Tuesday, February 8, 2011

Thơ Phạm Công Thiện



VIII
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
IX
rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

 

X
mùa xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
hư không đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều chưa người tới
tình nhỏ quên từ lâu
xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi thức dậy bảy đêm
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm nhỏ
bay về đậu nơi đây
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm rạng điềm hư linh

Thursday, February 3, 2011

Tản Mạn Avatar ...

Bởi vuhavan
Toán không ra, ngồi xem (lại) Avatar.
Đúng là sản phẩm tiêu biểu cúa Holywood, hình ảnh hoành tráng, âm thanh chuẩn, diễn viên đẹp đuôi dài. Cái chủ đề hơi cũ một tý. Người cổ đại (tốt) chiến đấu chống người hiên đại (xấu) bảo vệ thiên nhiên.
Đành rằng bọn người hiện đại nhất định tham lam ăn nhiều, phá hoại môi trường. Nhưng cái trò cứ phải cũ tốt mới xấu, xem ra cũng khiên cưỡng. Trộm nghĩ, người xưa so ra phá hoại cũng chẳng kém, chỉ có điều có một dúm người nên tác động của nó không đáng kể.
Không ít kho tàng cố tích (của đủ mọi nước) thường có chuyện dũng sĩ đi vào rừng chặt một cái cây to nhất làm đồ sính lễ cưới công chúa—cưới được hay không thì còn tùy, nhưng cây cứ phải to. (Title hiện đại kiểu VNN “Ham con nhà giàu, đi làm lâm tặc”.) Một trường hợp cụ thể về phá họai có tính toán thuộc về anh Hẻrcules rất nổi tiếng (thợ săn kiêm vận động viên Olympic toàn năng.) Chàng một hôm nhận được một nhiêm vụ rất hóc là phải đi quét chuồng bò. Nói nghe đơn giản, nhưng đây là chuồng của một lão vua rất giàu, có đến hàng ngàn con bò, phân lưu cữu cả mười năm cao như thạch trận của KHổng Minh. Nghe nói con gái vua cá sấu, Hercules không thèm để ý nên lão càng ghét, bắt quét thật nhanh (không thì phải lấy người mình không yêu). Anh này bí quá, cuối cùng nảy ra một ý nghĩ thần kỳ là phá tường chuồng bò rồi tháo nước sông vào cho phân trôi hết ra sông. Hiển nhiên hành động này cần phải lên án hơn cả Vedan thái chất bẩn ra sông Thi Vải, nhưng thay vì ra tòa chẳng hiểu sao chàng Hercules lại được tính là lập một chiến công. Kể ra có bố làm to cũng sướng !