khi được đổi mới, được làm giàu thì nó hoàn toàn có khả năng dùng làm ngôn ngữ văn hóa.
Công cụ đã sẵn sàng. Vấn đề bây giờ là phải bắt tay xây dựng một nền văn hóa dân tộc mà chúng tôi đang thiếu. Nó sẽ là kết quả của sự kết hợp hài hòa Đông Tây, giống như ngôn ngữ làm phương tiện chuyển tải cho nó.
Như tôi đã nói ở bên trên, tiếng Nam mới đã thành công trong việc vay mượn ở tiếng Pháp một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, logic. Cái nền, tức là vốn từ vựng và những cách biểu đạt chính của cú pháp thì là của tiếng Nam, nhưng hình hài thì đang chuyển theo dáng dấp Pháp rồi: dù sao đi nữa thì tiếng Pháp cũng đã bắt đầu in dấu vào tiếng Nam. Và đấy là công thức đúng.
Công thức này cũng sẽ áp dụng cho nền văn hóa dân tộc mới của nước Nam. Cái nền ở đây sẽ bắt nguồn từ chính lối tư duy Viễn Đông, là Nho, Phật, Lão; nền văn hóa đó phải được tạo nên từ các “cổ học Hán Nôm” này mà việc giảng dạy chúng phải được tổ chức sao cho nó có phương pháp. Nhưng hình hài thì phải là kiểu khoa học Tây phương trong cả nội dung lẫn phương pháp, với kỹ thuật chắc chắn, khách quan rõ ràng, chính xác hoàn hảo và những nguyên lý chặt chẽ, mà vẫn không loại trừ phần trực giác vốn có của tri thức Đông phương, một thứ tri thức vừa khoa học vừa minh triết.
Tóm lại, “áp dụng hình thức khoa học Tây phương vào nội dung tri thức Đông phương”- như một nhà phê bình xuất sắc đã nói – đó là con đường phải theo để xây dựng một nền văn hóa dân tộc của nước Nam.
Ít ra thì tôi cũng hiểu như vậy về sự nghiệp cải cách trí tuệ và luân lý mà chúng tôi phải tiến hành ngay cùng với cuộc cái cách chính trị mà tôi đã có dịp trình bày nhiều lần liên tiếp.
(1931